'Thổi hồn' vào gỗ tạp

Anh Phạm Văn Thế ở xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng) đã 'thổi hồn' vào những thân gỗ tạp bị chặt bỏ, biến chúng thành những món hàng mỹ nghệ tinh xảo.

Trong khu xưởng rền tiếng máy xẻ, máy cắt, máy mài, anh Phạm Văn Thế tỉ mẩn, chăm chú gọt những chiếc muôi, bát gỗ tròn vạnh, khó mà phân biệt được đâu là chủ cơ sở, đâu là thợ. Những khúc gỗ nhãn xù xì qua bàn tay gọt giũa của anh trở thành vật dụng như bát, đĩa, đũa, muôi, thìa... nhẵn nhụi, xinh xắn và tinh xảo như những tác phẩm nghệ thuật. Hơn chục năm nay, chính những đồ vật ấy đã thôi thúc anh không ngừng tìm tòi, sáng tạo để ngày càng hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, tính thẩm mỹ của sản phẩm.

Kể chuyện về chữ “duyên” với nghề, anh Phạm Văn Thế cười: Hơn chục năm trước, khi vừa rời ghế nhà trường, tôi được người thân giới thiệu cho công việc chặt cây thuê. Bà con làng trên xóm dưới, ai cần chặt bỏ cây gỗ tạp, dọn vườn tôi đều nhận làm. Thời gian đó, ngày nào cũng tiếp xúc, vận chuyển những thân gỗ nhãn, vải, gỗ mít... già cỗi lâu năm phần lớn xẻ ván thưng, ván bóc, không thì làm củi đun, tôi thấy rất lãng phí.

Mỗi khi có thời gian, anh Thế thường lui tới các xưởng mộc để tìm hiểu về các loại máy móc chuyên dụng chế biến gỗ như cưa, tiện, mài, khoan, đục… rồi kiên trì quan sát những người thợ thao tác để hiểu quy trình vận hành của từng loại máy móc. Thấy anh hứng thú với nghề mộc, nhiều công nhân tận tình chỉ bảo và cho anh tập đứng máy. Anh cũng thường xuyên tham khảo trên ti vi, đài, báo, mạng internet về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ.

Thế rồi khi có lưng vốn, anh mua dần từng loại máy móc phục vụ cho đam mê. Vậy nhưng, vạn sự khởi đầu nan, từ đam mê đến thành công là con đường rất dài của sự kiên trì và quyết tâm. Những sản phẩm đầu tay anh làm ra không suôn sẻ, trong đầu nghĩ ra mẫu đẹp nhưng khi tay làm lại méo mó, nứt, vỡ… Có thời điểm anh chán nản, mặc kệ đống máy móc trong góc nhà, định bỏ cuộc, thế nhưng những “hồn gỗ” vẫn thúc giục anh tái sinh đời sống mới cho chúng. Vậy là anh lại tỉ mỉ nghiên cứu tài liệu, thực hành nghề.

“Có công mài sắt có ngày nên kim”, anh đã cho ra những sản phẩm như mong muốn. Khâu đánh bóng, sơn, hoàn thiện cũng được anh thực hành thuần thục để tạo ra những sản phẩm tinh xảo.

Từ những sản phẩm đầu tiên đi chào hàng không ai mua, nay những dụng cụ nhà bếp bằng gỗ của anh Thế đã chinh phục được nhiều đối tượng khách hàng cao cấp, có thị hiếu thẩm mỹ. Những sản phẩm do cơ sở của anh làm ra vừa làm vật trang trí, lại sử dụng được để nấu ăn, chế biến thực phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, việc lựa chọn gỗ tạp có giá rẻ nhưng độ bền cao đã giúp sản phẩm có giá cả hợp lý. Trung bình mỗi năm, hàng vạn sản phẩm các loại được xuất bán với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/sản phẩm. Không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, sản phẩm của cơ sở còn được xuất bán sang thị trường một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

Chia sẻ về trở ngại khi quyết định đầu tư theo nghề gỗ mỹ nghệ, anh Thế cho biết: Khó khăn nhất là đầu tư thiết bị, máy móc như máy cưa, máy xẻ, khoan, đục, mài, soi, tua bin... mỗi loại có giá vài chục triệu đồng. Chưa kể, những chi tiết đi kèm với máy phải mua riêng như mũi khoan hợp kim giá từ 1 - 2 triệu đồng/mũi, một bộ có số lượng vài chục mũi. “Tôi đã phải vật lộn với nhiều nghề khác để kiếm tiền đầu tư vào máy móc chế tác gỗ” - anh Thế nói.

Giờ đây, anh Thế không chỉ thành thục các khâu kỹ thuật, mỗi chất liệu gỗ khác nhau cho ra những sản phẩm chất lượng, mà còn nắm rõ xu hướng sử dụng sản phẩm từ chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Cơ sở sản xuất tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hiện cơ sở của anh có 13 lao động thường xuyên và khoảng 20 lao động thời vụ.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/thoi-hon-vao-go-tap-post378708.html