Thói quen ăn nhậu của người Việt: Vui hay buồn, được hay mất?

Gần đây, báo chí đưa tin: Năm 2013, người Việt Nam tiêu thụ 3 tỉ lít bia, tăng 10% so với năm ngoái; ước tính giá trị trên 3 tỉ USD. Trung bình mỗi người Việt uống 32 lít/năm. Việt Nam là nước đứng thứ 25 trên toàn thế giới, là nước nằm ở tốp đầu của Châu Á, là nước số 1 trong khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ bia.

Xét về mặt kinh tế, tiêu thụ bia nhiều như vậy là có lợi, tạo được việc làm cho nhiều người, nguồn thu ngân sách nhà nước từ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt này cũng đạt khá. Tuy nhiên, xét về mặt xã hội, sức khỏe, thì các con số “biết nói” ở trên đáng để mỗi chúng ta suy ngẫm về phong trào, thói quen uống bia (kể cả rượu) nhiều của người Việt.

Điều kiện cuộc sống, kinh tế của nhân dân, cán bộ nhiều năm có phần cải thiện, khấm khá hơn, chính vì thế, lễ lộc, tết nhất, tiệc tùng, cúng giỗ, cưới xin, quan hệ công việc, bạn bè, bà con... được tổ chức thường xuyên hơn, quy mô hơn, đình đám hơn, trong đó không thể thiếu thức uống rượu, bia... Nhiều nơi, nhất là có thói quen, uống theo phong trào và đã uống phải cho nhiều, cho “đã”, cho say xỉn mới chịu thôi. Uống, nhậu cũng có hội, có bè. Những anh không uống được, hay né tránh tiệc, nhậu, thì bị cho là không biết chơi, thiếu quan hệ xã giao, tính giống đàn bà, nghỉ chơi luôn.

Hầu hết, quán xá trong Nam, ngoài Bắc, trưa, tối nào cũng đông nghịt dân nhậu, rôm rả đủ thứ chuyện, thi nhau chúc cụng, “zô 100%”. Tôi đi du lịch, công tác ở Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh... từng vào hàng quán, thấy dân Tây sang mình uống bia, rượu rất khiêm tốn, chỉ dùng vài chai, vài ly thôi, khác hẳn cánh dân Việt mình.

Theo thống kê, 60% số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây chết người, bị thương nặng ở nước ta, là có liên quan đến yếu tố bia, rượu. Mặt khác, nhiều đối tượng lạm dụng bia, rượu dẫn đến say xỉn, không làm chủ được hành vi của mình cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản gây mâu thuẫn căng thẳng trong các tầng lớp dân cư, tổn hại đến hạnh phúc của nhiều gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng lao động. Cơ quan chức năng thống kê được trên 70% số vụ xô xát, gây gổ, đến đâm chém nhau của đối tượng thanh - thiếu niên từ thành thị đến nông thôn, cũng có liên quan đến rượu bia. Khi được hỏi, nhiều người vẫn biết rằng uống bia, rượu nhiều, thường xuyên là tổn hại lâu dài về sức khỏe, nhiều bệnh tật phát sinh và các hậu quả, liên lụy khác, nhưng họ vẫn chưa thể từ bỏ được thói quen uống bia, rượu nhiều và thường xuyên. Cứ đến 4 - 5 giờ chiều là nhớ bia, nhớ bạn nhậu. Vào đám tiệc, uống được vài ly... cứ thế uống tới bến...

Đã đến lúc, các cơ quan chức năng của chúng ta cần có những hình thức tuyên truyền rộng khắp cả nước, hạn chế việc uống bia, rượu nhiều ở nam giới để đảm bảo sức khỏe, tinh thần, an toàn giao thông, hạnh phúc gia đình. Các chuyên gia tính toán, 3 tỉ USD của người Việt dùng để uống bia trong 1 năm bằng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 3 năm. Giảm uống bia xuống, dành số tiền đó đầu tư vào sản xuất, vào kinh tế thì mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho gia đình, xã hội, đất nước. Người viết mong, thói quen uống nhiều bia của người Việt giảm xuống. Nó sẽ có nhiều cái được, cái lợi hơn rất nhiều.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc-viet/thoi-quen-an-nhau-cua-nguoi-viet-vui-hay-buon-duoc-hay-mat-184137.bld