Thói quen nào đã đưa đến những thành tựu của Einstein?

Khi làm việc, Einstein hình dung và vẽ ra trong đầu sự thành công rồi mới bắt tay vào làm.

Nhà vật lý lý thuyết Albert Einstein sinh ra tại Đức. Năm 1905 được gọi là “năm kì diệu của Einstein” vì ông đã liên tiếp công bố ba lý thuyết: Giả thuyết lượng tử ánh sáng; Lý thuyết về chuyển động Brown và Thuyết tương đối hẹp (Thực tế, tính cả luận án tiến sĩ vào năm đó, ông đã công bố tổng cộng sáu bài luận văn).

Vì sao Einstein lại coi trọng trực giác?

Thế nhưng, điều đáng kinh ngạc ở đây là, tại thời điểm chuẩn bị cho những bài luận mang tính bước ngoặt như vậy, Einstein không phải là một giáo sư tại trường đại học mà chỉ là một nhân viên của Cục sáng chế. Chẳng một ai có thể ngờ rằng người tạo ra cuộc cách mạng trong ngành vật lý lại là một nhân viên nhà nước vô danh.

Vậy thói quen nào đã đưa đến những thành tựu của Einstein - nhà khoa học vĩ đại được sánh ngang với Newton?

Khi làm việc, Einstein hình dung và vẽ ra trong đầu sự thành công rồi mới bắt tay vào làm. Nói cách khác, đó là bắt đầu với việc tưởng tượng ra thành công có thể mang lại rồi mới tiến hành công việc. Einstein cho rằng, thay vì suy tính rồi hi vọng biết đâu có thể thành sự thực, tiên đoán những thành công mình sẽ có được dựa vào trực giác (hay cảm hứng), mới khiến kế hoạch trở nên khả thi.

Einstein luôn tin rằng “Chân lý là thứ vừa đẹp đẽ mà lại giản đơn.” Ông cũng tin rằng “Những định luật trong vật lý học là những điều đơn giản và rõ ràng.” Chính vì thế, ông không thích và cũng không có ý định chấp nhận Cơ học lượng tử có liên quan tới xác suất và thống kê.

Liên quan đến việc này, Einstein đã nói như sau:

“God does not play dice with the universe”.

Nghĩa là “Chúa trời không chơi xúc xắc với vũ trụ này”. Câu nói này mang hàm nghĩa rằng không thể dùng xác suất để giải câu đố chắc chắn là không hề phức tạp mà Chúa tạo ra.

Einstein tin rằng chân lý không phức tạp cũng đơn giản đến bất ngờ, và nếu trực giác không cho thấy điều đó sẽ thành công thì khả năng lớn đó sẽ là một thất bại. Có lẽ đó chính là lý do vì sao mà ông luôn hình dung về thành công trong đầu rồi mới bắt tay vào làm việc.

 Nhà vật lý thiên tài Albert Einstein. Nguồn: focus.

Nhà vật lý thiên tài Albert Einstein. Nguồn: focus.

Cố ý đơn giản bữa ăn và trang phục

Einstein có niềm tin rằng “Chân lý là thứ vừa đẹp đẽ mà lại giản đơn.” Suy nghĩ này cũng được áp dụng vào cuộc sống sinh hoạt của ông. Đầu tiên phải kể đến bữa ăn. Bữa ăn của Einstein giản dị. Món ăn yêu thích của ông là mì Ý với phô mai và cà chua. Ông thích trà và cà phê chứ không uống rượu.

Trang phục của ông cũng rất đơn giản. Ngày thường ông chỉ khoác thêm một chiếc áo khoác da cũ kĩ hoặc áo vest mà cũng chẳng cần đến một chiếc cà vạt. Ông ít khi đi tất. Tóc ông luôn để dài. Bạn có thể bắt gặp mái tóc rối bù của ông trong rất nhiều bức ảnh còn sót lại.

Tuy nhiên tất cả những điều trên đều là cách ông cụ thể niềm tin “Chân lý” là thứ vừa đẹp đẽ mà lại giản đơn vào hành động mà thôi. Lý do ông để tóc dài là vì không muốn tốn công đi đến tiệm cắt tóc. Ông cũng không muốn đi tất là vì nếu lỡ thủng lỗ thì sẽ mất công ai đó phải vá lại. Con người sẽ trở thành nô lệ của chính những thứ mình sở hữu khi có quá nhiều. Vậy nên, để có được sự tự do, cần phải cố gắng để không sở hữu bất cứ cái gì.

Ngày 17 tháng 11 năm 1922, Einstein đã đến Nhật Bản theo lời mời của nhà xuất bản Kaizo, và có bài diễn thuyết đầu tiên tại Đại học Keio vào hai ngày sau. Khi người phiên dịch ngỏ ý muốn Einstein chuẩn bị sẵn dàn ý, ông đã nói như sau “Viết trước dàn ý sẽ làm cứng nhắc tư duy. Tôi muốn đối diện người nghe và nói chuyện thật cởi mở”. Ở đâu Einstein cũng thực hiện cách suy nghĩ đơn giản của mình.

Einstein được bắt chuyện thân mật trên phố

Tuy đã nổi danh trên khắp thế giới nhờ ba lý thuyết vĩ đại, Einstein không hề tỏ ra mình là người nổi tiếng mà vẫn sống một cuộc sống khiêm tốn. Năm 1933, sau khi chính quyền rơi vào tay Phát-xít Đức, Einstein đã từ bỏ quốc tịch Đức và dẫn theo gia đình lưu vong tới Mĩ. Khi đó ông 54 tuổi.

Ông làm việc ở Viện nghiên cứu cao cấp Đại học Princeton cho đến năm 1945, và vẫn duy trì lối sống giản dị ở đây. Từ 9 đến 10 giờ sáng ông ăn sáng và rời khỏi nhà đến viện nghiên cứu vào lúc 10 giờ 30 phút. Nếu thời tiết đẹp, ông sẽ dạo bộ đến trường, còn nếu mưa viện sẽ có xe đến đón ông.

Ông ở phòng nghiên cứu đến 13 giờ rồi về nhà và ăn trưa lúc 13 giờ 30 phút, ngủ trưa và uống một tách hồng trà vào buổi chiều. Ông làm nốt công việc dang dở ở nhà riêng, gặp gỡ mọi người và đọc qua những lá thư mà thư ký đã tổng hợp sẵn.

Vì Albert Einstein sống một cuộc sống giản dị như vậy, nên mọi người không ngần ngại bắt chuyện với ông trên phố. Ông cũng có nhiều người hâm mộ và thỉnh thoảng lại bị người hâm mộ “phục kích” trên đường đi làm hoặc trên đường về.

Những lúc đó, Einstein trò chuyện với họ như những người hàng xóm với nhau, thỉnh thoảng tặng họ vài câu bông đùa. Nhưng người ta nói đấy là “sự hào phóng” của Einstein. Có người kể rằng, ông lắc lư cái đầu với đồng nghiệp, tự chế giễu: “Chà, con voi già lại biểu diễn rồi” khi hồi tưởng lại chuyện bông đùa với mọi người trên phố.

Luôn ý thức về các hành vi của chính mình, có thể nói trong mối quan hệ với mọi người Einstein cũng hành động với phương châm không kết giao bừa bãi. Mọi hành động dù giản đơn, đều mang lại một kết quả rõ ràng. Đó chính là những điều mà ta có thể học được từ Einstein.

Kyoyo Soken / Tân Việt Books & NXB Lao động

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thoi-quen-nao-da-dua-den-nhung-thanh-tuu-cua-einstein-post1340212.html