Thói quen nguy hiểm từ vụ nữ sinh lớp 11 thủng ruột do nuốt tăm

Không ít trường hợp nuốt tăm khi xỉa răng hoặc ngậm tăm khi ngủ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang điều trị cho em N.T.T. (học sinh lớp 11, ở Vĩnh Phúc) bị nhiễm trùng ổ bụng nặng (viêm phúc mạc toàn thể).

Theo người nhà bệnh nhân, em T. có thói quen hay xỉa răng và ngậm tăm sau khi ăn. Cách 1 tuần trước khi phải đi cấp cứu, em T. có biểu hiện đau bụng kèm theo sốt. Sau đó, các dấu hiệu đau bụng tăng nhiều, sốt cao.

Hiện bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu bằng phương pháp phẫu thuật nội soi kết hợp với mổ mở, lấy ra một dị vật dài 3cm nhọn 2 đầu bằng tre.

Chiếc tăm được lấy ra trong ruột của bệnh nhân 17 tuổi ở Vĩnh Phúc. Ảnh: BVCC

Chiếc tăm được lấy ra trong ruột của bệnh nhân 17 tuổi ở Vĩnh Phúc. Ảnh: BVCC

Đáng lưu ý, bệnh nhân N.T.T chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp gặp nạn vì tăm xỉa răng. Trước đó, vào tháng 1/2023, ông L.Q.M. (59 tuổi, ở Cần Thơ) cũng nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau vùng bụng phải khoảng nửa tháng, ho nhiều.

Bệnh nhân được chụp cắt lớp ngực - bụng, ghi nhận dị vật cản quang dạng đường đâm xuyên tĩnh mạch chủ dưới và cơ thắt lưng chậu phải dài khoảng 6cm; khối choáng chỗ dạng dịch vùng cơ thắt lưng chậu phải nghi áp xe cơ thắt lưng chậu phải; huyết khối trong tĩnh mạch chủ dưới; viêm phổi, tràn dịch màng phổi 2 bên.

Tình trạng đau bụng đã kéo dài 20 ngày, ăn uống kém. Bệnh nhân suy kiệt, nhiễm trùng toàn thân nặng. Bệnh viện đã cho hồi sức nội khoa tích cực, nâng đỡ thể trạng, hội chẩn các chuyên khoa thống nhất phẫu thuật. Sau khi các bác sĩ lấy thành công cây tăm dài 6,5 cm ra khỏi người ông M., sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục.

Được biết, bệnh nhân M. có thói quen ngậm tăm sau khi ăn, thậm chí trong khi đi ngủ.

Hình ảnh cây tăm nhọn trong người bệnh nhân 59 tuổi Ảnh: BVCC

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, bác sĩ Phạm Thanh Hải (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) khuyến cáo, mọi người cần nhai kỹ trước khi nuốt. Không nên cười đùa, xem tivi, lướt web… trong khi ăn.

Ngậm tăm sau khi ăn là thói quen rất nguy hiểm. Mọi người có thể vô tình nuốt chiếc tăm, dị vật đi vào ống tiêu hóa. Tăm tre không bị men tiêu hóa phân hủy nên sẽ di chuyển trong suốt chiều dài của lòng ruột, dễ gây nên nhiều biến chứng, nặng nhất gây thủng ống tiêu hóa và viêm phúc mạc toàn thể, ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại nhiều di chứng.

Đặc biệt, nhiều trường hợp ngậm tăm rồi ngủ quên, khiến tăm rơi vào cổ họng, trở thành dị vật đường thở. Nếu không lấy ra, những đầu sắc nhọn có thể gây tổn thương, chảy máu, thủng đường tiêu hóa, viêm nhiễm, tắc nghẽn đại tràng, xuất huyết tiêu hóa, áp xe, hình thành rò tiêu hóa, thậm chí tử vong.

"Khi phát hiện nuốt hoặc hóc dị vật, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra, xử trí kịp thời", bác sĩ Phạm Thanh Hải nhấn mạnh.

Bảo Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thoi-quen-nguy-hiem-tu-vu-nu-sinh-lop-11-thung-ruot-do-nuot-tam-169230601162657576.htm