Thói thực dụng lây lan

Ai dám chắc những hành xử của cha mẹ không ăn sâu vào tiềm thức của con, để con lớn lên cũng vào đời bằng sự ích kỷ, bất chấp hậu quả gây ra cho người khác, cho xã hội

Một cao ốc ở quận 3, TP HCM có 2 tầng hầm, 11 tầng cao song chỉ có 2 thang máy, những lúc cao điểm thì những người làm việc trong các văn phòng, công ty tại cao ốc có phần vất vả vì phải chờ đợi thang.

Tuy nhiên, hầu hết đều chấp nhận tình trạng đó, nhiều người sẵn sàng nhường thang cho phụ nữ, nhất là các "bà bầu" và chờ đến lượt, ra vào thang không chen lấn, ồn ào.

Nhỏ nhen mà tưởng rằng hay (!)

Nhưng cũng không ít bạn trẻ làm việc trong tòa cao ốc này không biết cách xử sự có văn hóa. Họ cười nói ồn ào, đùa giỡn trong thang máy là chuyện có thể thông cảm vì họ còn trẻ, song nhiều người có lối hành xử gọi là "chơi không đẹp", đem cái khôn lỏi ra để giành giật, để được lợi cho mình. Đó là lúc cao điểm, người tập trung cao nhất ở tầng hầm và tầng trệt. Tầng hầm là nơi người mới vào, gửi xe rồi lên thang. Tầng trệt là nơi người đến sớm hoặc đi ôtô, đi xe người nhà đưa đón, đã ra ngoài cà phê, ăn sáng, đến giờ lên thang máy vào làm việc. Cái thói rất xấu là thay vì đứng chờ ở thang máy tầng 1 thì nhiều người lợi dụng lúc thang đi xuống, họ vào thang để theo xuống tầng hầm. Tới nơi, họ không ra mà chờ sẵn để lên tầng họ làm việc. Hành xử này khiến cho nhiều người ở tầng hầm bị giành phần vì cửa thang vừa mở thì trong thang đã đầy người, không gian thang máy và đến lượt được đi của mình đã bị người khác chiếm dụng.

Trong một chương trình truyền hình thực tế, một thanh niên đã trả lời cô gái rằng: "Em ơi, không nhậu làm sao lên chức lên lương". Anh chàng nói không sai nhưng nhiều người ắt cũng giật mình bởi chàng trả lời tỉnh bơ quá, như là chuyện tất yếu của cuộc sống, phải là như vậy, không thể khác.

Chạy xe leo lên lề đã thành thói xấu của không ít người dân TP HCM và Hà Nội Ảnh: GIA MINH

Chạy xe leo lên lề đã thành thói xấu của không ít người dân TP HCM và Hà Nội Ảnh: GIA MINH

Ai cũng hiểu, nhậu vừa phải, chừng mực cũng là việc cần trong giao lưu, kết nối tình cảm trong các mối quan hệ xã hội. Nhưng nhậu quá đà, chìm trong bia rượu, nhậu để nịnh bợ, để lên chức lên lương là không ổn. Càng không ổn khi trong cuộc nhậu bày mưu tính kế hại người khác, kéo bè kết cánh, vẽ ra những thủ đoạn tranh đoạt quyền lực, giành giật tiền bạc một cách không sòng phẳng thì rõ ràng là không nên, làm tha hóa con người, khiến con người trở nên tầm thường, vị kỷ, hèn hạ, phi nhân…

Bất chấp sự công bằng cần có

Đang lưu thông trên đường, hễ gặp kẹt xe phía trước là nhiều người chạy xe máy ở TP HCM và Hà Nội tìm cách leo lên lề đường, giành giật từng không gian nhỏ hẹp để vượt lên. Nhiều đêm, khoảng từ 21 đến 24 giờ, dù đường vắng, nhiều người kiên nhẫn chờ khi đèn đỏ, song cũng không ít người thấy vắng bóng CSGT là vượt đèn đỏ ngay. Nhiều người có tiền đi ôtô nhưng ngồi trên xe cứ thẳng tay vứt những bịch nước đã uống xuống đường; lái xe lấn cả vào làn vốn đã chật hẹp dành cho xe máy…

Thật đáng buồn khi sự ích kỷ, thực dụng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, đi vào tâm tư tình cảm, vào suy nghĩ, nhận thức và hành động nhiều người. Vì chút thời gian để lên chỗ làm sớm hơn người khác, vì muốn được sếp quan tâm nâng đỡ, người ta đã làm điều không đáng phải làm nếu là người có lòng tự trọng. Họ bất chấp sự công bằng cần thiết trong lẽ sống. Họ phấn đấu không bằng năng lực và sự tự trọng bản thân mà bằng sự nịnh bợ, hèn kém, bằng giành giật và thủ đoạn, rồi cho là mình khôn hơn, giỏi hơn người khác (?!).

Đó là điều đáng lo về một mặt phản ánh sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đáng lo hơn nữa khi xuất phát từ những người trẻ tuổi. Rồi họ sẽ là những người chủ gia đình, họ sẽ dạy con ra sao khi chính họ đã là những tấm gương trong phát ngôn, ứng xử hằng ngày? Ai dám chắc những hành xử của cha mẹ không ăn sâu vào tiềm thức của con, để con lớn lên cũng vào đời bằng sự ích kỷ, khôn vặt, bất chấp hậu quả gây ra cho người khác, cho xã hội thế nào.

Bẻ cây, chơi thích chí lấy một mình

Từ năm 1914, Nguyễn Đỗ Mục đã viết trên Đông Dương tạp chí: "Cái tật ích kỷ vốn là một thứ hay lây: Trông thấy những vườn hoa cây cảnh ở sân nhà trường hay ở nơi đền chùa hoặc cạnh đường đi lối lại, đã không biết giữ gìn để làm một cái cảnh vườn chung thì chớ, nhiều người lại còn đang tay bẻ tàn bẻ hại, để đem về nhà mà chơi thích chí lấy một mình. Cái chứng ích kỷ đã mọc ra, đến lúc lớn lên thành ra một người đi đến đâu phá hủy đến đấy. Cũng vì lẽ đó mà dân An Nam không mấy khi có được cảnh vui chung, ai có muốn chơi cảnh thì lại phải xây một vài cái bể cạn hay là bày mươi lăm cái chậu con để làm một khu vui riêng mà không chung chạ với ai cả. Dần dần nảy ra một cái tư tưởng đáng cười, đáng khinh, đáng ghét, đáng sợ là hai chữ ích kỷ, mà một câu "ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" đủ vẽ hết được ruột gan.

KIỀU GIANG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/thoi-thuc-dung-lay-lan-20181110203653751.htm