Thời tiết chuyển mùa, cách phòng tránh các bệnh viêm đường hô hấp thường gặp ở trẻ em

Viêm đường hô hấp cấp tính là bệnh phổ biến thường gặp nhất ở trẻ em, diễn tiến theo mùa, thường tăng cao vào tháng 10-12 hàng năm. Do có nhiều tác nhân virus khác nhau đều có thể gây bệnh viêm hô hấp nên một trẻ có thể bị mắc bệnh nhiều lần.

Viêm đường hô hấp cấp tính là bệnh phổ biến thường gặp nhất ở trẻ em, diễn tiến theo mùa ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, thường tăng cao vào tháng 10-12 hàng năm.

Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Số liệu tổng hợp từ các bệnh viện trong 10 tháng đầu năm 2023 cho thấy bệnh nhi bị viêm đường hô hấp cấp điều trị ngoại trú, nội trú và tử vong thấp hơn cùng kỳ so với các năm trước dịch COVID-19 (từ năm 2015 đến 2019).

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù số ca đến khám tại các cơ sở y tế có gia tăng trong những tháng cuối năm 2023, nhưng hệ thống giám sát chưa ghi nhận các ổ dịch viêm đường hô hấp tại các trường học trong những tháng gần đây. Điều này phù hợp với độ tuổi mắc bệnh đợt này chủ yếu ở trẻ nhỏ.

Những trường hợp viêm phổi hoặc có bệnh lý nền cần được nhập viện chẩn đoán và điều trị đúng cách, kịp thời để ngăn các biến chứng nặng và hạn chế tử vong. Ảnh minh họa: familydoctor.org

Đa số các bệnh viêm đường hô hấp do virus chỉ cần điều trị triệu chứng và tự khỏi, những trường hợp viêm phổi hoặc có bệnh lý nền cần được nhập viện chẩn đoán và điều trị đúng cách, kịp thời để ngăn các biến chứng nặng và hạn chế tử vong. Do có nhiều tác nhân virus khác nhau đều có thể gây bệnh viêm đường hô hấp nên một trẻ có thể bị mắc bệnh nhiều lần.

6 bệnh viêm đường hô hấp thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh

Bệnh cảm cúm

Bệnh cúm do virus cúm (Influenza virus) gây ra, có khả năng lây nhiễm rất cao, lây truyền nhanh, có thể gây dịch và đại dịch.

Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa virus cúm qua ho, hắt hơi. Virus vào cơ thể qua đường mũi họng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện giao mùa, thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày.

Cảm cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với các biểu hiện: Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho, triệu chứng ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhất là ở trẻ em.

Thời gian ủ bệnh: Thường từ 1 tới 4 ngày, bệnh có thể bắt đầu trước sốt 1 ngày và kéo dài tới 7 ngày ở người lớn, thậm có thể là nhiều tháng nếu người bị suy giảm miễn dịch mắc bệnh.

Bệnh viêm xoang

Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng của màng niêm mạc lót trong lòng các xoang gây ra bởi vi trùng, siêu vi trùng hay dị ứng dẫn tới phù nề, thu hẹp đường kính các lỗ xoang làm cho mủ và dịch viêm ứ đọng trong xoang do không thoát được ra ngoài gây tình trạng tích tụ chất lỏng hoặc chất nhầy bên trong.

Viêm xoang là một bệnh lý nhiễm trùng nên thường có những dấu hiệu như đau nhức, sốt, chảy dịch, nghẹt mũi hay điếc mũi. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh rất khó khăn vì những dấu hiệu đặc trưng của bệnh không rõ ràng, nhất là ở giai đoạn đầu. Những dấu hiệu đặc trưng chỉ xuất hiện khi bệnh đã vào giai đoạn nặng.

Viêm thanh quản

Viêm thanh quản là bệnh phổ biến ở nhiều đối tượng, cả trẻ em và người lớn. Nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, viêm thanh quản có thể gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Ở trẻ em, viêm thanh quản cấp thường gặp ở trẻ từ 1 - 6 tuổi. Nguyên nhân hay gặp gây viêm thanh quản cấp ở trẻ em thường do lạnh, trẻ khóc nhiều hoặc nói nhiều kết hợp với các yếu tố môi trường, virus hoặc vi khuẩn gây bệnh.

Thông thường, trẻ bị viêm thanh quản cấp thường có triệu chứng sốt cao hoặc sốt nhẹ, khóc khàn hoặc khàn tiếng, ho, thở rít. Các triệu chứng thường nặng hơn khi về ban đêm.

Viêm thanh quản mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc thanh quản tái đi tái lại nhiều lần hoặc quá trình viêm thanh quản kéo dài gây nên. Người bệnh lúc đầu thường có biểu hiện: nuốt vướng nhẹ, nói khó, khó cất giọng cao hoặc khó hát. Sau đó, bệnh nhân thấy tiếng khàn dần rồi dần dần mất tiếng. Có thể kèm theo ho có ít đờm vào buổi sáng. Có cảm giác ngứa, cay hoặc rát nhẹ vùng thanh quản.

Viêm phế quản

Viêm phế quản chỉ tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản. Các tổn thương này gây ra hàng loạt các triệu chứng, trong đó điển hình nhất các cơn ho, đờm.

Bụi bẩn, ô nhiễm không khí, khói thuốc… là những tác nhân phổ biến gây tổn thương đường hô hấp, từ đó gây nên viêm phế quản. Bên cạnh đó, hệ thống miễn dịch của người bệnh bị tổn thương là điều kiện thuận lợi để vi rút tấn công gây bệnh. Đặc biệt, nếu người đó đang mắc phải bệnh lý khác như cảm lạnh… Thông thường, người mắc viêm phế quản do nguyên nhân này chủ yếu là đối tượng người cao tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

Viêm phế quản chỉ tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản. Các tổn thương này gây ra hàng loạt các triệu chứng, trong đó điển hình nhất các cơn ho, đờm. Ảnh minh họa: sog.com.sg

Viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản do virus gây ra và là một bệnh phổi phổ biến. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi và trong những tháng mùa đông. Trong một số trường hợp, đặc biệt là nếu có vấn đề sức khỏe cơ bản hoặc trẻ sơ sinh đẻ non, viêm tiểu phế quản có thể trở nên nghiêm trọng và phải nhập viện.

Hầu hết các trường hợp nguyên nhân viêm tiểu phế quản là do virus hợp bào (RSV) gây ra. Các đợt bùng phát bệnh nhiễm virus RSV thường xảy ra mỗi mùa đông.

Người bệnh truyền bệnh cho người khác thông qua những giọt nước trong không khí khi bị ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Người bệnh cũng có thể lây cho người khác bằng cách chạm vào các đồ vật sử dụng chung khăn hoặc đồ chơi và sau đó người khỏe mạnh lại chạm vào mắt, mũi hoặc miệng thì sẽ bị lây bệnh.

Khi bị viêm tiểu phế quản, không có các dấu hiệu đặc trưng bởi các triệu chứng của bệnh thường giống và cũng gặp ở các bệnh viêm đường hô hấp khác.

Các dấu hiệu thường gặp như: Ho, có thể có đờm hoặc không đờm; Sốt cao hoặc nhẹ, sốt cơn hoặc liên tục, thậm chí là có trẻ không bị sốt; Viêm long hô hấp trên gây sổ mũi nghẹt mũi; Đờm tiết ra nhiều, có thể có màu xanh, vàng hay trắng; Thở khò khè, thở nhanh; Trẻ biếng ăn...

Viêm phổi

Bệnh viêm phổi là tình trạng các phế nang trong phổi bị viêm do một nguyên nhân bất kỳ gây ra. Viêm phổi có thể xuất hiện tại một vị trí cố định hay một vài vùng. Nguy hiểm hơn là xuất hiện viêm toàn bộ phổi. Nguyên nhân gây viêm phổi có thể do vi khuẩn, virus hoặc do nấm.

Ngay sau khi mắc bệnh, người bị viêm phổi sẽ xuất hiện các triệu chứng cụ thể như: Tức ngực, khó thở, Gây mệt mỏi, suy nhược, Thân nhiệt luôn tăng cao không giảm. Cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi. Trong một số trường hợp người cao tuổi và có hệ miễn dịch yếu thì nhiệt độ cơ thể sẽ giảm thấp hơn so với nhiệt độ thông thường. Có thể xuất hiện các tình trạng như tiêu chảy, nôn mửa không kiểm soát.

Viêm phổi có thể gặp phải ở rất nhiều đối tượng bao gồm cả trẻ nhỏ. Khi trẻ nhỏ mắc bệnh viêm phổi sẽ vô cùng nguy hiểm. Các triệu chứng mắc bệnh tương tự như cảm sốt nên rất dễ bị nhầm lẫn.

Khi thấy trẻ sốt, bỏ bú, ho, khó thở, nôn mửa và mệt mỏi, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để phát hiện bệnh kịp thời.

Bệnh viêm phổi có tính lây truyền rất lớn. Với các đối tượng có nguy cơ dễ mắc bệnh như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh nền cần tránh xa các đối tượng mắc bệnh. Luôn cẩn trọng và chú ý khi thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng giống với bệnh viêm phổi.

Luôn luôn che miệng, mũi khi ho, khi hắt hơi để phòng bệnh viêm đường hô hấp. Ảnh minh họa: istock.com

Cách phòng bệnh viêm đường hô hấp

Để phòng bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ em nói riêng và cho cả cộng đồng nói chung, mỗi người dân cần thực hiện các biện pháp dưới đây:

Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng cho bản thân người lớn và cho trẻ em.

Luôn luôn che miệng, mũi khi ho, khi hắt hơi.

Ngoài việc tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng, khuyến khích tiêm các vaccine cúm, phế cầu nếu có đủ điều kiện. Trẻ em có bệnh lý nền cần được theo dõi, điều trị ổn định để giảm thiểu nguy cơ chuyển nặng khi bị viêm đường hô hấp.

Người lớn, đặc biệt là phụ nữ có thai, người già và người có bệnh lý nền, cần tiêm vaccine cúm hàng năm.

Người đang có các triệu chứng viêm đường hô hấp nên mang khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và người có bệnh lý nền.

Giữ ấm cơ thể, duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối; dinh dưỡng hợp lý theo tuổi đặc biệt tranh thủ nguồn sữa mẹ ở tuổi nhũ nhi.

Giữ gìn nhà cửa sạch thoáng cũng góp phần phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Minh Châu

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thoi-tiet-chuyen-mua-cach-phong-tranh-cac-benh-viem-duong-ho-hap-thuong-gap-o-tre-em-179231125074957413.htm