Thời tiết cực đoan: Cuộc sống người dân đảo lộn

Nắng gắt kéo dài và mưa lũ bất thường - thời tiết cực đoan đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và thiệt hại rất lớn cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Hội nghị phòng, chống thiên tai sáng 13/7 tại Lào Cai đã ghi nhận những tham luận quan trọng nhằm ứng phó hiệu quả tình hình hiện nay.

Mưu sinh giữa trời nắng nóng. Ảnh: Quang Vinh.

Mưu sinh giữa trời nắng nóng. Ảnh: Quang Vinh.

Hội nghị quy tụ 300 đại biểu đến từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, nhiều bộ, ngành, và đại diện của 13 tỉnh, thành miền núi phía Bắc. Được xem như một “Hội nghị Diên Hồng” cấp bách thảo luận, phân tích diễn biến cực đoan, khó lường của thời tiết thời gian qua, khẩn trương đề ra giải pháp thiết thực, chủ động ứng phó với kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra.

Diễn biến xấu của thời tiết

Theo Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường. Đợt nắng nóng kéo dài liên tục ở miền Bắc và miền Trung nhiều tuần qua, độ ẩm không khí giảm đột ngột, nhiệt độ tăng cao rất nguy hiểm; đã gần chạm mức kỷ lục của năm 2017. Đã có lúc nhiệt độ tại Hà Nội hơn 41°C. Đã có chuyện “luộc chín tôm, rán chín trứng” ở ngoài đường phố. Như vậy thời tiết cực đoan này đang giống như các năm 2010 và 2015 (khi El Nino xuất hiện) khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, nhất là đối với cư dân các thành phố.

Đại diện đến từ Bộ NNPTNT, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, các tỉnh thành đều thống nhất cần phải huy động toàn lực để ứng phó với diễn biến thời tiết cực đoan. Các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hà Giang…, càng phải đặc biệt chú trọng tập trung nhân lực ứng trực, cảnh giới thời tiết, luôn phải sẵn sàng nhân lực tại chỗ, chủ động từ xa và có kế hoạch dài hơi đối với những công trình, địa điểm xung yếu.

Thiên tai xảy ra thì cần khắc phục hậu quả theo thứ tự ưu tiên: 1/Tìm kiếm cứu nạn (tính mạng con người là trên hết) di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm, thiết lập hệ thống cảnh báo các khu vực có nguy cơ cao tiếp tục lũ quét, sạt lở đất; 2/ Bảo đảm an sinh xã hội, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, giữ vững an ninh trật tự tại các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai; 3/ Khôi phục sản xuất, hỗ trợ tái định cư, từng bước ổn định đời sống nhân dân; 4/ Sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi, công trình dân dụng bị hư hỏng.

Quang cảnh Hội nghị.

“4 tại chỗ” có tính quyết định và là giải pháp tối ưu

Khu vực miền núi phía Bắc có độ dốc lớn, địa chất phức tạp; vào mùa mưa đây là khu vực tập trung trến 80% lượng mưa. Chính vì vậy, tình trạng băng giá, rét đậm rét hại, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt thường xuyên xảy ra. Nhiều hồ chứa thủy điện, thủy lợi, khai thác khoáng sản cũng làm gia tăng rủi ro về thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất. Trong vòng 20 năm trở lại đây đã xảy ra 590 trận lũ ống, lũ quét, 92 đợt rét đậm, rét hại. Trung bình hàng năm thiên tai ở nước ta làm 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế chiếm 1-1,5%GDP. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, đã xảy ra 279 đợt thiên tai làm chết và mất tích 48 người, thiệt hại trên 3 nghìn tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường- Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh Tây Bắc là vùng có thời tiết cực đoan, nóng nhất, lạnh nhất, hạn nhất, mưa nhiều nhất và nhiều lũ nhất. Chính vì vậy, công tác phòng chống thiên tai phải đặc biệt quan tâm, trong đó vận dụng tối đa phương châm 4 tại chỗ, gồm “Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Vật tư, phương tiện tại chỗ và Hậu cần tại chỗ”. Vì vậy, Tây Bắc luôn phải có kịch bản ứng phó. Không có biện pháp nào khác ngoài việc chủ động tăng cường năng lực, kể cả trong dự báo, trong ứng phó, trong phục hồi, cả trong tái sản xuất.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đưa ra kiến nghị lên Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong đó việc kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp tỉnh và Văn phòng thường trực theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, chuyên trách, bổ sung trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác để nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng Chương trình tổng thể về di dân tái định cư di dời người dân khỏi các vùng có nguy cơ cao về thiên tai và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng cần được chỉ đạo thực hiện sớm.

Riêng hỗ trợ tái định cư đối với khu vực miền núi phía Bắc cần ở mức 100 - 150 triệu đồng/hộ theo hình thức xen ghép (hỗ trợ mặt bằng, hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ người dân làm nhà) bởi vì hình thức này phù hợp với tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt của người dân địa phương miền núi phía Bắc. Khi nhà dân bị tốc mái, hư hỏng do mưa đá, giông lốc, thì cần bổ sung hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng/hộ tùy theo mức độ hư hỏng...

Các đại diện địa phương cũng kiến nghị Chính phủ đầu tư bổ sung phương tiện cứu hộ (máy bay không người lái cho cấp quân khu, xe và xuồng chuyên dụng cho lực lượng công an, quân đội, nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai và hệ thống thiết bị cảnh báo), trong đó đề nghị bố trí nguồn dự phòng ngân sách để sớm triển khai ngay trong năm 2020 việc thí điểm hệ thống ngăn đất đá do mưa lũ trên các dòng sông, suối lớn từ đó rút kinh nghiệm và sớm nhân rộng mô hình cho các địa phương.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết mưa bão có khả năng gia tăng hơn từ mùa từ tháng 9/2020. Có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020, riêng khu vực Bắc Bộ sẽ có 1-2 cơn bão gây ảnh hưởng lớn. Các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 7 Bắc Bộ và tháng 8 ở Trung Trung Bộ, và rét có thể đến sớm hơn mọi năm. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại Tây Bắc.

Tùng Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-tiet-cuc-doan-cuoc-song-nguoi-dan-dao-lon-490999.html