Thời tiết diễn biến phức tạp trên cả nước

Ngày 22/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam nén rãnh áp thấp có trục ở khoảng 23 - 25 độ Vĩ Bắc. Chiều tối cùng ngày, bộ phận không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở các tỉnh vùng núi phía bắc. Từ đêm 22/10, gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền cấp 2 - 3.

Lũ và triều cường ở phía Nam đang lên cao đến mức báo động (Ảnh: Khánh Sơn)

Lũ và triều cường ở phía Nam đang lên cao đến mức báo động (Ảnh: Khánh Sơn)

Từ ngày 23/10, ở các tỉnh Bắc Bộ trời chuyển lạnh vào đêm và sáng sớm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20 - 23 độ, vùng núi phía Bắc có nơi 18 - 20 độ. Ở vịnh Bắc Bộ từ đêm 22/10 gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; biển động. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp, ở vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông; trong đêm 22 và ngày 23/10, mưa dông mở rộng ra các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh…

Cùng ngày, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, trong thời gian vừa qua, lũ đầu nguồn sông Cửu Long lên cao và kéo dài. Đồng thời, do ảnh hưởng của triều cường, mực nước hạ nguồn sông Cửu Long tại các trạm Mỹ Tho, Mỹ Thuận trên sông Tiền và Cần Thơ trên sông Hậu đã đạt mức lịch sử.

Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt vào cuộc triển khai các biện pháp ứng phó và đã giảm thiểu được thiệt hại, song lũ và triều cường vẫn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, hạ tầng, đặc biệt là diện tích cây ăn trái, thủy sản, hệ thống đê bao, bờ bao. Dự báo, từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 12/2018, khu vực hạ lưu sông Cửu Long còn tiếp tục chịu ảnh hưởng của các đợt triều cường với mực nước tương đương và cao hơn mực nước triều lịch sử tại một số trạm đợt giữa tháng 10.

Để chủ động sẵn sàng ứng phó với tác động của lũ, triều cường, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn. Tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng người dân, nhất là trẻ em, học sinh.

Tổ chức giao thông an toàn sông nước, duy trì các điểm cứu hộ, cứu nạn, phòng tránh đuối nước, điện giật. Huy động lực lượng quân đội, công an, các đoàn thể và lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh. Kịp thời cung cấp nước sạch, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn bị ngập lụt; đảm bảo các điều kiện y tế và tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/thoi-tiet-dien-bien-phuc-tap-tren-ca-nuoc-3959308-b.html