Thời tiết giao mùa, nguy cơ gia tăng bệnh tay chân miệng

Là một trong những bệnh phổ biến thời điểm giao mùa, bệnh tay chân miệng thường xuất hiện theo chu kỳ và đôi khi tạo nên những ổ dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ. Tại Quảng Ninh, mặc dù không bùng phát thành dịch nhưng cũng ghi nhận nhiều ổ dịch nhỏ trong cộng đồng.

Lượng bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tăng cao thời điểm giao mùa.

Thực tế tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh những ngày cuối tháng 10, chúng tôi thấy khu vực phòng khám lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Lượng bệnh nhân nhiều, trẻ được đưa đến khám với các triệu chứng thường gặp là sốt, ho, phát ban, tiêu chảy.... Đa phần các bệnh nhi được chẩn đoán các bệnh liên quan đến hô hấp, trong đó một lượng không nhỏ bệnh nhân mắc các bệnh đường tiêu hóa như tay chân miệng.

Chị Bùi Thị Thủy (TX Quảng Yên) cho biết: "Khi thấy trên người con xuất hiện một vài nốt mụn, tôi nghĩ con bị nóng nên đun nước lá tắm cho con, nhưng lại thấy các nốt mụn nổi nhiều hơn, con khó chịu, sốt, quấy. Đến ngày thứ 3, đưa con xuống viện khám thì các bác sĩ kết luận con mắc tay chân miệng cấp độ 2A, phải nhập viện".

Bác sĩ Hoàng Tùng, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết: "Thời điểm giao mùa như hiện tại, số lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng tăng lên đáng kể. Thông thường trẻ đến khám khi mới xuất hiện các triệu chứng ban đầu, được xác định ở cấp độ 1 và không có chỉ định nhập viện. Tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị nên nằm viện cũng chỉ để theo dõi, điều trị triệu chứng, tránh biến chứng".

Các nốt phỏng nước là một trong những biểu hiện rõ nét của bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng là một loại bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) và dễ có khả năng bùng phát thành dịch. Bệnh do hai nhóm tác nhân thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh xuất hiện rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước, tuy nhiên, số mắc thường tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12, theo chu kỳ, đặc biệt vào thời điểm trẻ mới bắt đầu quay lại trường học. Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tính đến ngày 15/10/2019, toàn miền Bắc ghi nhận trên 4.500 trường hợp, giảm 38% so với năm 2018 và không ghi nhận ca bệnh nặng, tử vong.

Tại Quảng Ninh, thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, toàn tỉnh phát hiện trên 250 ca bệnh lâm sàng (tính đến ngày 15/10/2019). TP Hạ Long và huyện Bình Liêu là 2 địa phương có số trường hợp mắc nhiều nhất, đôi chỗ có xuất hiện thành các ổ dịch nhỏ. Bác sĩ Nguyễn Thị Dung, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh, cho biết: Một trong những yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh tay chân miệng chính là điều kiện vệ sinh và mật độ dân cư. TP Hạ Long là nơi tập trung nhiều trường học, nếu điều kiện vệ sinh kém thì bệnh tay chân miệng rất dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt là thời điểm trẻ tựu trường. Tại huyện miền núi Bình Liêu, điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, ý thức phòng bệnh của người dân còn chủ quan, khi trẻ có dấu hiệu bệnh lại tự ý điều trị tại nhà bằng các loại lá tắm theo kiểu truyền miệng chứ không đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh, vì thế nguy cơ bùng phát dịch rất cao.

Trường mầm non là một trong những nơi dễ xuất hiện các ổ dịch nhỏ bệnh tay chân miệng.

Do cùng có triệu chứng như sốt, nổi mụn nước, nên tay chân miệng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như dị ứng, nhiệt miệng, phát ban… Biểu hiện chính của bệnh là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bởi thế, theo các bác sĩ, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, để tránh các trường hợp không mong muốn, phụ huynh cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế; đồng thời cần để ý kỹ các biểu hiện có nguy cơ gây biến chứng của trẻ như giật mình khi ngủ, rung giật các cơ chân, tay, đi đứng loạng choạng, yếu, liệt chi, nặng hơn nữa là co giật, khó thở, nổi vân tím, hôn mê, ngay cả khi đang được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, qua đường tiêu hóa, qua uống nước, ăn thức ăn, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và các dụng cụ sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, đĩa, thìa, cốc… bị nhiễm virus từ phân hoặc dịch nốt phỏng, vết loét, dịch tiết đường hô hấp, nước bọt. Đến thời điểm hiện tại, tay chân miệng chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Các bệnh nhân nhập viện, thường sau khoảng 2-3 ngày, khi cắt sốt và không còn nguy cơ biến chứng sẽ được bác sĩ chỉ định cho xuất viện. Bởi thế, việc đảm bảo cho trẻ môi trường sống, học tập sạch sẽ, lành mạnh, an toàn chính là bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh, nhất là trong thời điểm giao mùa, khi thời tiết luôn có những diễn biến phức tạp như hiện nay.

Hằng Ngần

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201910/thoi-tiet-giao-mua-nguy-co-gia-tang-benh-tay-chan-mieng-2459272/