Thời tiết giao mùa tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

ND - Không khí lạnh ở miền bắc và nắng nóng ở phía nam tiếp tục gây mưa giông rải rác

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương các tỉnh miền bắc vẫn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ ổn định, sau suy yếu và di chuyển dần ra phía đông, riêng phía Tây Bắc Bộ, một, hai ngày đầu còn chịu ảnh hưởng kết hợp của hội tụ gió trên cao, ngày có mưa rào rải rác và có nơi có giông, đêm có mưa vài nơi. Các tỉnh miền nam nằm ở rìa phía nam của hệ thống thời tiết trên, trong khi đó trên cao một, hai đầu tiếp tục chịu sự chi phối của lưỡi áp cao cận nhiệt đới cho nên vẫn có nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và giông vài nơi. Thời tiết đang vào thời điểm giao mùa tạo điều kiện tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở một số địa phương. Để phòng bệnh, Chi cục thú y TP Hà Nội và trạm thú y các huyện, thị xã tổ chức giám sát chặt chẽ đến từng hộ chăn nuôi nhằm kiểm tra và phát hiện kịp thời khi dịch bệnh xảy ra. Ngoài triển khai tiêm phòng đại trà đợt 1 năm 2010 cho đàn vật nuôi, các đơn vị chức năng còn tổ chức tiêm phòng bổ sung cho số vật nuôi mới nhập đàn và số hết thời gian miễn dịch. Đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi chỉ nhập gia súc, gia cầm ở những cơ sở chăn nuôi có chất lượng giống tốt và an toàn dịch bệnh. Khi nhập vật nuôi về nên nuôi cách ly để theo dõi ít nhất hai tuần mới cho nhập đàn và thực hiện đúng lịch tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y cũng được coi trọng với việc duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch liên ngành, đội kiểm dịch lưu động và kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc hoặc không có đủ giấy chứng nhận kiểm dịch. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 4 đến nay, chín chốt kiểm dịch ở Hà Nội đã kiểm tra hơn 230 nghìn con gia cầm sống và đã giết mổ, hơn 15 nghìn con lợn, gần tám nghìn kg sản phẩm động vật và vệ sinh tiêu độc cho hơn một nghìn phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm. Dịch lợn tai xanh tại Thái Bình tiếp tục lây lan và phát sinh thêm tại hai xã mới là Vũ Lăng (huyện Tiền Hải) và Phú Xuân (TP Thái Bình). Như vậy, đến nay, Thái Bình đã có 18 xã của ba huyện, thành phố xuất hiện dịch tai xanh với hơn năm nghìn con lợn bị mắc bệnh, trong đó đã tiêu hủy 570 con. Để ngăn chặn dịch bệnh, tỉnh Thái Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tiêu hủy số lợn bị mắc bệnh nặng; đồng thời tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại ổ dịch; thành lập các chốt kiểm dịch ngăn chặn không cho vận chuyển gia súc ra vào các vùng có dịch. Tỉnh cũng đã cấp cho các huyện, thành phố 7,5 tấn hóa chất Bencocit phân bổ cho các địa phương để phun khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh lây lan. Tại Thái Nguyên, dịch lợn tai xanh sau khi xuất hiện tại xã Lương Phú, huyện Phú Bình, nay tiếp tục lan sang năm xã khác cùng huyện là : Kha Sơn, Thanh Ninh, Dương Thành, Tân Đức, Hà Châu làm gần 200 con lợn mắc bệnh. Lực lượng thú y đã cho tiêu hủy 151 con lợn, trong đó có 130 con lợn thịt, 14 con lợn con và bảy con lợn nái. Chi cục Thú y tỉnh Thái Nguyên đã cấp cho huyện Phú Bình gần 700 lít hóa chất sát trùng để thực hiện việc tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường. Huyện Phú Bình cũng quyết định thành lập tổ kiểm dịch động vật lưu động nhằm kiểm tra việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn huyện. Theo Trung tâm thông tin Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc từ đầu năm đến nay, Vĩnh Phúc đã có gần 8.800 con gia súc, gia cầm bị nhiễm các bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy, thương hàn, cầu trùng, bệnh Newcastle, bệnh Gumboro, trong đó có gần 1.200 con gia súc, gia cầm ở các huyện, thành phố Tam Đảo, Sông Lô, Vĩnh Yên, Yên Lạc... bị chết. Để phòng, chống dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp phát cho các địa phương gần 1.600 lít hóa chất vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, khu dân cư, ổ dịch cũ, chợ buôn bán động vật, cơ sở giết mổ, chế biến động vật, sản phẩm động vật; đồng thời cấp gần 250 nghìn liều vắc-xin tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm đợt 1 cho hơn 550 nghìn con gà, vịt tại các huyện Tam Dương, Yên Lạc và Vĩnh Tường, nơi có nhiều gia súc, gia cầm nhiễm bệnh. Theo Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, trong ba tuần đầu mùa khô, trên địa bàn thành phố xảy ra chín vụ cháy, gây thiệt hại hơn 7,5 ha rừng trồng tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu. Để hạn chế cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm thường xuyên thông báo các bản tin dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo lực lượng kiểm lâm cơ sở phối hợp các địa phương có rừng thực hiện nghiêm túc việc bố trí tuần tra, trực canh lửa rừng 24/24 giờ tại các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy cao; ký giao ước bảo vệ rừng, phòng, chống chữa cháy rừng với các đơn vị quân đội, doanh nghiệp, ban quản lý các công trình và các hộ dân có sử dụng đất lâm nghiệp; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên nhắc nhở nhân dân ý thức cẩn thận khi sử dụng lửa trong rừng. Hiện gần 41 nghìn ha diện tích lâm phần rừng tràm U Minh hạ Cà Mau trong tình trạng báo động cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Để PCCR mùa khô này, tỉnh Cà Mau bổ sung thêm 175 lao động, nâng tổng số lên hơn 500 lực lượng tham gia ứng trực 24/24 giờ trên các chòi canh lửa giữ rừng; hỗ trợ từ 1 đến 1,2 triệu đồng/người/tháng cho lực lượng bảo vệ, chống cháy rừng mùa khô. Tỉnh chỉ đạo cảnh sát PCCC - Công an tỉnh phối hợp các ngành chức năng xây dựng lực lượng chống cháy, tập dượt và chuẩn bị phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ khi rừng xảy ra cháy lớn. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên lâm phần; hoàn thành hồ sơ đưa ra xử lý những đối tượng gây ra các vụ cháy rừng.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=172721&sub=127&top=39