Thời tiết khô hạn, tiến độ trồng rừng ở Bắc Giang chậm

Theo cơ quan chức năng, năm nay, do ít mưa, nhiều nơi bị khô hạn kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến công tác trồng và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Tại huyện Lục Ngạn, năm nay, địa phương phấn đấu trồng 1,5 đến 2 nghìn ha rừng kinh tế, song do phụ thuộc vào thời tiết nên đến nay mới trồng được hơn 200 ha, chủ yếu là do hộ dân trồng.

Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn có kế hoạch trồng 160 ha, trong đó 110 ha keo. Nếu như dịp này năm ngoái, công tác trồng rừng đã đạt hơn 50% kế hoạch thì năm nay do ít mưa nên dù toàn bộ diện tích trên đã được cuốc hố, bón lót và sẵn sàng hơn 300 nghìn cây giống song chưa thể trồng rừng.

Mặc dù chuẩn bị đầy đủ con giống nhưng đến nay Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn chưa thể trồng rừng.

Mặc dù chuẩn bị đầy đủ con giống nhưng đến nay Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn chưa thể trồng rừng.

Hiện đơn vị đang đợi mưa to để triển khai trồng những loại cây được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô sinh trưởng mạnh, chu kỳ ngắn như keo BV10, BV16; bạch đàn DH 32-29… Theo đại diện Công ty, trong tháng Tư, mặc dù có một số đợt mưa nhưng lượng rất nhỏ, không đủ ẩm đất. Nếu tình trạng này kéo dài có thể phải trồng rừng vào vụ hè và gặp nắng nóng, nhiều côn trùng gây hại, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.

Tại huyện Yên Thế có 7 chủ rừng lớn và hơn 10,5 nghìn chủ rừng là hộ gia đình với tổng diện tích gần 15 nghìn ha rừng trồng. Đến nay, toàn huyện đã trồng hơn 900 ha (đạt 50% kế hoạch) gồm cả rừng tập trung và cây phân tán. Do khô hạn nên một số cây mới trồng đã bị chết hoặc kém phát triển, phải trồng dặm bổ sung.

Nhân viên Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế trồng rừng tại khu vực Bãi Gianh, xã Đồng Hưu.

Còn tại huyện Lục Nam, theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện, tình hình thời tiết những tháng đầu năm ít mưa nên kết quả trồng rừng tập giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Đến nay, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện đã trồng được 466,2 ha rừng tập trung (đạt 42,38%) kế hoạch và hơn 300 nghìn cây phân tán (đạt 37,75%). Tương tự, tại Sơn Động việc trồng rừng tập trung mới đạt 32,8%. Ngoài lý do thời tiết bất lợi, do giá gỗ xuống thấp, khó tiêu thụ nên người dân chưa khai thác được gỗ dẫn đến thiếu mặt bằng trồng vụ mới.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNN, năm 2023, toàn tỉnh tiếp tục trồng cây phân tán theo Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, từ đầu năm đến nay đã trồng được hơn 1,57 triệu cây phân tán, đạt 25,7% kế hoạch và hơn 2 nghìn ha rừng tập trung, đạt 29% kế hoạch năm.

Để công tác trồng rừng có hiệu quả cao, Sở chỉ đạo cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ nguồn gốc giống khi đưa vào gieo ươm; đưa giống mới, nâng cao tỷ lệ giống sản xuất giống từ công nghệ cấy mô, có năng suất cao vào trồng rừng, áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao hiệu quả rừng trồng.

Đến nay, các cơ sở đã sản xuất được hơn 27,4 triệu cây giống, tỷ lệ cây giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, giâm hom chiếm 82,6% (tăng 16,5% so với cùng kỳ 2022). Số cây giống có hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất sứ đạt 20,84 triệu cây, chiếm 99,9%; số cây giống chưa chứng minh được nguồn gốc chủ yếu là bạch đàn hom của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Yên Thế.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tranh thủ khi thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng 8 nghìn ha rừng tập trung (rừng phòng hộ, đặc dụng 80 ha, rừng sản xuất 7.920 ha) và trồng 6,1 triệu cây phân tán theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Tin, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/403399/thoi-tiet-kho-han-tien-do-trong-rung-o-bac-giang-cham.html