Thời tiết nguy hiểm nào xảy ra ở TP.HCM, Nam Bộ nửa cuối năm?

Khu vực Nam Bộ dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá với cường độ mạnh trong tháng 7. Cùng với đó, bão và áp thấp nhiệt đới có thể ảnh hưởng tới khu vực này trong 6 tháng cuối năm.

Ngày 25/6, trao đổi với Zing, ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đưa ra dự báo từ nay đến cuối tháng 6, khu vực Miền Đông và ven biên giới tây nam (4 tỉnh Long An,Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang) vẫn còn nắng nóng.

Hầu hết kết quả dự báo đều cho thấy từ nay đến hết tháng 9, nhiệt độ ở Nam Bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, trong khi tháng 10, 11 tương đương những năm trước.

 Khu vực Nam Bộ dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá với cường độ mạnh trong tháng 7. Ảnh: Quỳnh Danh.

Khu vực Nam Bộ dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá với cường độ mạnh trong tháng 7. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ông Quyết thông tin thêm mùa bão năm nay sẽ đến Việt Nam muộn và kết thúc muộn. Trong 6 tháng cuối năm, có 5-6 cơn bão ảnh hưởng tới đất liền trong tổng số khoảng 10-12 cơn bão hoạt động trên Biển Đông.

Cùng với đó, mùa ở Nam Bộ có khả năng kết thúc muộn, những tháng cuối năm sẽ có mưa trái mùa. Vào tháng 8, sẽ có một đợt giảm mưa, kéo dài khoảng 5-7 ngày nhưng không rõ ràng. Thời điểm đó, khu vực Nam Bộ vẫn có mưa ở một vài nơi, nhưng phổ biến vẫn là thời tiết nắng nhiều.

Lượng mưa sẽ hụt nhiều trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 8. Trong 4 tháng cuối năm, Nam Bộ ghi nhận lượng mưa cao hơn những năm trước.

Về hải văn, ông Quyết cho biết vùng biển ngoài khơi khu vực Nam Bộ có gió duy trì hướng từ tây nam trong 3 tháng tới ở cấp 4-5, giật trên cấp 6. Độ cao sóng ở các vùng biển 1-3 m, biển bình thường có lúc động nhẹ.

Từ nửa cuối tháng 10, gió chuyển hướng đông - đông bắc và duy trì cường độ trung bình đến mạnh, độ cao sóng 2,5-4,5 m, biển động đến động mạnh; cần đề phòng khả năng xuất hiện bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa và nam Biển Đông.

Dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long tăng dần trong 3 tháng tới, có khả năng đạt mức cao nhất trong tháng 9 rồi giảm chậm trong các tháng cuối năm. Tổng lượng dòng chảy trong các tháng 10-12 lớn hơn trung bình nhiều năm 5-10%.

Dòng chảy trên hệ thống sông Đồng Nai lên chậm và có khả năng đạt mức cao nhất trong tháng 10 sau xuống chậm. Lượng nước từ con sông này về các hồ chứa thượng nguồn cao hơn trung bình nhiều năm 5-10%.

Người dân TP.HCM dắt xe lội nước sau trận mưa giữa trưa Trưa 23/6, các tuyến đường Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu... (quận Gò Vấp, TP.HCM) ngập sâu sau mưa lớn. Hàng loạt phương tiện chết máy giữa dòng nước.

Anh Nhàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thoi-tiet-nguy-hiem-nao-xay-ra-o-tphcm-nam-bo-nua-cuoi-nam-post1329666.html