Thời tiết thay đổi, bệnh nhân tăng kỷ lục

Sau một đợt thời tiết nồm, ẩm kéo dài gần 10 ngày, tiếp đó là những ngày thay đổi nhiệt độ từ cao xuống thấp đột ngột khiến nhiều người mắc bệnh, nhiều bệnh viện lớn tại Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải.

Tối mịt 14/2, trời rét buốt, Trung tâm Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) chật kín bệnh nhân. Có thời điểm bệnh nhân vào nhiều không đủ giường, phải nằm cáng, thậm chí ngồi tạm ghế nhựa để thở ô xy. Kíp trực tối ngày 14/2 quay cuồng với khối lượng công việc khổng lồ.

Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cũng trong tình trạng tương tự khi nhiều thời điểm bệnh nhân điều trị nội trú quá đông khiến phải nằm ghép 2 người/giường. Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cũng rơi vào tình trạng quá tải khi có nhiều giường phải nằm ghép 3 bệnh nhân.

Trung tâm Cấp cứu (BV Bạch Mai) ngày 15/2 đông nghịt bệnh nhân

Trung tâm Cấp cứu (BV Bạch Mai) ngày 15/2 đông nghịt bệnh nhân

Những ngày qua, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 3.500 - 4.500 bệnh nhi/ngày. Bệnh nhân đến khám, điều trị chủ yếu mắc 3 bệnh chính, gồm: đường hô hấp, tiêu hóa và da. TS. Nguyễn Thị Mai Hoàn, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, so với những tuần trước tết, lượng bệnh nhi gặp phải các bệnh về đường hô hấp ở thời điểm nồm ẩm, lạnh giá tăng từ 30% đến 40%.

Theo TS. Nguyễn Minh Hải, Chủ nhiệm khoa Nội hô hấp (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), những ngày gần đây, đơn vị tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân tới khám mỗi ngày, tăng 20% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Ngoài ra, mỗi ngày có khoảng 15-20 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Do thời tiết nồm ẩm, rét, đa số bệnh nhân đến khám các bệnh về viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản...

TS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, nền nhiệt độ ẩm thấp tạo điều kiện cho các virus gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, Rubella phát triển gây bệnh... Trẻ khi mắc bệnh nếu không điều trị sớm, virus vào phổi có thể gây suy hô hấp rất nhanh. Các nấm mốc, vi nấm rất phát triển khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu khiến nhiều người rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp gây bộc phát cơn hen suyễn.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cảnh báo, bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng cúm ác tính có thể gây nên những tổn thương phổi rất nhanh chóng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Kim Anh cảnh báo, vẫn còn tình trạng người dân tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus Tamiflu mà không theo hướng dẫn và chỉ định của thầy thuốc, khiến “tiền mất, tật mang”. Do đó, khi có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Hà Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thoi-tiet-thay-doi-benh-nhan-tang-ky-luc-post1510451.tpo