Thời tiết thay đổi dẫn đến sẩy thai

Tại một số ngôi làng nhỏ dọc bờ biển phía đông Bangladesh, các nhà nghiên cứu đã phát hiện tỷ lệ sẩy thai cao bất ngờ. Khi điều tra thêm, họ đã đi đến kết luận rằng biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân.

Những cánh đồng biến mất

Cô Al-Munnahar, sống tại ngôi làng nhỏ Failla Para ở bờ biển phía đông Bangladesh, có 3 đứa con trai nhưng luôn ao ước có một cô con gái. “Có con gái thích hơn con trai. Con trai không chịu nghe lời và hay nghịch còn con gái dễ bảo hơn nhiều”, cô lý giải.

Đường vào ngôi làng.

Đường vào ngôi làng.

Mong ước của Al-Munnahar lẽ ra đã trở thành hiện thực nếu như cô không bị sẩy thai khi đang mang bầu đứa con thứ 4. Việc những thai phụ có bầu rồi không may bị sẩy thai không phải là chuyện quá hiếm gặp. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là những vụ sẩy thai như Al-Munnahar đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trong ngôi làng của cô, khiến người dân trở nên hoang mang, lo lắng.

Là một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Chakaria, Failla Para chỉ bao gồm một ít hộ dân. Họ cất nhà – hay nói đúng hơn là những chiếc lán - trên nền đất bùn mặn. Đường đi bộ đến ngôi làng rất gian nan. Vào mùa khô, để đến được đây, người ngoài phải đi men theo một con đường hẹp qua những đầm lầy còn vào mùa mưa, con đường bị ngập xuống biển, khiến việc đi lại càng trở nên khó khăn hơn.

Ngôi làng khi đó được nhiều người ví không khác gì một đống bùn với một vài cái lán, vài chuồng gà nằm bấp bênh trên bề mặt trơn trượt. Trước những năm 1990, những vùng đất trũng trong làng vẫn có thể trồng lúa, dù năng suất không cao như nhiều nơi khác.

Tuy nhiên, đến nay, việc trồng trọt như vậy đã không khả thi nữa bởi việc nước biển dâng cao hơn và mặn hơn đã khiến việc trồng lúa không còn có lãi, thậm chí là cây lúa không thể sống nổi. Những người có của ăn của để hơn trong làng vì vậy chuyển dần sang nuôi tôm hoặc làm muối. Những người nghèo thì phải đi tìm sinh kế bằng nhiều cách khác nhau, chỉ còn vài người cố bám trụ với những thửa ruộng vì không còn biết làm gì khác. “Ở đây giờ chẳng trồng được gì nữa”, cô Al-Munnahar cho hay.

Tỉ lệ sẩy thai cao bất thường

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. “Biến đổi khí hậu đang có những tác động rõ rệt. Những ảnh hưởng của tình trạng này lên đất đai là rõ ràng nhưng tác động lên con người là điều chúng ta không nhìn thấy”, Tiến sĩ Manzoor Hanifi - một chuyên gia của Trung tâm quốc tế về nghiên cứu bệnh tả ở Bangladesh (ICDDRB) – cho hay.

Trong suốt 30 năm qua, ICDDRB đã triển khai một chương trình thăm dò nhân khẩu học và y tế ở Chakaria. Điều này cho phép họ phát hiện những thay đổi ngay cả là rất nhỏ về tình hình sức khỏe của cộng đồng người dân tại đây.

Theo ICDDRB, vài năm trở lại đây, nhiều gia đình ở vùng này đã rời khỏi khu vực đầm lầy và chuyển tới sống ở các khu vực đồi núi nằm sâu hơn trong đất liền. Đa phần họ là những người có điều kiện kinh tế khá giả hơn so với mặt bằng của người dân địa phương. Nhờ đó mà họ có tiền mua đất, lo lót các thủ tục để ổn định cuộc sống. “Khi còn sống ở ngoài khu vực ven biển, các con của tôi suốt ngày bị sốt. Chúng bị ốm thường xuyên hơn sau mỗi trận lụt, khi nhà của chúng tôi bị ẩm ướt”, bà Kajol Rekha kể lại.

Loại trừ nhiều nguyên nhân, bà Rekha cho rằng các con hay ốm là do nguồn nước. 3 năm trước, bà đã cùng chồng chi ra gần 3.000 USD để mua đất, xây nhà ở khu đồi núi. Kể từ đó, sức khỏe của 2 đứa con của bà đã cải thiện hẳn. “Mọi thứ ở đây dễ dàng hơn”, bà nói.

Thống kê của ICDDRB cũng cho thấy những người có điều kiện chuyển nhà như gia đình bà Rekha có cuộc sống tốt hơn so với những người phải ở lại vùng nước ngập mặn. Ở môi trường mới, họ có thể trồng trọt các loại hoa màu. Các tuyến giao thông cũng gần hơn, giúp họ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận việc làm và trường học.

Đặc biệt, những phụ nữ sống ở các khu vực sâu hơn trong đất liền có tỉ lệ bịsẩy thai thấp hơn hẳn. Theo số liệu của Rekha, từ năm 2012 tới 2017, các nhà khoa học của tổ chức này đã ghi nhận 12.867 trường hợp mang thai trong vùng, bao gồm cả những người sống ở khu vực đồi núi và những người sống ở khu vực đồng bằng sát biển.

Họ đã theo dõi quá trình mang thai của những thai phụ này tới tận cuối thai kỳ và phát hiện những thai phụ ở các vùng ven biển, sống cách bờ biển trong phạm vi 20km và độ cao của mặt đất so với mực nước biển chỉ 7m có khả năng sẩy thai cao hơn 1,3 lần so với phụ nữ sống sâu hơn trong đất liền.

Theo Tiến sĩ Hanifi, sự khác biệt thoạt nghe có vẻ nhỏ nhưng số thai phụ sống ở khu vực đồng bằng ven biển bị sẩy thai đang có xu hướng tăng lên. Hơn nữa, khi so sánh toàn bộ khu vực Chakaria với Matlab - một khu vực khác được ICDDRB tiến hành giám sát nằm ở cách xa bờ biển, các nhà khoa học cũng thấy mộtsự khác biệt đáng chú ý. Ở Chakaria, tỉ lệ thai phụ sẩy thai là 11% nhưng ở Matlab, tỉ lệ này chỉ là 8%. Các nhà khoa học cho rằng sự gia tăng các ca sẩy thai ở những ngôi làng tại Chakaria có nguyên nhân từ tình trạng biến đổi khí hậu.

Những gia đình không có lựa chọn khác

Các nhà khoa học tin rằng tình trạng sẩy thai của các thai phụ tại Chakaria tăng là do lượng muối trong nước uống của họ tăng lên vì biến đổi khí hậu. Theo các nhà nghiên cứu, mực nước biển đang tăng một phần vì băng tan ở 2 đầu cực của địa cầu nhưng cũng có phần là do nhiệt độ Trái đất tăng tác động lên áp suất khí quyển.

“Áp suất khí quyển chỉ cần giảm một millibar thì mực nước biển sẽ tăng thêm 10mm”, Tiến sĩ Hanifi phân tích. Thay đổi áp suất khí quyển có thể dẫn tới sự gia tăng đáng kể mực nước ở các vùng ven biển. Khi nước biển dâng, nước mặn sẽ hòa vào nước ngọt của sông suối, rồi ngấm vào đất.

Quan trọng hơn, nó có thể ngấm vào nước ngầm ở tầng ngậm nước và làm nhiễm mặn nước ngọt. Dân làng Failla Para chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm này làm nước sinh hoạt qua các giếng khoan. Dù nước bơm lên từ những giếng khoan ở làng Failla Para nhuốm màu đỏ và đầy muối nhưng người dân làng vẫn phải tiếp tục uống, tắm rửa, nấu thức ăn bằng nguồn nước này.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện khuyến cáo không nên sử dụng quá 5g muối mỗi ngày. Song, ở Chakaria, những người dân sống ven biển tiêu thụ tới khoảng 16g muối mỗi ngày, cao hơn gấp 3 lần so với lượng muối mà những người sống trong đất liền sử dụng. Theo các cảnh báo y tế, việc tiêu thụ quá nhiều muối trong thời gian dài có thể gây tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim, và ở một số phụ nữ mang thai có thể là sẩy thai và tiền sản giật.

Tuy nhiên, những gia đình sinh sống ở những ngôi làng như Chakaria ở Bangladesh lại không biết gì về nguy cơ sức khỏe từ nguồn nước họ đang uống. Ngay cả khi có biết, họ cũng có rất ít sự lựa chọn.“Muối có hại cho mùa màng”, bà Janatara, 50 tuổi, sinh ra ở Failla Para và chưa bao giờ rời khỏi ngôi làng này cho biết. Khi được hỏi liệu có tính đến chuyện rời Failla Para để tìm kiếm cơ hội sống tốt hơn hay không, bà chỉ cười: “Không, tất nhiên là không! Tôi đã ở đây cả đời.

Hơn nữa, rời khỏi đây chúng tôi sẽ đi đâu? Chúng tôi nghèo lắm”. Hàng xóm của bà Janatara là cô Sharmin, 23 tuổi, thì muốn rời đi để cho 2 con trai một tương lai tốt hơn nhưng cũng không thể vì chưa có điều kiện. Là một nước nghèo và nằm ở vị trí đất trũng, Bangladesh đặc biệt dễ tổn thương bởi vấn nạn xâm thực của biển, nhất là những khu vực ven biển dễ bị ngập lụt.

Có điều, đây không phải là nước duy nhất gặp phải tình trạng này. Trên khắp Ấn Độ Dương, vụ sóng thần năm 2005 đã khiến nước mặn tràn vào các khu vực ven biển, làm ô nhiễm đất nông nghiệp và nguồn nước uống. Ở Florida, Mỹ, nước biển dâng thời gian qua cũng đã khiến nguồn nước ngọt ở nhiều nơi bị nhiễm mặn.

Điều đáng nói ở đây là việc điều tra nhân khẩu học và y tế, nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu lên sức khỏe con người tại Chakaria là nghiên cứu kiểu này duy nhất tại châu Á. “Rất nhiều tiền đã được bỏ ra để can thiệp vào biến đổi khí hậu nhưng gần như không có khoản tiền nào được chi cho nghiên cứu những tác động lên sức khỏe cộng đồng. Mọi người đều nghĩ về điều này từ góc độ thảm họa môi trường. Không ai nghĩ về nó như một vấn nạn y tế”, Tiến sỹ Hanifi nói.

Vùng đồng bằng sông cửu Long có nguy cơ chìm hoàn toàn vào năm 2100

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Utrecht ở Hà Lan cảnh báo, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôitrồng thủy sản và 70%các loại trái cây của Việt Nam, đang phải đối mặt với nguy cơ bị chìm gần như hoàn toàn vào năm 2100.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Utrecht đã tạo ra một mô hình số rộng khắp vùngĐồng bằng sông Cửu Long và sử dụng nó làm cơ sở cho các dự đoán trong tương lai. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, việc khaithác nước ngầm quá mức kết hợp vơítốc độ gia tăng mực nước biển do biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo đã kéo theo tình trạng sụt lún đất, có thể khiến gần như toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị chìm trong tương lai.

Ông Philip Minderhoud - một nhà nghiên cứu các hệ thống dưới mặt đất và nước ngầm tại Đại họcUtrecht và là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết, khai thác nước ngầm là một trong những yếu tố khiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún.

Theo ông, nước mất đi làm giảm áp lực trong cấu trúc địa chất bên dưới, khiến đồng bằng bị sụt lún trung bình khoảng một cm mỗi năm. Bên cạnh đó, mực nước biển đang tăng với tốc độ khoảng 3 mm đến 4 mm mỗi năm do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, cùng trọng lượng của những cấu trúc nhân tạo xây trên đồng bằng, dòng chảy trầm tích từ thượng nguồn suy giảm và độ nén tự nhiên cũng là những yếu tố góp phần làm mất đất Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, các nhà khoa học cũng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên, đặc biệt là biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng. Ngoài ra, việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng... cũng tác động khiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún.

Minh Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/thoi-tiet-thay-doi-dan-den-say-thai-d100632.html