Thời trang điện ảnh: Helen Rose - Bà tiên kín tiếng âm thầm tạo nên phép màu cho Hollywood

Tuy không nổi tiếng như Edith Head nhưng Helen Rose vẫn là thiên tài tạo nên rất nhiều trang phục huyền thoại cho Grace Kelly, Elizabeth Taylor.

Helen Rose (2 tháng 2 năm 1904 - 9 tháng 11 năm 1985) là một nhà thiết kế trang phục và quần áo nổi tiếng người Mỹ. Bà dành phần lớn sự nghiệp của mình cho tập đoàn Metro-Goldwyn-Mayer.

Bà sinh ra ở Chicago với cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu. Cha của bà, William Bromberg, là đồng sở hữu của một công ty tái tạo tác phẩm nghệ thuật; còn mẹ của bà, Ray Bobbs, là một thợ may. Sau khi theo học tại Học viện Mỹ thuật Chicago, Rose bắt đầu thiết kế trang phục cho hộp đêm và sân khấu với mức lương 37,5 xu một giờ.

Bà chuyển đến Los Angeles vào năm 1929. Tại đây, bà đã thiết kế trang phục cho hãng Fanchon và Marco và sau đó là phim Ice Follies. Đến đầu những năm 1940, bà dành hai năm làm việc cho 20th Century Fox.

Năm 1943, bà phụ trách thiết kế trang phục cho “Stormy Weather” - vở nhạc kịch đầu tiên toàn người da đen. Theo lời kể của Rose, các diễn viên Louis Armstrong và Horne không hề nhận được sự tôn trọng từ nhân viên đoàn.

“Cô ấy xinh đẹp, tài năng, thanh lịch và thông minh, nhưng Hollywood những năm 1940 không đời nào chấp nhận một phụ nữ da đen. Khi thợ làm tóc nói rằng cô ta không thể làm việc với Horne vì như thế là vi phạm quy định, tôi như muốn nổ tung, tôi không thể tin vào những gì mình đang nghe. Horne chỉ ngồi yên lặng, không nói một lời nào, cư xử như một quý cô vậy. Sự cố khiến quá trình sản xuất bị đình trệ, vì vậy tôi đã tự làm tóc cho Horne”, nhà thiết kế kể lại.

Năm 1943, MGM quyết định thuê bà để bù đắp chỗ trống của nhà thiết kế Adrian vừa mới rời đi. Đến cuối những năm 1940, Rose được thăng chức lên làm nhà thiết kế chính tại studio.

Bà đứng đầu bộ phận trang phục tại MGM từ năm 1949 đến 1966, tham gia thiết kế cho hơn 200 bộ phim. Rose đặc biệt có tài năng “nhào nặn” vải voan để tạo ra những bộ cánh lãng mạn, linh hoạt. Danh sách khách hàng của bà đầy ắp những phụ nữ đẹp nhất thế giới như Judy Garland, Esther Williams, Lana Turner, Cyd Charisse, và Debbie Reynolds.

Vào những năm 1950, bà là người góp công lớn giúp tạo nên vẻ gợi cảm nhẹ nhàng cho các bà nội trợ hạnh phúc của thời đại. Trong bộ phim MGM “The Merry Widow” (1952), Rose đã thiết kế cho Turner một chiếc áo nịt ngực bằng lông vũ thắt eo. Chiếc áo nịt ngực này sau đó đã trở nên phổ biến với các nhà sản xuất nội y và họ gọi luôn chúng là áo “góa phụ vui vẻ”.

Mặc dù Helen Rose không phải là cái tên quen thuộc như đồng nghiệp Edith Head cùng thời, bà vẫn là một huyền thoại thiết kế trang phục được nể trọng ở Hollywood.

Nhà sử học trang phục Deborah Nadoolman Landis, giám đốc sáng lập của Trung tâm Thiết kế Trang phục David C. Copley tại UCLA cho biết: “Câu chuyện của Edith Head rất phi thường và đặc biệt. Nhưng cô ấy đã sớm nổi danh vào những năm 1920 khi làm việc cho công ty Paramount. Cô đã tham gia hỗ trợ Howard Greer và Travis Banton thiết kế cho nữ diễn viên Clara Bow. Còn khi Rose thiết kế cho phim Ice Follies thì không có studio đứng sau để giúp quảng bá tác phẩm”.

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Helen Rose là chiếc váy voan màu hồng dành cho Grace Kelly trong bộ phim “High Society” năm 1956. Ngôi sao thích chiếc váy này đến nỗi nó đã truyền cảm hứng cho trang phục phù dâu ngoài đời thực của cô. Năm 1956, Rose thiết kế váy cưới cho đám cưới của Grace Kelly với Hoàng tử Rainier của Monaco. Chiếc váy cưới trong ngày trọng đại của Elizabeth Taylor với Conrad "Nicky" Hilton cũng do một tay Rose tạo nên.

Trong thời đại mà phụ nữ tìm kiếm những ý tưởng thời trang trên màn ảnh rộng, Rose đã mang đến cho họ nguồn cảm hứng bất tận. Rose là người đứng sau rất nhiều tác phẩm đáng chú ý, như loạt trang phục thấm đẫm văn hóa phương Tây của Betty Hutton trong “Annie Get Your Gun” (1950), những chiếc váy mini-dress đi trước thời đại trong “Forbidden Planet” (1956) và những chiếc váy lụa gợi cảm trong “Butterfield 8” (1960). Bà là người thiết kế cho Elizabeth Taylor trong phim “Father of the Bride” (1950) và “Cat on a Hot Tin Roof” (1958).

Trong cuốn tự truyện “Just Make Them Beautiful” năm 1976, Rose đã viết: “Tôi chưa bao giờ ưu tiên các ngôi sao nổi tiếng. Tôi đối xử với họ giống như mọi cô gái khác, đặc biệt nếu họ còn trẻ. Tôi hiểu vấn đề của họ. Chúng tôi trao đổi với nhau như những người bạn”.

Rose đã giành được hai giải Oscar cho hạng mục “Thiết kế trang phục đẹp nhất” cho “The Bad and the Beautiful” (1952) và “I'll Cry Tomorrow” (1955).

Khi hệ thống studio trên đà thoái trào, các đạo diễn bắt đầu ưa chuộng việc mua/thuê quần áo có sẵn ở cửa hàng, Rose cũng tìm thấy sự nghiệp thứ hai cho mình trong lĩnh vực thời trang. Vào cuối những năm 1960, Rose rời xưởng vẽ để mở công ty thiết kế của riêng mình và tiếp tục cung cấp trang phục cho những người nổi tiếng và giàu có. Bà nghỉ hưu năm 1970 và trở thành nhà hoạt động từ thiện thông qua các buổi trình diễn thời trang. Bà gây quỹ cho các bệnh viện địa phương bằng cách trưng bày, thuyết trình về các bộ sưu tập hoặc trang phục nổi tiếng bà từng tạo ra. Don Loper, Ernest Newman cùng nhiều nhà thiết kế khác đã cùng đồng hành với bà khi làm các dự án này.

Sau khi qua đời vào năm 1985, bà đã để lại một số tài liệu lưu trữ quý giá cho đại lý người mẫu địa phương Palm Springs của Marilyn Visel và Barbara Marx. Vào năm 2011, Marx đã trao chúng cho Hiệp hội Lịch sử Palm Springs để các tác phẩm được bảo quản trong một căn hầm đạt tiêu chuẩn không bị ảnh hưởng bởi khí hậu.

Minh Minh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/thoi-trang/helen-rose-thien-tai-thiet-ke-phuc-trang-kin-tieng-cua-hollywood-202304110723126057.html