Thơm cay bánh cáy Thái Bình

Vị thơm dẻo của gạo nếp cái hoa vàng, vị cay cay của gừng và mùi thơm của dầu chuối quyện cùng vị hơi chát của chè, lúc ấy mới thấy bánh cáy quả là 'danh bất hư truyền'.

Bánh cáy với người dân Thái Bình như một sản vật gắn với nền văn hóa lâu đời và không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Vào ngày Tết, ngoài mâm ngũ quả, cặp bánh chưng trên bàn thờ tổ tiên, còn có cả những hộp bánh cáy màu đỏ tượng trưng cho may mắn đầu năm.

Cái tên độc lạ “bánh cáy”

Nói đến bánh cáy, người ta thường nghĩ ngay tới thương hiệu bánh cáy làng Nguyễn (xã Nguyên Xá, thị trấn Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Đã từ lâu, trong tâm thức mỗi du khách khi về với Thái Bình, người ta thường chọn cho mình vài hộp bánh cáy làm quà cho người thân. Thế nhưng, phải tìm đến những nghệ nhân làm bánh cáy tại làng Nguyễn, thị trấn Đông Hưng mới được thưởng thức bánh cáy loại ngon và nổi tiếng nhất.

Theo ông Hoàng Duy Thắng, chủ cửa hàng bánh cáy Hoàng Thắng tại ngã ba thị trấn Đông Hưng (Thái Bình), nhà ông đã ba đời truyền lại nghề làm bánh cáy. Bánh cáy được làm từ loại gạo nếp cái hoa vàng, rang nóng lên và nghiền nhỏ (người ta gọi là “bột hoa”). Sở dĩ có tên bánh cáy là do màu sắc của loại bánh này rất giống với màu trứng con cáy - loài hải sản rất phổ biến tại Thái Bình. Để làm “con cáy” cho bánh, người ta thổi xôi gấc, sau đó, khi chưa có máy thì phải dùng tay giã nhuyễn như bánh dày. Sau đó để hai ngày cho se cứng lại, thái nhỏ, phơi khô và cho vào chiên giòn.

Ngoài ra, còn cho đường trắng , gừng thái nhỏ, cùng bột sắn vào khuấy đều, đun nóng tạo thành hỗn hợp kết dính còn gọi là “nha”. Nghe nói thì thấy đơn giản nhưng làm được bánh cáy loại ngon thì không phải ai cũng biết. Trong quá trình làm, các nghệ nhân lâu năm dùng cảm giác của mình để nhận định xem ở nhiệt độ và màu sắc ra sao thì có thể tạo thành hỗn hợp “nha” ngon. Chính khâu này quyết định chất lượng bánh ngon hay dở.

Ngày xưa, khi chưa có máy, quá trình đảo bột nếp, con cáy và nha bánh phải làm thật khéo. Đảo phải liên tục và đều tay sao cho con cáy và nha bánh quyện chặt lấy nhau. Ngoài ra, người ta còn thêm lớp dầu chuối hay vani để bánh được thơm hơn.

Xong xuôi các khâu, cho bánh vào khuôn ép chặt, cắt thành từng miếng và rải vừng cùng một lớp dừa khô cắt nhỏ lên trên. Nghệ nhân làm bánh thường chọn những hạt vừng to, tròn, được phơi khô và rang cho vừa chớm chín như vậy mới tạo được vị bùi bùi khi thưởng thức bánh.

Nguồn gốc của loại bánh cáy

Theo truyền thuyết, loại bánh này do bà Nguyễn Thị Tần (đời thứ 6, tộc Nguyễn Công, làng Nguyên Xá, phủ Tiên Hưng, nay là làng Nguyễn, thị trấn Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) làm ra. Tương truyền, Hoàng thái tử Lê Duy Vỹ (con trai vua Lê Hiển Tông) trốn tránh khỏi sự truy quét của Trịnh Sâm có đi qua làng Nguyên Xá (nay là làng Nguyễn). Lúc đó, con trai của thái tử Lê Duy Vỹ khóc mãi không thôi. Thấy đứa bé khóc tím tái mặt mày, bà Nguyễn Thị Tần chạy đến xin được dỗ đứa bé. Lạ thay, bà vừa ôm thì đứa bé nín hẳn. Thời thế loạn lạc, thái tử Lê Duy Vỹ đã dẫn bà đi theo để tiện chăm sóc cho con trai.

Bánh cáy trước kia là sản vật quý của Thái Bình mà chỉ có làng Nguyễn mới làm nên thứ bánh thơm ngon.

Bánh cáy trước kia là sản vật quý của Thái Bình mà chỉ có làng Nguyễn mới làm nên thứ bánh thơm ngon.

Có tài liệu ghi rằng, khi thái tử Lê Duy Vỹ sa cơ, bị nhốt trong ngục tối, bà Nguyễn Thị Tần là người thường xuyên tới thăm nom và mang lương thực cho thái tử. Vốn xuất thân từ nông dân nên bà mang những hương vị sẵn có của quê hương như gạo nếp, gừng, lạc... để làm nên thứ lương khô nuôi thái tử trong ngục.

Loại lương khô này đặc biệt được thái tử ưa thích và lưu truyền rộng rãi, do có màu giống con cáy nên có tên là bánh cáy. Kể từ đó, làng Nguyên Xá, tức làng Nguyễn, thị trấn Đông Hưng, tỉnh Thái Bình từ đời này sang đời khác có truyền thống làm bánh cáy.

Trăn trở về thương hiệu

Nếu ai về Thái Bình vào đầu đông xin hãy ghé qua làng Nguyễn, nhâm nhi miếng bánh cáy mang trong mình vị ngọt của đường, vị cay của gừng, vị bùi bùi của lạc quyện cùng hương thơm nhè nhẹ của loại nếp cái hoa vàng. Nếu ăn bánh cáy và uống chén nước chè xanh thơm mát thì quả chẳng gì sánh bằng.

Khi ngoài trời có mưa lất phất, có gió lành lạnh du khách đặt chân đến làng Nguyễn được mời thưởng thức bánh cáy nóng vừa ra lò cùng nước chè xanh. Vị thơm dẻo của gạo nếp cái hoa vàng, vị cay cay của gừng và mùi thơm của dầu chuối quyện cùng vị hơi chát của chè, lúc ấy mới thấy bánh cáy quả là “danh bất hư truyền”.

Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường khiến nhiều người đặt lợi nhuận lên trên hết, nhiều cơ sở sẵn sàng làm bánh kém chất lượng. Chính điều đó đã khiến cho thương hiệu bánh cáy dần bị lu mờ và có nguy cơ biến mất khỏi thị trường.

Trăn trở về vấn đề này, ông Hoàng Duy Thắng - gia đình ba đời có truyền thống làm bánh cáy và bản thân ông cũng có 40 năm trong nghề chia sẻ: “Bánh cáy trước kia là sản vật quý của Thái Bình mà chỉ có làng Nguyễn mới làm nên thứ bánh thơm ngon. Tuy nhiên, gần đây vì mục đích lợi nhuận đã có nhiều cơ sở ở khắp các tỉnh thành trên cả nước sản xuất bánh cáy và ghi trên bao bì là bánh cáy làng Nguyễn. Làm bánh cũng cần phải có cái tâm, có tình mới mong làm ra thứ bánh thơm ngon và được người ta nhớ mãi ”.

Nhìn cách ông Thắng mân mê, nâng niu hộp bánh trên tay và nói về cách làm bánh mới thấy loại bánh này đã trở thành lẽ sống còn của cuộc đời ông. Liệu giờ đây còn được bao nhiêu nghệ nhân làm bánh với tất cả sự say mê và trân trọng như ông Thắng?

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thom-cay-banh-cay-thai-binh-post190508.info