Thôn '3 không' giữa rừng Quảng Phú

Suốt 20 năm qua, hàng trăm hộ dân với hơn nghìn người gần như sống 'vô danh' khi không có hộ khẩu, chứng minh thư, thậm chí nhiều trẻ em không có giấy khai sinh để đến trường. Vì những điều này, cuộc sống của họ vốn đã cơ cực càng thêm cơ cực hơn.

"Lén lút" giữa rừng

Gần 20 năm trước, một nhóm người thuộc đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc vào khu rừng cuối xã Quảng Phú, huyện Krông Nô của tỉnh Đăk Nông, che lều để ở rồi khai phá đất rừng, trồng tỉa sinh sống. Ông Lục Văn Hiệp, một trong số những người ấy kể lại: "Ngày ấy, nơi đây núi rừng âm u, quanh năm gần như chẳng có người nào lui tới. Dân vào đây chặt cây dựng chòi, dùng bạt che mưa nắng rồi phát quang rừng xung quanh trồng mì, tỉa bắp để kiếm cái ăn. Giao thông gần như chẳng có nên chúng tôi phải tự cung tự cấp, không giao thương với bên ngoài".

Cuộc sống cơ cực, tạm bợ của một hộ dân ở thôn Phú Vinh. Ảnh: D.H

Cuộc sống cơ cực, tạm bợ của một hộ dân ở thôn Phú Vinh. Ảnh: D.H

"Hiện, chính quyền địa phương đang cố gắng hoàn tất thủ tục hành chính, quy hoạch đất ở và đất sản xuất tại thôn Phú Vinh để sớm cấp sổ hộ khẩu, CMND, để bà con trong thôn được hỗ trợ các chính sách xã hội như ở nơi khác”.

Ông Vũ Hoàng Phú

Dù khó khăn, nhưng theo những người dân ở đây, so với quê hương của họ ngoài Bắc, nơi này, cái ăn vẫn kiếm được dễ dàng hơn. Thế nên, khu rừng này ngày càng có nhiều người tìm đến làm nơi cư ngụ. Họ cứ vậy lén lút lấn rừng từng ngày để lấy đất trồng tỉa. Chính quyền đến tìm, họ lẩn đi mất nên chẳng thể xử lý được.

Ông Hiệp nhẩm tính, hiện tại, đã có đến 350 hộ dân với khoảng 1.200 con người sinh sống nơi đây. Năm 2016, khi không thể "đuổi" dân được nữa, chính quyền tỉnh Đăk Nông buộc phải công nhận sự tồn tại của cụm dân cư này bằng cách ra quyết định thành lập thôn và giao cho chính quyền xã Quảng Phú quản lý. Từ đó, người dân nơi đây mới hết cảnh "lén lút", nơi đây chính thức có mặt trên hệ thống quản lý hành chính với cái tên mỹ miều Phú Vinh. Ông Hiệp được bầu làm trưởng thôn.

Thống kê chưa chính thức, Phú Vinh có đến 90% hộ nghèo. Bởi ở đó, ngoài việc trồng mì, tỉa bắp, người dân gần như không có cách nào khác để phát triển đời sống kinh tế. Mặt khác, do đường sá đi lại khó khăn nên nông sản ở đây bán ra rẻ như cho, thậm chí, thương lái còn không muốn vào mua. "Những năm đầu, đất đai còn tốt nên cây cối còn phát triển được. Càng về sau, do không có phân bón để cải tạo, đất ngày càng cằn cỗi, nên thiếu đói giáp hạt xảy ra triền miên"- Phàng A Hồng, một cư dân ở Phú Vinh than thở.

Theo ông Hiệp, hộ khá trong thôn có tài sản lớn nhất cũng chỉ là chiếc xe máy "bình dân" giá khoảng 20 triệu đồng. Thu nhập hàng năm rất khó tính toán vì gần như ai cũng ăn trước, trả sau. Cây mì năm nào được giá, mỗi hộ cũng chỉ thu về vài ba chục triệu, vun vén tiết kiệm lắm mới đủ để sinh hoạt. "Thiếu điện, thiếu thông tin và thiếu hàng trăm thứ khác nên dân không cất đầu lên được. Chính vì sống "vô thừa nhận" nên dù khó khăn trăm bề, người dân Phú Vinh không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ của Nhà nước. Tha hương với hy vọng được đổi đời nhưng mọi thứ chẳng có gì khá hơn"- ông Hiệp thở dài.

Cơ khổ trăm bề

Cũng theo ông Hiệp, ngoài cái nghèo, người dân Phú Vinh còn gặp rất nhiều khó khăn khác. Do không có hộ khẩu, họ chẳng được cấp giấy chứng minh nhân dân, nhiều đứa trẻ chẳng có giấy khai sinh.

Nhiều trẻ ở thôn Phú Vinh đứng trước nguy cơ thất học vì không có giấy khai sinh. Ảnh: D.H

Phàng A Hồng vừa mua được chiếc xe máy nên vui mừng lắm. Nhưng do không có chứng minh nhân dân nên để có chiếc xe, Hồng phải nhờ người khác đứng tên chủ xe. Cũng như Hồng, hàng trăm người dân khác phải nhờ người đứng tên để mua xe về sử dụng. Nhưng cũng vì không có chứng minh thư nên không thể học bằng lái, người dân Phú Vinh chỉ dám sử dụng xe máy chạy quanh quẩn trong thôn mà không dám ra ngoài vì sợ bị bắt giữ.

Thiếu chứng minh thư, nhiều người muốn thoát ly để đổi đời nhưng không ít người mất tiền bạc vào tận Sài Gòn để xin việc đành phải thất thểu trở về vì không chỗ nào dám nhận. Anh Giàng A Thể (19 tuổi)- một thanh niên hiếm hoi ở Phú Vinh học đến lớp 12. Thể muốn tiến thân bằng con đường học vấn nhưng cũng vì thiếu chứng minh thư mà không thể học tiếp. Cuối cùng, Thể cũng "theo bước cha ông" quanh quẩn trong thôn với cây mì cây bắp.

Đáng báo động nhất là tình trạng trẻ em trong thôn không có giấy khai sinh khá phổ biến. Do không thể làm thủ tục đăng ký kết hôn nên hầu hết trẻ em sinh ra phải lấy họ mẹ khi làm giấy khai sinh. Nhiều người không muốn con theo họ mẹ nên không làm được giấy khai sinh cho con.

Giàng A Ninh có hai đứa con chuẩn bị ở tuổi đến trường. Nhưng vẫn không làm được giấy khai sinh: “Mình đi đến xã làm giấy khai sinh cho con nhưng cán bộ nói phải có giấy đăng ký kết hôn nhưng hồi đó vợ chồng mình về ở chung đâu có làm cái giấy đó. Giờ con cái đến tuổi đến trường nhưng không được đi học mình cũng lo lắng lắm…”- Ninh cho hay.

Xin cơ chế đặc thù cấp giấy tờ

Theo ông Vũ Hoàng Phú-Chủ tịch UNND xã Quảng Phú, thời điểm được công nhận, toàn bộ người dân thôn Phú Vinh đều không có hộ khẩu. Hiện chính quyền đang tích cực xử lý việc này nhưng khó khăn vô cùng. Một phần hầu hết người dân đều không có bất cứ một loại giấy tờ tùy thân nào hoặc có nhưng bị thất lạc nên rất khó để làm các thủ tục theo đúng quy định. Mặt khác, do hầu hết đất đai mà người dân đang sinh sống đều có nguồn gốc từ rừng nên rất vướng.

“Do đa số người dân thôn Phú Vinh đều di cư ở các tỉnh miền núi phía bắc đến từ những năm 2000 và họ không có một loại giấy tờ tùy thân hoặc có nhưng đã thất lạc nên rất khó trong thủ tục cấp sổ hộ khẩu. Do đó, UBND xã đã có kế hoạch xin cơ chế đặc thù để cấp sổ hộ khẩu, làm CMND cho người dân ở thôn Phú Vinh để người dân được bình đẳng quyền công dân. Hiện, chính quyền địa phương đang cố gắng hoàn tất thủ tục hành chính, quy hoạch đất ở và đất sản xuất tại thôn Phú Vinh để sớm cấp sổ hộ khẩu, CMND để bà con trong thôn được hỗ trợ các chính sách xã hội”- ông Phú cho hay.

Ông Ngô Xuân Đông- Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cũng khẳng định đang từng bước hoàn tất các thủ tục cấp sổ hộ khẩu cho người dân thôn Phú Vinh để đảm bảo công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức xây dựng các cơ sở hạ tầng như trường mẫu giáo, kéo điện, để đảm bảo đời sống cho người dân.

Lãnh đạo Công ty Điện lực Đăk Nông cũng cho biết đang gấp rút triển khai dự án cấp điện về cho người dân thôn Phú Vinh. Hiện đã có gần 50 hộ dân ở Phú Vinh đã được cấp điện. Hơn 300 hộ dân còn lại, Điện lực Đăk Nông đã đề nghị với Sở Công Thương tiếp tục đưa vào danh mục đầu tư cấp điện trong thời gian tới.

Với những tín hiệu đáng mừng đó, hy vọng rằng một ngày không xa Phú Vinh sẽ trù phú, đời sống người dân sẽ ấm no như đúng tên gọi của mình.

Duy Hậu

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/thon-3-khong-giua-rung-quang-phu-961448.html