Thông điệp chính trị của EU gửi tới Mỹ

Liên minh châu Âu (EU) vừa quyết định viện trợ hàng triệu USD cho Iran. Theo nhận định của giới phân tích, đây là một động thái mang tính biểu tượng, nhằm làm suy yếu chiến lược của Mỹ muốn gây áp lực để buộc Iran phải đàm phán lại về thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với các cường quốc thuộc nhóm P5+1, song hiện đang có nguy cơ đổ vỡ do Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi văn kiện này.

Gói viện trợ mang tính biểu tượng

Tuần trước, EU thông báo sẽ cung cấp cho nước Cộng hòa Hồi giáo Iran 18 triệu euro (khoảng 21 triệu USD). Đây là một phần trong gói viện trợ mở rộng trị giá 50 triệu euro mà EU dành riêng cho Chính phủ Iran trong những tháng tới. Giới chuyên gia về các vấn đề đối ngoại cho rằng thông qua việc viện trợ kinh tế cho Tehran, EU muốn gửi tới Washington một thông điệp chính trị. Tiến sỹ Emily Landau, một chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu của Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia Israel, giải thích:

"Rõ ràng, Mỹ đã quyết định tiến hành chiến dịch gây sức ép bằng cách tái áp đặt các biện pháp trừng phạt để buộc Iran phải trở lại bàn đàm phán, hòng tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ cho là tốt hơn. Và EU đang nỗ lực để làm suy yếu chiến dịch gây sức ép này." Tuy nhiên, Tiến sỹ Landau cũng lưu ý rằng số tiền nói trên sẽ không giúp ích được nhiều cho nền kinh tế Iran, vốn đang tiến sát đến bờ vực sụp đổ thậm chí cả trước khi các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có hiệu lực hồi đầu tháng này.

Trong khi đó, Tiến sỹ Esther Lopatin, GĐ Trung tâm Nghiên cứu châu Âu thuộc Trung tâm Liên ngành (IDC) ở Herzliya, cũng cho rằng gói viện trợ nói trên của EU chỉ mang tính biểu tượng. Bà nhấn mạnh: "EU tin vào quyền lực mềm, nghĩa là họ muốn giải quyết các cuộc xung đột bằng con đường ngoại giao chứ không phải bằng các biện pháp quân sự.

Hiện giờ, EU đang rơi vào một tình cảnh rất khó khăn", đặc biệt là từ khi các nước trong khối này phải vật lộn với những vấn đề cấp bách khác như chủ nghĩa khủng bố ở trong nước, cuộc khủng hoảng người tị nạn... Tiến sỹ Lopatin dự đoán rằng chừng nào các nhà lãnh đạo châu Âu còn theo đuổi cách tiếp cận "châu Âu trước tiên", họ sẽ vẫn tiếp tục hành động theo cách "gửi một thông điệp rõ ràng" tới chính quyền Trump.

Tổng thống Trump dường như đang một mình một đường trong vấn đề hạt nhân Iran. ảnh tư liệu

Israel và Mỹ đều chỉ trích

Cả Israel lẫn Mỹ đều chỉ trích tuyên bố của EU viện trợ cho Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ví động thái này như "liều thuốc độc" đối với người dân Iran, trong khi Nhà Trắng cho rằng hành động nói trên của EU "phát đi một thông điệp sai lầm không đúng thời điểm". Ông Benjamin Weinthal, một nhà nghiên cứu của Quỹ Bảo vệ Dân chủ có trụ sở ở Washington, nhận định: "Theo quan điểm của tôi, động thái nói trên của EU sẽ chỉ càng khuyến khích chế độ Hồi giáo Iran tiếp tục có những hành động hiếu chiến ở Trung Đông".

EU đưa ra gói viện trợ nói trên cho Iran khi các DN châu Âu đang rút khỏi thị trường Iran. Hãng hàng không Air France-KLM Group và British Airways cho biết họ đang có kế hoạch ngừng các chuyến bay tới Iran với lý do doanh thu kém. Mặc dù hai hãng hàng không nói trên không nói thẳng ra rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ là nguyên nhân khiến họ dự định như vậy, song phần lớn giới phân tích tin rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã phần nào tác động đến quyết định của hai hãng hàng không này. Tiến sỹ Landau khẳng định: "Chúng tôi cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang thực sự phát huy tác dụng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế”.

Vòng trừng phạt thứ 2 của Mỹ nhằm vào hệ thống ngân hàng và ngành dầu mỏ tối quan trọng của Iran dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 11 tới. Tiến sỹ Landau nhấn mạnh: "Điều duy nhất có tác dụng đối với chế độ Iran là sức ép. Chính sức ép đã đưa họ tới bàn đàm phán. Những lo ngại về một cuộc chiến tranh đã khiến họ phải ngừng một phần chương trình quân sự của mình kể từ năm 2003. Hiện không rõ sức ép hiện nay có phát huy hết tác dụng hay không, nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác".

Tuy nhiên, theo báo Theguardian của Anh, Mỹ chẳng làm được gì bởi các biện pháp trừng phạt thường liên quan đến các lợi ích của Mỹ hơn là liên quan đến việc cải thiện cuộc sống cho những người dân Iran bình thường.

Đây là điều không gây bất ngờ, nhưng họ cũng có thể thất bại với chính logic của mình. Dù Mỹ đang cố gắng xa lánh người dân Iran – những người phải hứng chịu gánh nặng từ những khó khăn, bất ổn, và khủng hoảng kinh tế lan rộng – song mọi dấu hiệu đều cho thấy chế độ hiện nay ở Iran vẫn sẽ tồn tại.

Chưa kể đến câu hỏi liệu Iran có thực sự vi phạm điều khoản nào trong JCPOA – vốn được dùng để biện minh cho các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ - hay không, thì các biện pháp này đang có khả năng tăng lên chứ không giảm đi. Các biện pháp trừng phạt đã “hất cẳng” các DN trung lưu hợp pháp và giúp nhà nước Iran độc chiếm nền kinh tế, trái ngược hoàn toàn với những gì Mỹ mong muốn. Do đó, không thể biện minh cho các biện pháp trừng phạt này nếu rõ ràng là chúng không có hiệu quả.

Chẳng mấy ngạc nhiên khi các biện pháp trừng phạt không đáp ứng được các tiêu chí về sự đồng thuận và còn tạo ra các hậu quả không mong muốn. Chương trình đổi dầu lấy lương thực của Liên hợp quốc (LHQ), được triển khai vào những năm 1990 ở Iraq sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên, cho phép chế độ Saddam Hussein bán dầu để đổi lấy lương thực và thuốc men nhưng không cho phép họ tăng cường khả năng quân sự. Tuy nhiên, việc này đã khiến khoảng 500.000 trẻ em thiệt mạng.

Tạo dựng cảnh lầm than khó có thể biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Các biện pháp trừng phạt là một hình thức bạo lực. Vì vậy, trước khi thiết lập tình trạng khẩn cấp, các nước muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt cần nắm chắc hiệu quả thực tiễn của chúng, và đảm bảo rằng cái giá phải trả là hợp lý về mặt đạo đức. Thật khó để chứng kiến các biện pháp trừng phạt Iran của Trump đạt được một trong hai yêu cầu trên.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/thong-diep-chinh-tri-cua-eu-gui-toi-my-121395.html