Thông điệp của hy vọng

'Chung sức đồng lòng vì một Việt Nam cường thịnh' là yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đầu năm 2020. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát đi thông điệp: 'Thể chế, thể chế và thể chế'...

ảnh minh họa

ảnh minh họa

Người đứng đầu Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng, Chính phủ; ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm. Không thể tuyệt vời hơn cho cộng đồng doanh nghiệp nhân dịp đầu năm và trước thềm Xuân Canh Tý.

“Nói và làm” với tư cách là một “tuyên ngôn” được phát đi từ Đại hội VI (năm 1986), nhưng hơn 30 năm qua, rất, rất nhiều sức ỳ, luyến tiếc và “ký sinh” vào “xin- cho”, bị chi phối bởi lợi ích cục bộ, góc nhìn của ngành mình, “nhóm mình”... làm trì trệ cuộc sống, cản trở sáng tạo.

Vì sao chúng ta nghi ngờ khoảng 50% số điều kiện kinh doanh đã được các bộ báo cáo đã cắt giảm? Các bộ báo cáo hay nhưng doanh nghiệp vẫn kêu? Xin thưa, đó là quyền - tiền, là xin - cho của họ với doanh nghiệp, là thu nhập ngoài lương, thèm khát “lậu”.

Lợi ích lớn mà quản lý lại cục bộ thì rất khó cải cách, đổi mới.

Kể từ khi nhận nhiệm vụ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – người đã có kinh nghiệm với Đề án 30 đơn giản hóa thủ tục hành chính - đã luôn nhất quán trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, hay giấy phép con. Đầu tiên là đợt rà soát, cắt giảm hàng ngàn điều kiện kinh doanh khi nâng cấp các thông tư lên thành nghị định năm 2016; đợt cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh năm 2018; và đến lần này thành lập tổ công tác đặc biệt, mở đường cho cải cách tiếp theo... Không quyết liệt không được. Nói đi đôi với làm nhưng phải bằng hành động quyết liệt.

Trong báo cáo điểm lại cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 12/2019, Ngân hàng Thế giới (WB) dành những lời rất tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam: “Mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam”. Tuy nhiên, sau khi ca ngợi bằng những lời có cánh như trên, WB cảnh báo, nhiều doanh nghiệp hoạt động trên thị trường trong nước đang phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển của họ.

Trước đó, ngày đầu năm mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại câu vẫn thường nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như hôm nay” để nói rằng, năm vừa qua đã có nhiều cố gắng. “Chung sức đồng lòng vì một Việt Nam cường thịnh”, đó là yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam.

Để làm được điều này, rõ ràng phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên tinh thần quyết liệt.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/thong-diep-cua-hy-vong-488611.html