Thông điệp của Indonesia tại G7

'Đã đến lúc tiếng nói và lợi ích của các nước đang phát triển phải được cộng đồng quốc tế lắng nghe và coi trọng'. Đây là khẳng định của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, đồng thời cũng là nước chủ tịch ASEAN 2023 khi đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản.

Trong khuôn khổ thượng đỉnh G7 diễn ra 3 phiên họp G7 mở rộng với 8 quốc gia được mời là Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Indonesia, Brazil, Quần đảo Cook và Comoros.

G7 mong muốn tăng cường quan hệ với các nước Nam Bán cầu (thuật ngữ chỉ các nước đang phát triển và mới nổi ở các khu vực như châu Á và châu Phi), đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều biến động cần sự chung tay của tất cả các nước. Đây cũng là cơ hội để các nước phát triển thảo luận với đại diện của các quốc gia đang phát triển và mới nổi về vấn đề hợp tác, thể hiện sự đóng góp của G7 đối với các quốc gia này trong những vấn đề cùng quan tâm.

Tổng thống Indonesia phát biểu với báo chí trước khi lên đường đến Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7. Nguồn: Jakarta Post

Phát biểu trước thềm Hội nghị, Tổng thống Jokowi cho biết, ông sẽ đưa một số vấn đề đã được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 42 vừa qua tới Hội nghị thượng đỉnh G7, bao gồm tình hình Myanmar. Indonesia sẽ tiếp tục nâng cao lợi ích của các nước đang phát triển cũng như thúc đẩy hợp tác và đối tác giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển. Ông Jokowi nhấn mạnh đã đến lúc tiếng nói của các nước đang phát triển phải được lắng nghe và coi trọng.

Dự kiến trong khuôn khổ Hội nghị, Tổng thống Indonesia sẽ có cuộc gặp song phương với một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Pháp và Australia. Ngoài ra Tổng thống Jokowi sẽ tham dự một diễn đàn kinh doanh để gặp gỡ một số doanh nghiệp lớn của Nhật Bản. Tổng thống Indonesia đánh giá Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng của Indonesia vì nước này là đối tác thương mại lớn thứ hai cũng như nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ tư của Indonesia.

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 19-21/5, quy tụ lãnh đạo của các quốc gia phát triển nhất thế giới, thảo luận về một loạt vấn đề gồm thúc đẩy giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, xung đột Nga-Ukraine, an ninh kinh tế, khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, năng lượng, lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới và số hóa./.

Phạm Hà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thong-diep-cua-indonesia-tai-g7-post1021407.vov