Thông điệp của Tổng giám đốc UNESCO nhân Ngày quốc tế Chấm dứt tội ác Chống lại các nhà báo

Đã 5 năm kể từ khi Liên Hiệp Quốc bắt đầu kỷ niệm Ngày quốc tế Chấm dứt tội ác Chống lại các nhà báo. Ngày này là dịp để chúng ta đánh giá cái nhìn của cộng động với các vấn đề an ninh mà các nhà báo phải đối mặt khi thực hiện các nhiệm vụ điều tra báo cáo của mình. Đây cũng là dịp để xem xét về vấn đề các tội ác gây ra cho các nhà báo thường xuyên không được xử lý.

Chúng ta đã đạt được những bước tiến đáng kể trong 5 năm qua, khoảng thời gian mà cả công chúng lẫn các chính trị gia đều đã nhận thực được nhiều hơn về vấn đề nhức nhối này. Khung pháp lý quốc tế tương ứng đã được tăng cường và củng cố, thể hiện qua việc thông qua hơn 10 nghị quyết của Liên hợp quốc kể từ năm 2013. Tuy nhiên, thực hiện các biện pháp cần thiết tại cấp quốc gia vẫn còn là một thách thức.

Từ năm 2006, UNESCO đã liên tục lên án việc giết hại 1.010 nhà báo trong khi làm nhiệm vụ. Chín trong số mười trường hợp này đã không được đưa ra tòa, không được giải quyết và không có tổ chức nào chịu trách nhiệm. Hơn thế, theo như báo cáo năm 2017-2018 của UNESCO về xu hướng thế giới - Tự do Ngôn luận và Phát triển Truyền thông - việc tấn công và quấy rối các nhà báo nữ, đặc biệt là trên các nền tảng trực tuyến, đã tăng lên. Chúng ta phải khẩn trương giải quyết các mối đe dọa cụ thể đang nhắm đến các nhà báo nữ nói riêng và những người làm trong lĩnh vực báo chí nói chung.

Cuộc chiến chống lại sự bất công không thể tách rời khỏi việc bảo vệ các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tự do tiếp cận thông tin. Bởi vì các quyền tự do này là trung tâm của việc thiết lập một xã hội tốt hơn, một xã hội tri thức thực sự, cuộc chiến chống lại những trở ngại cho các nhà báo hoàn toàn phù hợp với nỗ lực đạt đến sự phát triển bền vững của nhân loại.

Để nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề trừng phạt các tội ác nhắm đến các nhà báo, UNESCO đã khởi động chiến dịch #TruthNeverDies (Sự thật không bao giờ chết) vào ngày 2 tháng 11. Chiến dịch khuyến khích việc tìm kiếm các bài báo, ấn phẩm được viết bởi, hoặc để tưởng nhớ, các nhà báo bị giết trong khi làm nhiệm vụ. UNESCO đã phát triển một bộ công cụ cho bất kỳ đơn vị truyền thông nào muốn tham gia chiến dịch.

Đây là trách nhiệm của chúng ta để đảm bảo rằng các tội ác gây ra cho các nhà báo sẽ được xử lý. Để đảm bảo rằng các nhà báo có thể làm việc trong điều kiện an toàn. Chỉ trong môi trường như vậy chúng ta mới có thể tạo ra một xã hội hòa bình và thực sự tiến về phía trước.

Quỳnh Hoa

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/tam-nhin-unesco/thong-diep-cua-tong-giam-doc-unesco-nhan-ngay-quoc-te-cham-dut-toi-ac-chong-lai-cac-nha-bao-131184.html