Thông điệp nào đằng sau lệnh Tổng động viên của Nga?

Cuộc trưng cầu ý dân lịch sử tại 4 vùng lãnh thổ Ukraine đã đưa tới một quyết định chưa từng có từ chiến tranh thế giới thứ 2 của Nga, đó là Sắc lệnh Tổng động viên một phần, có thể huy động tới 300.000 quân dự bị cho chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine.

Cuộc chiến đột nhiên bước sang một ngã rẽ mới, nơi các nhà phân tích – từ phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin - đã đề cập đến khả năng vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng và những hệ quả nghiêm trọng hơn thế.

Ngày 24/2/2022

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN: "2 Nước Cộng hòa ở vùng Donbas đã yêu cầu Nga giúp đỡ. Theo Điều 51, Phần thứ 7 của Hiến chương LHQ, với sự chấp thuận của Hội đồng LB Nga và phù hợp với các hiệp ước hữu nghị và tương trợ với CHND Donetsk và Luhansk, tôi quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt để phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine"

Ngày 21/9/2022

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN: "Tôi muốn nhắc nhở rằng, đất nước chúng tôi cũng có nhiều loại vũ khí hủy diệt, và một số thậm chí còn hiện đại hơn so với các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, chúng tôi - không nghi ngờ gì nữa - sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có bảo vệ nước Nga và nhân dân của chúng tôi. Đây không phải là một tuyên bố xuông."

“TỐI HẬU THƯ” CỦA TỔNG THỐNG PUTIN

Hai tuyên bố cách nhau 7 tháng nhưng chung một thái độ: kiên quyết và dứt khoát. Thông điệp của Tổng thống Vladimir Putin qua bài phát biểu đã rõ ràng: Nga sẽ đáp trả các cuộc tấn công hạt nhân của NATO. Thậm chí, tuyên bố này dường như còn mở rộng phạm vi Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, bởi trước đó Tổng thống Nga đã đề cập đến việc Nga tôn trọng quyết định của người dân, nếu những người dân 4 vùng lãnh thổ Ukraine nói “có” với việc sáp nhập.

Trước đó phương Tây đã lo ngại việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ với tổng diện tích lên tới hơn 15% lãnh thổ Ukraine sẽ cho phép Nga biện minh về hành động leo thang quân sự với lý do “bảo vệ lãnh thổ của mình”. Với tuyên bố của ông Putin, lo ngại này không phải không có cơ sở. Các chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc trưng cầu đã tạo ra một bước ngoặt mới mang lại “chiến thắng” về chính trị cho Nga trong bối cảnh Nga đang bị đẩy lùi trên thực địa. Một số còn chỉ ra rằng, cuộc trưng cầu báo hiệu ông Putin sẵn sàng theo đuổi một con đường chiến tranh leo thang hơn nữa, gửi đi một “tối hậu thư” rõ ràng: hoặc Ukraine và phương Tây rút lui, hoặc sẽ xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Không loại trừ một cuộc Chiến tranh thế giới thứ 3, như lời Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nga đã điều động lực lượng, đã cảnh báo đanh thép. Nga khẳng định sẽ không lùi lại. Mỹ và phương Tây cũng đã kịch liệt lên án. Phần còn lại, thế giới thấp thỏm chờ kết quả cuộc trưng cầu ý dân, và các động thái tiếp theo của các bên.

Thực hiện : Anh Tuấn Hồng Nhung

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thong-diep-nao-dang-sau-lenh-tong-dong-vien-cua-nga