Thông điệp ông Trump gửi tới TQ: Mỹ sẽ không mắc lừa một lần nữa

Quá mệt mỏi với lịch sử thất hứa của Bắc Kinh, chính quyền Tổng thống Trump quyết tâm thiết kế các điều khoản để buộc Trung Quốc tuân thủ bất cứ cam kết nào đưa ra trong đàm phán.

Những quan chức đứng đầu phái đoàn đàm phán Mỹ là Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, tuần này đã bắt đầu cáo buộc phía Trung Quốc muốn đàm phán lại những nhượng bộ mà Bắc Kinh chấp nhận trước đó trong quá trình đàm phán.

Để trừng phạt sự bội ước này, Mỹ được cho là sẽ mạnh tay leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bắt đầu vào ngày 10/5 bằng việc tăng thuế từ 10% lên 25% với lượng hàng hóa từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông cũng sẵn sàng áp đặt mức thuế 25% lên lượng hàng hóa nhập khẩu khác trị giá 325 tỷ USD từ Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị tăng thuế trong giai đoạn ông Trump nắm quyền.

Tàu hàng Trung Quốc đỗ tại cảng Đông Hoản, tỉnh Quảng Châu. Ảnh: UPI.

Tàu hàng Trung Quốc đỗ tại cảng Đông Hoản, tỉnh Quảng Châu. Ảnh: UPI.

Hai nước vẫn còn mâu thuẫn trong một số vấn đề cơ bản, Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ và ép buộc chuyển giao bí mật kinh doanh. Washington coi đây là một phần trong chiến dịch tăng cường của Bắc Kinh nhằm giúp các công ty Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực sản xuất robot, xe điện và những ngành công nghiệp cao cấp khác.

Tám lần thất hứa

Khi quá trình đối thoại bắt đầu vào năm ngoái, có vẻ như Trung Quốc đã cố gắng gây ấn tượng tốt với ông Trump bằng cách tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ, đặc biệt là đậu tương và khí tự nhiên hóa lỏng, động thái sẽ làm giảm bớt một chút thâm hụt thương mại khổng lồ giữa hai nước. Con số này lên tới 379 tỷ USD vào năm 2018..

Nhưng khi những cuộc đàm phán tiếp diễn, điều ngày càng trở nên rõ ràng là "một núi đậu tương sẽ không thể giải quyết được vấn đề", bà Amanda DeBusk, chuyên gia thương mại quốc tế, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, nhận định.

Các nhóm doanh nghiệp, vốn thất vọng vì Trung Quốc không mở cửa thị trường hoàn toàn cho các công ty nước ngoài cạnh tranh sau khi gia nhập WTO năm 2001, đang gây sức ép với chính quyền để thiết kế một thỏa thuận nhằm yêu cầu Trung Quốc từ bỏ các biện pháp thương mại không lành mạnh, ngừng trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước và đối xử công bằng với công ty nước ngoài.

"Đã đến lúc đối chất với Trung Quốc về những vấn đề này. Chúng ta đã cho phép họ lờ chúng đi quá nhiều năm rồi", ông Michael Wessel cho biết. Ông là thành viên của Ủy ban Đánh giá An ninh Kinh tế Mỹ - Trung, cơ quan được quốc hội Mỹ thành lập năm 2000 để giám sát các vấn đề thương mại và an ninh quốc gia giữa hai nước.

Đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc để chấm dứt cuộc chiến thương mại chỉ là khó khăn bước đầu của chính quyền Trump, điều quan trọng lại nằm ở bước tiếp theo: làm thế nào để đảm bảo hiệp định được thực thi.

Dean Pinkert, cựu thành viên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, cho rằng: "Những chi tiết sẽ trở nên rất quan trọng. Đối với các vấn đề 'nền tảng' như tài sản trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ, cơ chế thực thi nào sẽ được thiết lập? Ai sẽ là người đánh giá xem những cam kết có được tuân thủ hay không?".

Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc vẫn đang đàm phán tại Washington trong bối cảnh Mỹ đã tăng thuế nhập khẩu với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc. Ảnh: Nhà Trắng.

Chính quyền Trump muốn Bắc Kinh chấp thuận một cơ chế thực thi với các lệnh trừng phạt để đảm bảo Trung Quốc thực hiện các cam kết của mình.

Các quan chức Mỹ cho biết họ phải cảnh giác vì Trung Quốc đã từng nhiều lần thất hứa trước đây. Báo cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ vào năm 2018 cho thấy kể từ năm 2010, Bắc Kinh đã hứa 8 lần về việc sẽ không ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, nhưng điều này vẫn diễn ra.

Việc thực thi cơ chế này cũng sẽ yêu cầu Bắc Kinh phải công khai chính sách của họ về việc tiếp thu công nghệ, các ngành công nghiệp được hỗ trợ và bảo vệ công ty trong nước trước sự cạnh tranh nước ngoài.

Nhưng Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không chấp nhận các biện pháp mạnh mẽ để giám sát hành vi của họ, chính quyền Trung Quốc sẽ coi đó là việc vi phạm chủ quyền quốc gia.

Cùng lúc, Mỹ cũng sử dụng việc tăng thuế như một đòn bẩy để gây áp lực, buộc Trung Quốc tuân thủ các thỏa thuận.

Bắc Kinh vẫn chưa tiết lộ họ có sẵn sàng giảm quy mô những kế hoạch đầy tham vọng để biến nền kinh tế số hai thế giới thành siêu cường công nghệ, thứ mà các nhà lãnh đạo coi là con đường đưa nước này tới sự thịnh vượng và tầm ảnh hưởng toàn cầu.

"Khuyến khích và hướng dẫn"

Các quan chức Trung Quốc phủ nhận việc chính quyền nước này gây sức ép khiến các công ty phải chuyển giao công nghệ, mặc dù các chuyên gia an ninh cho rằng có hàng núi bằng chứng cho thấy điều đó.

Năm 2013, ba nhà khoa học Trung Quốc tại Đại học New York bị cáo buộc gửi về nước nghiên cứu khoa học của Mỹ về chụp cộng hưởng từ. Đến năm 2014, năm thành viên đơn vị tác chiến không gian mạng của quân đội Trung Quốc bị Mỹ truy tố do có hành vi do thám công nghiệp.

Các công ty Trung Quốc "hưởng lợi từ gián điệp công nghệ", Ủy ban Đánh giá An ninh Kinh tế Mỹ - Trung nhận định trong báo cáo được đưa ra đầu tháng 5.

Báo cáo có đoạn: "Những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm khuyến khích và hướng dẫn các công ty ăn cắp công nghệ từ Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục khi Bắc Kinh tìm cách phát triển những ngành công nghiệp công nghệ cao nội địa".

Nhân viên hải quan Trung Quốc kiểm tra lô hàng xe điện Tesla 3 đầu tiên được nhập vào nước này tại cảng Thượng Hải. Ảnh: AP.

Các nhà phân tích cho rằng Mỹ đang hối thúc Trung Quốc biến sự cam kết của Bắc Kinh thành những văn bản luật, nhưng phía Trung Quốc không đồng ý.

Ông Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (một chuyên gia cố vấn bảo thủ ở Washington D.C), cho rằng thật sự thì "bế tắc nằm ở chỗ Trung Quốc muốn công khai những thay đổi như thế nào. Mỹ muốn tất cả đều được công khai, trong khi Trung Quốc không sẵn sàng để công bố những thay đổi lớn".

Cuối cùng thì bất cứ kế hoạch cưỡng chế thực thi nào, nhiều khả năng cũng sẽ không được như kỳ vọng - trừ khi Bắc Kinh thật sự muốn thay đổi.

"Các biện pháp cưỡng chế đòi hỏi Trung Quốc phải minh bạch và tuân thủ các thỏa thuận của mình. Tôi không thấy có cấu trúc nào của luật pháp hoặc ngoại giao có thể ép buộc điều đó", ông James McGregor, chuyên gia về Trung Quốc tại công ty tư vấn quan hệ chính phủ APCO Worldwide, nhận định.

"Mọi thứ phải đến từ bên trong Trung Quốc, và là nguyện vọng thật sự nhằm thay đổi hệ thống".

Sơn Trần
(theo AP)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thong-diep-ong-trump-gui-toi-tq-my-se-khong-mac-lua-mot-lan-nua-post944873.html