Thông điệp sâu sắc của những trẻ em 'đặc biệt'

Sáng 17/11, lễ trao giải cuộc thi 'Viết và vẽ về điển hình Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt năm 2017' do Tạp chí Gia đình và Trẻ em, phối hợp với Cục Trẻ em, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội. Mỗi bức tranh, mỗi bài viết là một thông điệp mà các em nhỏ muốn truyền tải đến mọi người về việc Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Trao giải cho những em có tác phẩm xuất sắc. ảnh: K.O

Tâm sự của những họa sỹ nhí

Cầm trên tay bó hoa cùng tấm bằng giải ba về bài viết trong Cuộc thi “Viết và vẽ về điển hình Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”, em Bùi Thị Mơ (14 tuổi, sinh sống tại Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Hòa Bình) không giấu niềm xúc động: “Em rất bất ngờ khi bài viết của mình lại được giải Ba trong cuộc thi. Bài viết của em kể về hoàn cảnh khó khăn của 2 bạn ở cùng trung tâm. Bố mẹ các bạn mất sớm, sức khỏe các bạn cũng ốm yếu, đã đến tuổi đi học nhưng 2 bạn cũng không được đến trường. Ở cùng trung tâm, chúng em luôn giúp đỡ nhau, cùng phấn đấu vươn lên”. Bản thân Mơ cũng có hoàn cảnh khó khăn khi bố mẹ em mất từ khi em còn nhỏ. Kể từ ngày đó, 4 chị em Mơ mỗi người một nơi, người về ở cùng ông bà ngoại, người đi làm con nuôi trong gia đình khác, còn Mơ được đưa vào Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Hòa Bình. Thiếu thốn tình cảm của cha mẹ nhưng Mơ vẫn luôn nghĩ rằng “Em cảm thấy mình còn may mắn hơn các bạn khác khi có một cơ thể lành lặn, có một sức khỏe tốt để có thể phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống”.

Kể từ ngày nhỏ, Mơ luôn mang trong mình một ao ước được trở thành một cô phóng viên. Em bảo: “Phóng viên được đi nhiều, được biết nhiều, em thích lắm chị ạ. Bây giờ em sẽ cố gắng học thật giỏi để có thể hoàn thành được ước mơ”. Và với nghị lực vươn lên, 8 năm liền, Mơ luôn đạt danh hiệu Học sinh giỏi cùng những thành tích đáng nể. “Qua bài viết, em mong muốn mọi người hãy giúp đỡ, yêu thương những đứa trẻ kém may mắn như chúng em. Ngoài ra em cũng muốn nhắn gửi đến các bạn có hoàn cảnh kém may mắn đừng buồn, hãy cố gắng vươn lên trong cuộc sống”, Mơ tâm sự. Khác với Mơ, em Trương Văn Long (Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4, Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội) lại bày tỏ những tình cảm, những lời cảm ơn chân thành nhất đến những người cha, người mẹ thứ 2 trong Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4 qua bài viết. Thiếu thốn một mái ấm gia đình, Long được đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4, nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của em khi có những người cha, người mẹ luôn thương yêu, chăm sóc các em hết mình. Cuộc thi cũng là dịp để em thể hiện tình cảm đối với những người cha, người mẹ ấy.

Mỗi bài viết ẩn chứa những thông điệp sâu sắc

Bức tranh đoạt giải Nhất trong cuộc thi với chủ đề “Đừng bỏ rơi những đứa trẻ kém may mắn hơn chúng ta”.

Theo ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban giám khảo, những gì được thể hiện trong tranh vẽ của các em là chuẩn mực của cái đẹp mà rất nhiều người lớn cần trân trọng và học hỏi. Một số tranh vẽ của các em dự thi đã phá vỡ mọi giới hạn và đem lại những rung cảm trong sáng, tuyệt vời cho người xem. Bằng trí tưởng tượng và sức sáng tạo ở độ tuổi của các em, đó chính là những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Mỗi bức tranh, mỗi bài viết lại là một thông điệp sâu sắc mà các em muốn gửi tới toàn xã hội. Ở đâu đó trong cuộc sống này vẫn còn có những mảnh đời bất hạnh. Hãy dang rộng vòng tay, đón lấy các em, cho các em có cơ hội được học tập, được vui chơi như bao trẻ em trên thế giới này. Cuộc thi đã kết thúc nhưng những thông điệp của các em sẽ còn bay xa, bay cao hơn nữa để đến với những tấm lòng hảo tâm.

Theo Ban tổ chức cuộc thi, nước ta có hơn 26 triệu trẻ em, trong đó có trên 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, trẻ nhiễm chất độc da cam, trẻ nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS,..; trên 2 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt rất cần được đến trường học, được hòa nhập vào cộng đồng và hưởng mọi quyền như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng vấn đề kỳ thị và phân biệt, đối xử với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn còn xảy ra trong xã hội. Trước thực trạng này, cuộc thi “Viết và vẽ về điển hình Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt năm 2017” được tổ chức nhằm mục đích thông tin bằng hình ảnh, bài viết sinh động tới đông đảo quần chúng về một bộ phận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần được toàn xã hội quan tâm, chăm sóc.

Sau 6 tháng phát động, từ 1/5 đến hết 31/10, Ban tổ chức đã nhận được hàng nghìn bài viết và tranh vẽ của các em học sinh ở 20 tỉnh, thành phố, một số Trung tâm bảo trợ xã hội, Làng trẻ em SOS trên toàn quốc gửi về dự thi. Ban giám khảo đã lựa chọn được 106 bức tranh có hình thức đẹp và giàu ý nghĩa nhân văn, đúng chủ đề dự thi. Trong đó, số lượng tranh của các em từ 5-10 tuổi là 45 bức, số lượng tranh của các em từ 11-18 tuổi là 61 bức cùng 32 bài viết. Chung khảo cuộc thi, giải Nhất đã được trao cho em Nguyễn Ninh Minh Thy, lớp 8/3, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi – 87 Lê Lợi, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh với bức tranh “Đừng bỏ rơi những đứa trẻ kém may mắn hơn chúng ta”. Ngoài ra, BGK cũng trao 4 giải Nhì, 4 giải Ba, 11 giải Khuyến khích cho các bức tranh, các bài viết xuất sắc.

Kim Oanh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thong-diep-sau-sac-cua-nhung-tre-em-dac-biet-20171117212803031.htm