Thông điệp trấn an của Fed: Lãi suất sẽ không tăng nhanh

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có một thông điệp dành cho các nhà đầu tư đang lo ngại Fed sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất trong năm 2022. Thông điệp đó là lãi suất sẽ không tăng quá nhanh...

Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Bloomberg.

Theo hãng tin Bloomberg, trong số 6 quan chức Fed đã phát biểu trong tuần này, không ai ủng hộ ý tưởng tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng 3. Ngoài ra, nhân vật cứng rắn nhất trong Ủy ban Thị trường mở (FOMC), bộ phận ra quyết sách trong Fed, là ông James Bullar, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, nói rằng 5 lần nâng trong năm nay “không phải là một sự đặt cược quá tồi”.

Một nhân vật cứng rắn khác Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas, bà Esther George, nói lý tưởng nhất là Fed hành động chậm rãi.

Tất cả những phát biểu với màu sắc thận trọng này trái ngược với các dự báo mà Phố Wall đưa ra gần đây. Nhiều tổ chức dự báo thậm chí cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất tới 7 lần trong năm 2022, trong đó sẽ có một số đợt nâng với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm thay vì 0,25 điểm phần trăm.

Với lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất gần 40 năm, Chủ tịch Fed Jerome Powell vào tuần trước nói rằng Fed dự định sẽ bắt đầu nâng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 15-16/3. Ông cũng không bác bỏ khả năng nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong một lần, để ngỏ cánh cửa hành động nhanh hơn nếu cần thiết.

Tuy nhiên, khi thể hiện quan điểm cá nhân, các quan chức khác trong FOMC đã làm rõ rằng họ không muốn thắt chặt quá nhanh, quá vội.

“Họ muốn là những vị thuyền trưởng điềm tĩnh của con tàu chính sách tiền tệ”, bà Julia Coronado, nhà sáng lập công ty nghiên cứu MacroPolicy Perspectives, nhận định. “Họ không muốn bị đánh giá là hoảng sợ hay vội vã. Họ cũng không muốn gây ra sự biến động không cần thiết trên thị trường tài chính”.

Các nhà đầu tư đã tăng đặt cược vào tốc độ tăng lãi suất nhanh hơn kể từ sau phát biểu tuần trước của ông Powell. Cuối năm ngoái, họ cho rằng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022, nhưng sau lần phát biểu này của Chủ tịch Fed, họ cho rằng Fed có thể tăng lãi suất tới 5 lần. Ngoài ra, họ cũng tính đến việc Fed có một đợt nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm trong năm nay, có thể ngay trong cuộc họp tháng 3. Đây là mức tăng lãi suất chưa từng có từ năm 2000.

“Các quan chức Fed đang ‘hãm phanh’ một chút và phát tín hiệu rằng các kỳ vọng lãi suất nên ổn định thay vì tăng mạnh”, chuyên gia kinh tế trưởng Aneta Markowska của Jefferies phát biểu. “Họ đang nói rằng mức kỳ vọng đã có là đủ rồi, không cần phải tăng thêm nữa”.

Không chỉ phụ thuộc vào tình hình lạm phát và tăng trưởng kinh tế, tốc độ thắt chặt của Fed còn phụ thuộc vào việc FOMC sẽ bao gồm những nhân vật nào.

Thống đốc Randal Quarles và Phó chủ tịch Fed Richard Clarida, hai nhân vật được xem là thuộc phái cứng rắn, đã rời ủy ban này do hết nhiệm kỳ. Hai chiếc ghế trống mà họ để lại, cùng một ghế trống khác, sẽ được trao cho ba vị thốngđốc mới do Tổng thống Joe Biden đề cử. Theo dự báo, đó sẽ là những người có quan điểm mềm mỏng hơn. Vào ngày thứ Năm tuần này, Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện sẽ có một phiên điều trần để chuẩn bị cho việc phê chuẩn ba nhân vật này.

Bên cạnh tăng lãi suất, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ còn bao gồm việc cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán đã lên tới mức 8,9 nghìn tỷ USD. Phát biểu hôm thứ Hai, bà George nói rằng việc cắt giảm nhanh lượng tài sản Fed nắm giữ có thể tạo điều kiện để việc cắt giảm lãi suất diễn ra chậm hơn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng Fed có thể chọn tạm dừng việc tăng lãi suất trong quá trình bình thường hóa bảng cân đối kế toán.

“Một số nhà dự báo cũng tính đến yếu tố bảng cân đối kế toán khi đưa ra các dự báo về lãi suất. Nếu quy trình cắt giảm bảng cân đối kế toàn bắt đầu trong khoảng 2 quý tới đây, tôi cho rằng việc đó có thể thay thế cho 2 lần nâng lãi suất trong thời gian đến cuối năm 2023”, chuyên gia Roberto Perli thuộc Cornerstone Macro nhận định.

Quy mô bảng cân đối kế toán của Fed qua các năm. Đơn vị: nghìn tỷ USD.

Trong vòng 2 thập kỷ qua, các chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed đều diễn ra từ tốn và nhìn chung tương đối dễ đoán, bắt đầu với những bước tăng chậm và đều trong thập niên 2000. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, Fed cũng bắt đầu thắt chặt một cách chậm rãi trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy yếu và lạm phát ở mức thấp, cộng thêm tốc độ phục hồi yếu ớt của thị trường việc làm ở Mỹ.

Giờ đây, các quan chức Fed liên tục nói rằng chính sách của họ sẽ linh hoạt tùy vào dữ liệu kinh tế. Từ nay đến cuộc họp tháng 3 của Fed, giới đầu tư sẽ đón nhận 2 báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nữa của Mỹ.

Không chỉ lạm phát, triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến mức độ cứng rắn của Fed. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 của Mỹ có thể yếu do làn sóng lây nhiễm Covid-19 do biến chủng Omicron. Đợt bùng dịch này cũng có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của thị trường lao động.

Nếu sự giảm tốc kinh tế có nguy cơ kéo dài, ông Powell và các đồng nghiệp của ông có thể lung lay ý chí trong việc thắt chặt. Sau các đợt nâng lãi suất vào năm 2017 và 2018, Fed đã “chùn tay” vào năm 2019 và có ba lần cắt giảm lãi suất trong ba cuộc họp liên tiếp.

“Fed vẫn phải thể hiện một chút thận trọng”, chuyên gia kinh tế Michael Pugliese thuộc Wells Fargo Securities nhận định. “Họ không muốn thắt chặt quá mức và rốt cục phạm phải một sai lầm chính sách”.

An Huy -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thong-diep-tran-an-cua-fed-lai-suat-se-khong-tang-nhanh.htm