Thông điệp từ Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp

Một sự đồng thuận khá rõ từ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Đó là không được đẩy cái khó cho doanh nghiệp, phải chấm dứt ngay tình trạng dùng quyền lực mềm hù dọa doanh nghiệp. Tất cả là để có một lực lượng doanh nghiệp hùng hậu, làm nền tảng cho một nền kinh tế hùng cường.

Rất nhiều kiến nghị, đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp đã được gửi tới Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh

Rất nhiều kiến nghị, đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp đã được gửi tới Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh

Không ngại những tiếng nói “nghịch nhĩ”

Rất nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp đã được gửi tới Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ 3 được tổ chức đầu tuần này. Có tiếng nói tâm huyết, cũng có những ý kiến “trái chiều, nghịch nhĩ”, nhưng Thủ tướng Chính phủ đã dành tới 5 giờ đồng hồ để chăm chú lắng nghe.

“Vẫn còn những sở, ngành bàng quan, vô cảm, chưa xem khó khăn của doanh nghiệp là trách nhiệm của chính họ”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Kinh tế Fulbright đã nói như vậy.

Ông Trần Bá Dương, ông chủ của Tập đoàn Thaco Trường Hải thì “thưa với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước” rằng, dù Chính phủ khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nhưng doanh nghiệp rất khó để vay vốn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nói: “Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa phát huy hiệu quả”.

Còn Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận, vẫn có 55% doanh nghiệp phải có chi phí không chính thức cho bộ máy công chức và cũng vẫn có tới 19% số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra 2 lần trở lên.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói rằng, ông đã “nhận nhiều tin nhắn nói cấp chuyên viên nhũng nhiễu lắm, chậm trễ lắm, cứ đá qua, đá lại hoài”. Thủ tướng đã nhắc tới những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, gia nhập thị trường, đầu tư cho khoa học - công nghệ...

Những điều này, cùng với thực tế - như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói - là “vẫn còn tư duy kinh doanh chụp giật, mong muốn làm giàu nhanh chóng mà không chịu đầu tư thời gian và công sức để học hỏi và nghiên cứu, nhất là các công nghệ mới, công nghệ lõi của sản phẩm”, khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt, dù không ngừng phát triển về số lượng trong thời gian qua, song về quy mô, chất lượng, hiệu quả chưa được như kỳ vọng.

Ngay cả mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 cũng là một thách thức lớn, dù đến nay, đã có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp/dân còn thấp, 1 doanh nghiệp/120 người dân, trong khi tỷ lệ chung của các nước ASEAN là 1 doanh nghiệp/90 người dân, còn các nước phát triển là 1 doanh nghiệp/10 người dân.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi báo cáo Thủ tướng đã thừa nhận một thực tế là, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 vẫn ở mức cao, khoảng 58,1%.

Chưa kể, theo Bộ trưởng, Việt Nam đặc biệt thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp cỡ vừa. Ngay cả doanh nghiệp được xếp hạng là lớn, nhưng quy mô trung bình cũng nhỏ bé hơn rất nhiều so với mức trung bình tại các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất yếu.

“Không thể có quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có doanh nghiệp hùng hậu. Không có doanh nghiệp thì không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng. Không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu doanh nhân và cá nhân xuất sắc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy.

Không được đẩy cái khó cho doanh nghiệp

Một tinh thần quyết liệt nhìn thấy rõ, khi Thủ tướng Chính phủ đưa ra một loạt chỉ đạo rốt ráo sau khi nghe các ý kiến trái chiều, cả các phản biện của doanh nghiệp về cơ chế, chính sách của Nhà nước. “Phải chấm dứt tình trạng cơ quan công quyền hù dọa doanh nghiệp và loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà, làm mất thời gian và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu rõ, trừ cứu hỏa và thiên tai, việc giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp phải nằm ở trang đầu trong sổ tay hành động của lãnh đạo. “Không thể biết doanh nghiệp rất khó khăn trên địa bàn của mình, trong lĩnh vực mình phụ trách mà không quan tâm giải quyết, đừng có mắc bệnh thờ ơ trong việc phát triển này”, Thủ tướng đã nhấn mạnh như vậy.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, đã đến lúc phải thực sự thay đổi tư duy. “Không phải những gì mà Nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân, mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công”, Thủ tướng nói và một lần nữa nhấn mạnh: “Không phải cái khó đẩy cho tư nhân, mà cái gì tư nhân làm được nên ủng hộ”, và cũng không được có chuyện “dùng quyền lực mềm để hù dọa doanh nghiệp”.

Dù vậy, để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, thì cần có các giải pháp căn cơ hơn. Và đó là lý do Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hội nghị này, phải phối hợp cùng các bộ, ngành khác xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Trước đó, với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 5 giải pháp để giải quyết căn cơ các tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp Việt.

Trước hết, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ hai, đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến, chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo; từ đó tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, tạo ra các sản phẩm được làm bởi các doanh nghiệp Việt Nam, phát triển bởi con người Việt Nam.

Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế, kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp.

Thứ tư là tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là việc đảm bảo quyền đối với nhà đầu tư cần tiếp tục được tăng cường để ngày càng khuyến khích người dân tham gia hoạt động kinh doanh, không hình sự hóa các hoạt động kinh tế nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Cuối cùng, chính cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ…

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Nhà nước cần tiếp tục cải cách chính sách một cách quyết liệt hơn.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Để có sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, gồm cả hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, Nhà nước cần tìm ra các phương thức để thuyết phục người dân và cả những nhà đầu tư tiềm năng rằng, thể chế mới là bền vững và mọi khoản đầu tư, mọi doanh nghiệp đều được bảo vệ quyền lợi trước pháp luật.

Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục cải cách chính sách một cách quyết liệt hơn sao cho vừa cởi trói cho doanh nghiệp để cạnh tranh và tạo việc làm, vừa mang đến cho mọi người mức độ tự do và trách nhiệm cá nhân cao hơn.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trước mắt hoàn thiện khung pháp lý đối với hộ kinh doanh.

Minh bạch là yêu cầu hàng đầu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Trong lĩnh vực kinh tế, bao gồm lĩnh vực bất động sản, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, minh bạch là yêu cầu hàng đầu, có tính quyết định nhất. Có minh bạch thì mới có công bằng, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để sửa đổi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở và sớm ban hành “Quy chuẩn xây dựng Việt Nam” để giải quyết các vướng mắc về pháp lý với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xen kẹt đất thuộc Nhà nước quản lý, để làm tăng nguồn cung dự án nhà ở.

Mạnh dạn hơn trong cổ phần hóa.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group)

Tôi đề nghị Chính phủ mạnh dạn hơn trong cổ phần hóa. 10 năm trước tôi tham gia cổ phần hóa một trong những nhà máy đường có giá trị cổ phần hóa cao nhất, 68 tỷ đồng. 3 năm trước, ngành đường phát triển rất tốt, mỗi năm tôi đóng thuế không dưới 70 tỷ đồng.

Thị trường vốn mới thực sự là nơi doanh nghiệp tiếp cận và mang tính ổn định, nhưng đang bị méo mó, khiến cả người phát hành và bảo lãnh phát hành đều rất ngại. Do vậy, cần quan tâm phát triển thị trường vốn để doanh nghiệp tiếp cận một cách tự tin hơn.

Năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Năm 2019 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam, với nhiều biến động không dự báo trước và kéo dài hơn dự kiến trên thị trường. Xung đột thương mại Mỹ - Trung đã làm tổng cầu dệt may 2019 chỉ tăng 3,3% so với mức tăng 7,4% năm trước…

Với các đặc trưng mới của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ trở lại cho doanh nghiệp đầu tư theo hướng sản xuất sạch; có quy hoạch khu công nghiệp dệt may quy mô 300-500 ha, với khoảng 10 khu trên cả nước, đầu tư đủ hạ tầng về xử lý môi trường để doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất vải phục vụ chuỗi cung ứng…

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thong-diep-tu-hoi-nghi-thu-tuong-doi-thoai-voi-doanh-nghiep-d113506.html