Thống đốc NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người mua nhà và các dự án bất động sản.

“Để thực hiện các giải pháp tín dụng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản, các tổ chức, cá nhân tiếp cận vốn tín dụng, góp phần phát triển thị trường bất động sản lành mạnh trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực tối đa cắt giảm chi phí hoạt động để có dư địa, phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản đã đáp ứng đầy đủ điều kiện về pháp lý, có khả năng trả nợ, nhằm đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói tại Hội nghị tín dụng bất động sản sáng 8/2.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo trả nợ, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.

Thực hiện các giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, cá nhân, tổ chức mua, nhận chuyển nhượng bất động sản tiếp cận vốn khi đáp ứng đầy đủ điều kiện. Chủ động rà soát các dự án bất động sản đang cấp tín dụng để có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án kịp thời.

Đối với các dự án đang vướng mắc về thủ tục pháp lý, lãnh đạo NHNN cũng khuyến cáo các tổ chức tín dụng đề nghị khách hàng chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền để xem xét tháo gỡ.

Ngược lại, với các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý; các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở thì các tổ chức tín dụng cần tập trung giải ngân nguồn vốn.

Về định hướng chung, Thống đốc NHNN cũng đề nghị tất cả các đơn vị của NHNN, chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng phải quán triệt các chủ trương định hướng lớn như Nghị quyết 143 của Quốc hội về chương trình phục hồi kinh tế, Nghị quyết 68 của Quốc hội về phát triển kinh tế năm 2023, Nghị quyết 01 của Chính phủ về phát triển kinh tế năm 2023, Chỉ thị 01 của thống đốc NHNN năm 2023 và đặc biệt là công điện số 10 của Thủ tướng về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, quản lý điều hành xăng dầu.

Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đưa ra 5 yêu cầu đối với các doanh nghiệp bất động sản, bao gồm:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần chủ động trong kế hoạch của mình. Do hoạt động trong môi trường kinh tế vĩ mô chung nên nếu kinh tế vĩ mô bất ổn thì doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Khi kinh tế vĩ mô bất ổn định, chắc chắn các cơ quan quản lý, điều hành sẽ phải áp dụng các chính sách để ổn định. Đôi khi các chính sách này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, bản thân các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô lớn phải có một bộ phận chuyên theo dõi kinh tế vĩ mô để chủ động điều chỉnh việc đầu tư.

Thứ hai, trong hoạt động kinh doanh nhất là đối với những doanh nghiệp có hệ số đòn bẩy tài chính cao cần hết sức chú trọng đến việc quản trị dòng tiền. Việc bán dự án bất động sản không phải chuyện đơn giản, bởi còn phụ thuộc vào người mua và các thủ tục pháp lý hành chính, không thể có ngay được dòng tiền về. Do đó, việc quản trị dòng tiền để có thể chi trả các khoản nợ, các khoản thanh toán là một yếu tố vô cùng quan trọng.

Thứ ba, doanh nghiệp cần có các giải pháp đẩy mạnh quản trị, cơ cấu, cân đối giữa mục tiêu doanh thu lợi nhuận và khả năng tiêu thụ sản phẩm, có điều chỉnh phù hợp để đảm bảo năng lực tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng.

Thứ tư, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực tài chính để đa dạng hóa khả năng huy động vốn từ các nguồn khác, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, nhấn là nguồn tín dụng trung và dài hạn. Nếu cứ phụ thuộc vào nguồn tín dụng ngân hàng, trong trường hợp lạm phát cao, chính sách tiền tệ phải thắt chặt thì doanh nghiệp đương nhiên gặp gó khăn.

Thứ năm, Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm đến việc hướng bất động sản vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở giá rẻ. Bản thân doanh nghiệp cần tích cực tham gia triển khai, từ đó phía ngân hàng cũng có giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia vào lĩnh vực này.

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 trực tuyến với địa phương.

Điểm đáng chú ý tại nghị quyết mới ban hành, Chính phủ tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản với các doanh nghiệp bất động sản và người mua theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại chỉ thị 03 ngày 27/1/2023.

Bên cạnh đó, cần điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Tăng trưởng tín dụng phải được điều hành hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất các biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải được chuẩn bị, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/2.

Công Hiếu

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thong-doc-nhnn-yeu-cau-to-chuc-tin-dung-giam-lai-suat-cho-vay-ar740613.html