Thống nhất các vấn đề trình Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh

Sáng ngày 29/11, các Tổ đại biểu tiếp tục thảo luận các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh sắp tới. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành.

Đại biểu thảo luận tại Tổ 1.

Theo đó, các vị đại biểu HĐND tỉnh tại Tổ 1 đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến dự thảo Nghị quyết về số lượng cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh Cà Mau năm 2024; dự thảo Nghị quyết về việc biên chế công chức trong các cơ quan tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh Cà Mau năm 2024; dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau năm 2024...

Riêng với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 07/07/2023 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ một số nội dung thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2023-2025; qua rà soát các nội dung tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC về Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, có 17 nội dung giao HĐND tỉnh quy định chi tiết. Theo đó, có 11 nội dung đã quy định tại dự thảo Nghị quyết; còn 3 nội dung quy định mới bổ sung thêm, 2 nội dung cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và 1 nội dung chưa đề xuất trong sửa đổi, bổ sung trong Nghị quyết lần này tại điểm a, khoản 2, Điều 94 Thông tư số 55/2023/TT-BTC, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại một số nghị quyết riêng.

Đại biểu Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, dự và tham gia phát biểu thảo luận tại Tổ 2.

Tổ 2 có sự tham dự của đại biểu Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh. Thảo luận về vấn đề thiếu giáo viên hiện nay, ông Huỳnh Quốc Việt yêu cầu ngành giáo dục cần tập trung chỉ đào, rà soát, sắp xếp giáo viên một cách hợp lý, khoa học. Điển hình như vùng sâu, vùng xa hiện nay rất thiếu giáo viên, nhưng khi giáo viên xin điều chuyển công tác thì lại có tâm lý “xin, cho”, ngành giáo cần quản lý chặt, xem xét kỹ lưỡng, để tránh dẫn đến tình trạng giáo viên vùng sâu đã thiếu lại càng thiếu hơn.

Công tác đào tạo giáo viên cần có những chính sách phù hợp, khuyến khích học sinh khi ra trường thi vào ngành sư phạm. Đặc biệt là cần quan tâm, ưu tiên chính sách đặt hàng trong đào tạo giáo viên các ngành còn thiếu hiện nay như tin học, ngoại ngữ.

Theo ông Huỳnh Quốc Việt, tỉnh đã đầu tư rất nhiều cho giáo dục, các trường đạt chuẩn quốc gia có cơ sở vật chất tốt, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhưng lại không có giáo viên. Do đó, ngành giáo dục phải có nhiều giải pháp để khắc phục hiệu quả vấn đề này.

Tại buổi thảo luận tổ, Đại tá Nguyễn Phúc Cường, Phó giám đốc Công an tỉnh, đã trả lời ý kiến đại biểu đặt ra về tình hình tội phạm trộm cắp xảy ra nhiều, nhất là khu vực nông thôn, cũng như tình hình an ninh mạng, lừa đảo trên môi trường mạng diễn biến phức tạp làm người dân bất an.

Khẳng định tình hình an ninh trật tự của tỉnh được đảm bảo ổn định, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, ngành Công an sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chặt địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Tăng cường công tác tuyên tuyền, nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng chống, tố giác tội phạm.

Đại biểu Trần Thị Kiều Yến quan tâm về tình trạng người dân bị lọt, lộ thông tin cá nhân (thông tin tài khoản ngân hàng) dẫn đến tội phạm lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thông tin với đại biểu, Đại tá Nguyễn Phúc Cường cho rằng, đối với vấn đề lừa đảo trên mạng, người sử dụng vi phạm Luật An ninh mạng khi tham gia mạng xã hội, hiện ngành công an đã tăng cường xử lý, nhiều vụ việc đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các máy chủ mạng xã hội thường đặt ở nước ngoài, những doanh nghiệp, công ty chủ quản của các mạng này khi hoạt động vẫn còn chưa tuân thủ triệt để pháp luật của Việt Nam nên vấn đề quản lý còn rất khó. Hiện ngành công an tỉnh cũng như cả Bộ Công An đã và đang tích cực vào cuộc để xử lý, ngăn chặn vấn đề này.

Về vấn đề đặt tên cho công trình công cộng, việc đặt tên Quảng trường Phan Ngọc Hiển được các đại biểu thống nhất cao. Tuy nhiên, việc đặt tên Công viên Thanh Niên (hiện thường gọi là Quảng trường Thanh Niên) thì nhiều đại biểu còn thắc mắc, bởi hiện trạng khu này chỉ là khoảng đất trống thường để tổ chức các sự kiện như hội chợ, bắng pháo hoa đêm Giao thừa,…, chứ không phải có chức năng của công viên.

Giải đáp thắc mắc của đại biểu, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng việc đặt tên Công viên Thanh Niên là cần thiết vì hiện công trình này vẫn chưa được đặt tên, bên cạnh đó tỉnh cũng đang có chủ trương xúc tiến đầu tư.

Ghi nhận tại các tổ, các vị đại biểu HĐND tỉnh thống nhất với nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết để trình Kỳ họp thứ 12.

Tại Tổ 3, các vị đại biểu HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã tập trung, nghiên cứu, thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến vào 3 báo cáo của cơ quan tư pháp và Cục Thi hành án dân sự; báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh, cùng 25 tờ trình, dự thảo nghị quyết.

Qua thảo luận, các vị đại biểu HĐND tỉnh tán thành với nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết để trình Kỳ họp thứ 12. Bên cạnh đó, đại biểu còn phân tích, làm rõ tính pháp lý, sự cần thiết của từng báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết và đề xuất nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Trong đó, tờ trình về việc ban hành Nghị quyết điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu: Giai đoạn 2022-2025 tỷ lệ đô thị hóa chiếm 35%, toàn tỉnh có 26 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I và 2 đô thị loại III. Giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ đô thị hóa chiếm 45%, toàn tỉnh có 29 đô thị, gồm 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III và 23 đô thị loại V. Giai đoạn đến năm 2030, phấn đấu toàn tỉnh có 29 đô thị, gồm 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 21 đô thị loại V.

Tổng vốn đầu tư công năm 2023, bao gồm vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023 đã được phân bổ là 4.791 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại đã giải ngân được trên 3.299 tỷ đồng, bằng 68,9% kế hoạch, ước đến ngày 31/1/2024 sẽ giải ngân đạt từ 95% kế hoạch vốn trở lên. Theo tờ trình và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và bổ sung kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2023 thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tổng mức vốn dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2024 trên địa bàn tỉnh trên 4.212 tỷ đồng; trong đó, vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hơn 178 tỷ đồng./.

Trung Đỉnh - Đặng Duẩn - Hằng My

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/thong-nhat-cac-van-de-trinh-ky-hop-thu-12-hdnd-tinh-a30267.html