Thống nhất giảm 478 thôn, khối phố tại Quảng Nam

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri, đại diện hộ gia đình về việc thực hiện hợp nhất, sáp nhập thôn, khối phố theo chủ trương chung với tỷ lệ thống nhất cao. Đây là chủ trương quan trọng có ý nghĩa trong việc nâng cao năng suất quản lý, làm việc đồng thời tạo đầu mối liên kết từ tỉnh xuống địa phương một cách thống nhất. Sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập thôn, khối phố mới, toàn tỉnh có 1.000 thôn, khối phố đề nghị sắp xếp, tổ chức lại, trong đó giải thể 59 thôn, khối phố, 513 thôn, khối phố thành lập mới, giảm được 478 thôn, khối phố.

Việc thành lập, sáp nhập thôn, khối phố ở Quảng Nam không làm ảnh hưởng đến quyền lợi, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân.

Việc thành lập, sáp nhập thôn, khối phố ở Quảng Nam không làm ảnh hưởng đến quyền lợi, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân.

Quảng Nam hiện có 1.309 thôn chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô số hộ. Do vậy, việc tổ chức, sắp xếp lại thôn theo chủ trương Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) là việc làm cần thiết. Qua rà soát, thống kê Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh có 1.719 thôn thì hết 1.309 thôn không đảm bảo về quy mô số hộ (chiếm 76%), trong đó có 549 thôn chưa đạt 50% quy mô số hộ. Báo cáo tại Kỳ họp thứ 7 của HĐND tỉnh vừa qua cũng đã nhìn nhận mặc dù gọi là thôn nhưng cá biệt tại một số khu vực miền núi có thôn chỉ khoảng 20 hộ nằm rải rác trong khi quy định phải có từ 200 hộ trở lên. Mặc dù ít hộ như vậy nhưng vẫn phải bố trí đủ 10 chức danh người hoạt động không chuyên trách thôn. Điều này đã khiến mức chi ngân sách hàng năm rất lớn và làm cho công tác quản lý tại địa phương bị trì trệ, không phát huy được hiệu quả. Sau khi có thông báo về việc sáp nhập các địa phương đã tiến hành khảo sát, lên phương án sáp nhập và đa phần các cử tri đều đồng tình với phương án sáp nhập được đưa ra.

Theo kết quả khảo sát, TP Hội An có 77 thôn, khối phố; trong đó có 69 thôn, khối phố không đạt tiêu chuẩn, UBND TP Hội An đề nghị sáp nhập, hợp nhất 56 thôn, khối phố (giải thể 5 khối phố), để thành lập 33 thôn, khối phố mới. Như vậy, sau khi hợp nhất, sáp nhập Hội An còn lại 54 thôn, giảm được 23 thôn. Tại các hội nghị lấy ý kiến, cử tri đại diện hộ gia đình đều thống nhất cao về việc hợp nhất, sáp nhập thôn, khối phố theo đề án của địa phương, với tỷ lệ đạt từ trên 55% đến 86%. Còn tại TP Tam Kỳ có 109 thôn, khối phố, trong đó có 102 thôn, khối phố không đạt tiêu chuẩn theo quy định, UBND TP Tam Kỳ đề nghị hợp nhất, sáp nhập 56 thôn, khối phố để thành lập 32 thôn, khối phố mới. Theo đó, sau khi hợp nhất, sáp nhập địa phương còn lại 85 thôn, khối phố; có 3 khối phố giữ nguyên nhưng đề nghị đổi tên mới. Tỷ lệ người dân thống nhất chủ trương sắp xếp lại thôn, khối phố theo đề án của TP Tam Kỳ đạt trên 50% đến 100%. Tương tự, tại thị xã Điện Bàn, tỷ lệ này đạt từ 50,84% đến 93,42%.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết việc sắp xếp thôn, khối phố nhằm góp phần tinh gọn bộ máy, giảm số lượng thôn, khối phố và người hoạt động không chuyên trách, giúp giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã và hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Dự kiến từ nay đến năm 2019, TP Tam Kỳ sẽ triển khai thực hiện phương án sáp nhập.

Ông Trần Anh Tuấn- Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam cho biết, việc hợp nhất, sáp nhập để thành lập thôn, khối phố mới đảm bảo về quy mô số hộ gia đình không làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân. Tất cả các bước, quy trình sáp nhập đều thực hiện đúng quy định giúp tinh gọn bộ máy, phù hợp trong quản lý, tổ chức và hoạt động hiện nay khi cơ sở hạ tầng, phương tiện kỹ thuật ngày càng phát triển; giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khối phố mới.

Ông Nguyễn Ngọc Quang- Bí thư tỉnh Quảng Nam khẳng định, chủ trương sắp xếp, tổ chức lại thôn, khối phố phải thực hiện quyết liệt, đúng theo kế hoạch nhưng các tên làng sẽ không thay đổi; tất cả thủ tục hành chính vẫn được giữ nguyên, mọi người dân đều đảm bảo các quyền lợi hợp pháp và phải làm sao để có sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân. Quá trình thực hiện phải hết sức tôn trọng ý kiến nhân dân. nhân dân phải là nhân tố quyết định, đồng thời tôn trọng, lưu giữ các giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử của địa phương. Về định hướng cơ cấu cán bộ thôn mới sau khi sáp nhập, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh, phải làm đúng theo quy định của Trung ương là chỉ còn 3 cán bộ/thôn. Cụ thể, một bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn; một phó bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn và một công an viên kiêm thôn đội trưởng.

ĐỒNG DAO

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_198016_thong-nhat-giam-478-thon-khoi-pho-tai-quang-nam.aspx