Thống nhất non sông, con gái mới biết cha mình hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngót 70 năm trước, để có được chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu', thực hiện trọn vẹn khát vọng hòa bình, độc lập, tự do bằng ý chí tự lực, tự cường, dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng biết bao máu xương. Đằng sau kỳ tích xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,… đã có những sự hy sinh thầm lặng.

Hơn một lần hy sinh…

Chiều muộn một ngày tháng Tư lịch sử, phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới tuần, Báo Công an nhân dân hỏi đường tìm đến căn hộ cũ, dành cho đối tượng chính sách, rộng chỉ khoảng 50m2 nằm ở tầng trệt một chung cư trên đường Phạm Huy Thông, quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng.

Khi tôi đến nơi cũng là lúc bà Lê Thị Nga vừa trở về nhà sau cả ngày buôn bán ngoài chợ Bắc Mỹ An cách đó khoảng 6-7 cây số. “Cứ 4 giờ sáng thức dậy, 2 tiếng sau là o đã có mặt ở chợ. Trưa thì o về nhà, giao sạp hàng lại cho con cái trông coi dùm. Đến quá trưa, o quay lại đứng bán cho tới tan buổi chợ chiều. Ngó rứa mà công việc đã gắn bó với o cả mấy chục năm rồi, hôm ni cũng rứa đó con”, giọng rất thân tình, gần gũi, bà Nga cho biết.

Thống nhất non sông, bà Lê Thị Nga mới biết cha mình đã hy sinh từ 21 năm trước, trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm nay 76 tuổi nhưng người phụ nữ này đã có đến 62 năm tần tảo với chuyện mua gánh, bán bưng. Việc ở chợ riết rồi như một thói quen, chứ không đơn thuần chỉ là để mưu sinh, kiếm tiền nuôi sống cả nhà 6-7 miệng ăn như lúc đầu. “Còn sức thì còn lao động. Nhìn lên thì chẳng bằng ai mô, nhưng nhìn xuống, nhất là so với số bà con phải mua bán tạm bợ ngoài lề đường, vỉa hè, thì mình cũng đỡ hơn nhiều lắm con”, bà Nga bộc bạch và cho biết giờ bà là tiểu thương lớn tuổi nhất chợ.

Khi thấy tôi chú ý, muốn tìm hiểu về bằng Tổ quốc ghi công Liệt sĩ Lê Văn Thuật, hy sinh ngày 8/5/1954, treo trên vách tường cạnh bàn thờ, bà Nga bồi hồi, bao ký ức như ùa về. Gần nửa thế kỷ qua, ít ai biết rằng bà đã lặng lẽ chắp nối từng thông tin có liên quan đến người cha liệt sĩ của mình qua lời kể của những người thân. “Năm 27 tuổi, o mới biết về người cha ruột của mình. Và cũng đến lúc đó, mới biết ông đã hy sinh từ hơn 20 năm trước, khi o mới 6 tuổi”, bà bắt đầu kể về cha mình mà mắt đỏ hoe.

Tháng 11/1975, miền Trung đang trong mùa mưa bão. Bà Nga vẫn nhớ ngày hôm đó, bà đang phụ mẹ ngoài chợ Hàn (Đà Nẵng) thì có hai người đàn ông lạ hoắc, cùng mặc đồ bộ đội tìm đến. Hai người là anh em ruột. Người lớn tuổi hơn tên là Lê Văn Tri (1927 - 2021, là thân sinh của Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an - PV); người còn lại là Lê Văn Tương (1930 - 2022). Hai người tự giới thiệu đều là chú ruột của bà. “Lúc mới gặp o, cả chú Tri và chú Tương đều nói rằng, mặt của o rất giống ba của o. Năm đó, o đã lớn, có chồng với 5 mặt con nhưng hai chú đã chạy tới ôm ghì lấy o trong vòng tay như ôm một đứa trẻ vừa mới chập chững bước những bước đi đầu tiên”, bà Nga nhớ lại.

Bằng Tổ quốc ghi công Liệt sĩ Lê Văn Thuật, hy sinh ngày 8/5/1954 khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chưa kịp hiểu đầy đủ hết câu chuyện nhưng thấy hai chú và mẹ mình nghẹn ngào, bà Nga chỉ biết khóc theo. Những người quanh đó chẳng hiểu chuyện gì xảy ra với gia đình bà. Lúc về đến nhà, ông Tri và ông Tương kể đầu đuôi chuyện để cháu gái mình hình dung.

Theo lời bà Nga, cụ Lê Văn Thuật sinh năm 1922, là người làng Truông Cầu, nay thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà có 4 anh chị em, cụ Thuật là anh cả. Thời gian hoạt động cách mạng (với nhiệm vụ bí mật là tuyên truyền vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân yêu nước vào hàng ngũ chống thực dân, phong kiến, góp phần giải phóng dân tộc) ở làng Vinh Hiền - nay là xã thuộc huyện Phú Lộc, cách TP Huế khoảng 40 km về phía đông nam, thì chàng trai Lê Văn Thuật mới quen biết cô gái nhỏ tuổi hơn gần cả con giáp, tên Trương Thị Uyển, tức mẹ bà Nga.

“Hồi nớ, mạ của o trắng trẻo, xinh đẹp lắm và được xem là hoa khôi của làng, lại là con của một chủ lò sấy tôm, từng có nhiều đóng góp cho phong trào, cán bộ Việt Minh. Khi mạ gặp ba chẳng bao lâu, có lẽ do cùng lý tưởng cách mạng nên hai người yêu nhau. Theo lời kể của chú Tri, thời nớ, do địch thường xuyên lùng sục, tìm cách bắt bớ những người hoạt động cho Việt Minh như ba của o nên đám cưới của ba với mạ của o được tổ chức trong một ngôi chùa. Cưới xong chỉ 3 ngày, ba của o lại phải xa nhà. Thương chồng, mạ của o bịn rịn nhưng được động viên, bà úp mặt vào vai chồng, nước mắt ràn rụa mong đến ngày sum họp”, bà Nga kể. Từ ngày hôm đó cho tới khi bà Nga chào đời (1948), rồi lớn được 10 tuổi, bà Uyển gần như không có thông tin gì về chồng mình. Hy vọng ngày ông về thăm hai mẹ con đã không thành hiện thực.

Khoảng gần năm 1960, khi rời nhà ngoại để vào Đà Nẵng sống cùng với mẹ trong căn nhà nhỏ vách ván, mái tôn gần chùa Tân Hòa (nay thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu), bà Nga vẫn chưa hề biết được chuyện gì về cha ruột của mình. Ngoài giờ phụ mẹ buôn bán ở chợ Hàn, bà được giao trông em.

Cho đến ngày hai chú tìm gặp và kể thêm đầu đuôi câu chuyện, bà Nga mới biết, ba đứa em mà bà trông giữ lâu nay đều là cùng mẹ khác cha với bà; còn người đàn ông gầy gầy hàng ngày lưng áo đẫm mồ hôi chạy xích lô đạp mà bà gọi là “ba” chỉ là cha dượng.

Cũng trong ngày hai người chú tìm gặp đứa cháu ruột rà của mình sau bao nhiêu năm lưu lạc, bà Nga mới được thông tin ông Thuật đã hy sinh khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ hơn 20 năm trước đó. “O nghe mà chẳng muốn tin vào tai mình con ơi. Vừa vui khi biết thông tin về cha, còn chưa kịp nghĩ đến ngày cả nhà đoàn tụ thì lại nhận được tin buồn. Lúc đó, o thấy nước mắt mẹ của o tuôn dài trên má. Khi đã hiểu ra mọi chuyện, o càng thấy thương mạ nhiều hơn…”, bà Nga bộc bạch.

Trước lúc về lại Huế, ông Tri chuyển cho cháu ruột mình tấm ảnh đen trắng, người đàn ông trong ảnh đội nón vải. “Chú Tri nói đấy là ba của o. Khoảng tháng 2/1948, lúc hai anh em ngược đường hành quân - ba của o thì đi ra Bắc, còn chú lại ngược vào trong miền Nam, ba đã đưa cho chú tấm ảnh ni. Mấy chục năm sau đó, tham gia chiến đấu trong làn mưa bom, bão đạn, nhiều lúc đối mặt với cái chết nhưng chú Tri khư khư giữ lấy tấm hình của anh trai mình. Chú còn kể, hôm đó, ba của o còn ghi vội dòng địa chỉ và căn dặn chú nếu có thể, ghé Vinh Hiền tìm người chị dâu… Và ngày chú tìm gặp được mạ của o cũng là lúc mạ trở dạ, nhưng phải đến ngày thứ ba thì o mới lọt lòng”, bà Nga kể tiếp.

Di ảnh Liệt sĩ Lê Văn Thuật được người em trai Lê Văn Tri giữ trong mình hơn 20 năm, đến sau ngày giải phóng chuyển lại cho người cháu gái là bà Lê Thị Nga.

Sau ngày con gái biết được chuyện về ba ruột mình, bà Uyển mới có những phút riêng tư, kể thêm chuyện để con hiểu. Trong một lần công tác về Vinh Hiền, ông Thuật định ghé nhà để thăm vợ và nhìn mặt con gái. Nhưng đêm đó, mới về tới đầu làng thì nghe bọn Tây đang tiến hành càn quét nên ông phải tìm cách rút lui an toàn. Sau lần đó, bà Uyển chẳng có thông tin gì về chồng mình. Dẫu vậy, bà vẫn một mực chờ thêm cả chục năm sau…

Tiếp bước con đường cha ông đã chọn

Trong 10 năm qua, khi mẹ của bà không còn (bà Uyển mất năm 2014 - PV), hai người chú là ông Tri, ông Tương và cô Lê Thị Sừng cũng lần lượt theo ông theo bà, câu chuyện về người cha ruột - Liệt sĩ Lê Văn Thuật, như bị đóng khung lại đó. Bà Nga cho biết một phần là do từ sau ngày giải phóng, bà cùng gia đình luôn quần quật với chuyện mưu sinh. Ngay cả mộ phần của cụ Thuật, cho đến những năm sau này bà mới sắp xếp, tổ chức đi tìm.

“Năm 2007, o cùng với vợ chồng cậu Hùng (tức Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, khi đó là Chánh Văn phòng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế - PV) ra Hà Nội rồi đi lên Điện Biên. Lần đầu tiên đặt chân đến nơi ba mình đã từng chiến đấu, rồi hy sinh cùng biết bao đồng đội; giây phút chiến trường tạm lắng tiếng súng, chắc ba cũng nhớ vợ, nhớ con mình… miên man, mường tượng vậy, o chỉ biết khóc”, bà Nga kể. Bà lần lượt vào 3 Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia, trong đó có Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập - nơi yên nghỉ của hơn 2.400 Liệt sĩ, để thắp nhang tri ân trước anh linh các Anh hùng Liệt sĩ.

Phóng viên Chuyên đề ANTG trò chuyện với bà Lê Thị Nga, sinh năm 1948, con gái duy nhất của Liệt sĩ Lê Văn Thuật, hy sinh ngày 8/5/1954 khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lần tìm trong hàng nghìn ngôi mộ Liệt sĩ vô danh, bằng cả phương pháp tâm linh, cuộc tìm kiếm cũng kết thúc sau hơn một năm trời. Cả gia tộc bà Nga như vỡ òa cảm xúc khi tìm được nơi cụ Thuật yên nghỉ trong Nghĩa trang Độc Lập. “Khi còn sống, chú Tri kể ông được đồng đội ba của o cho biết ngày 7/5/1954, ba bị thương ở Đồi A1 - cứ điểm quan trọng nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp, nên ông được đưa xuống khu vực đồng bằng. Đến ngày hôm sau thì ông hy sinh”, giọng bà Nga nghẹn ngào.

Chỉ biết cha mình qua câu chuyện kể ít ỏi, nhưng mấy chục năm qua, bà Nga cảm thấy cụ Thuật như luôn dõi theo, ủng hộ tinh thần cho con, cho cháu mình vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống. Cách nay khoảng 25 năm, bà đem tấm ảnh của cụ Thuật đi tìm mấy người thợ của làng đá mỹ nghệ Non Nước. Để nghệ nhân có thêm dữ liệu mà khắc, thổi hồn vào đá, bà mô tả thêm nét mặt ba mình, tất nhiên là theo lời kể từ người thân mà bà được nghe. Có thêm được bức chân dung người cha tạc vào đá để chưng lên bàn thờ, bà cảm thấy yên tâm, vui và ấm áp vô cùng. “Sáng mô cũng rứa, trước giờ ra chợ, việc đầu tiên của o là thắp nén hương thơm cho ba mình. Cả gia tộc vẫn rất tự hào về sự hy sinh vẻ vang của ông. O cùng các em, các con, các cháu,… nguyện trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn bước tiếp con đường mà ông đã chọn từ hơn 70 năm trước”, bà Nga bộc bạch.

Thái Bình

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/thong-nhat-non-song-con-gai-moi-biet-cha-minh-hy-sinh-trong-chien-dich-dien-bien-phu-i729860/