Thống nhất trên mặt trận cam go

Bất chấp 'lò nóng', bất chấp những khó khăn mà người dân và doanh nghiệp đang phải 'gồng gánh' trước tác động của đại dịch COVID-19, nhiều quan chức trong bộ máy, từ trung ương cho đến địa phương vẫn trắng trợn, cấu kết với doanh nghiệp để trục lợi thông qua các 'chuyến bay giải cứu'; thông qua các nghiên cứu khoa học, mua sắm kit test Việt Á.

Tham nhũng vốn là căn bệnh của quyền lực, "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, bất kỳ chế độ nào, quốc gia nào cũng có. Do đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xác định là công việc thường xuyên, liên tục, xuyên suốt từ nhiệm kỳ này, sang nhiệm kỳ khác, không được phép ngắt quãng, ngơi nghỉ. Tương tự, với đội ngũ cán bộ, để vượt qua lực hấp dẫn “vật chất”, mỗi người cần không ngừng tu thân, tự rèn luyện, tự đấu tranh với thói hư tật xấu. Nếu ai đó, tự ngừng, tự nghỉ, để lòng tham, lợi ích cá nhân trỗi dậy thì cũng là lúc họ sẽ sa ngã trước những cám dỗ vật chất, trước những “viên đạn bọc tiền”.

Tác giả Văn Kiên

Việc Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, với gần 81 nghìn đại biểu tham dự, được kết nối đến hơn 4.000 điểm cầu, không chỉ có ý nghĩa của sự tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, mà quan trọng hơn là tạo ra sự đồng lòng, thống nhất của cả hệ thống chính trị trên mặt trận cam go này. Trong 10 năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của người dân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Chỉ tính riêng qua công tác thanh tra, kiểm toán, các cơ quan chức năng đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất. Việc thu hồi tài sản tham nhũng ngày càng được coi trọng, trong đó riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng.

Cũng qua đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng cũng đã làm “lộ mặt” những cán bộ suy thoái về tư tưởng, đạo đức, tham ô, tham nhũng. Chỉ trong 10 năm qua, đã có hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Thử hỏi, nếu không quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì những cán bộ trên sẽ vẫn còn tham nhũng; tài sản trên sẽ rơi vào tay ai? Liệu tài sản công khi đó có bị phù phép trở thành tài sản cá nhân của những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất, tham ô, vụ lợi (?). Nếu điều đó xảy ra thì nhân dân sẽ được hưởng thụ gì từ thành quả phát triển của đất nước?

Chống tham nhũng giờ đây đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, việc phòng, chống không dễ dàng, khi tham nhũng có “bóng dáng” của sự cấu kết, móc ngoặc giữa cán bộ cấp cao với doanh nghiệp nhằm trục lợi.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thong-nhat-tren-mat-tran-cam-go-post1450059.tpo