Thông qua Luật Quy hoạch: Thay đổi tư duy quản lý Nhà nước

Dự án Luật Quy hoạch tại kỳ họp lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp, làm rõ nhiều vấn đề vướng mắc, quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn và có tính khả thi để thực hiện. Theo đó, 433/455 đại biểu 'ấn nút' biểu quyết thông qua, bằng 88,19%.

Sáng 24/11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch tại Quốc hội.

Báo cáo cho biết, ngày 25/10/2017, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường cho ý kiến về Dự án Luật Quy hoạch. Đa số các ý kiến đều tán thành với các nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật Quy hoạch, cho rằng dự thảo Luật trình tại kỳ họp lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp, làm rõ nhiều vấn đề vướng mắc, quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn và có tính khả thi để thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch, Cụ thể như, một số ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát đối chiếu các quy định hiện hành có liên quan để kịp thời điều chỉnh, tránh chồng chéo trong áp dụng và tổ chức thực hiện khi Luật này có hiệu lực.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiến hành rà soát các bộ luật, luật, pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch để nghiên cứu, sửa đổi: qua rà soát, có 08 luật được sửa đổi, bổ sung ngay tại Điều 57 của dự thảo Luật Quy hoạch với các quy định có nội dung đơn giản về kỹ thuật, không ảnh hưởng đến kết cấu của các luật đang điều chỉnh hoạt động quy hoạch, gồm: (1) Luật công nghệ thông tin, (2) Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, (3) Luật Tổ chức chính quyền địa phương, (4) Luật Thú y, (5) Luật Dự trữ quốc gia, (6) Luật Giáo dục nghề nghiệp, (7) Luật Tần số vô tuyến điện, (8) Luật Khám, chữa bệnh.

Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và Quy hoạch phát triển điện hạt nhân đang được quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử đã được bổ sung vào Danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành tại Phụ lục 2 (mục 24 và mục 25) và sẽ được tích hợp vào Quy hoạch tổng thể về năng lượng và Quy hoạch phát triển điện lực tại Phụ lục 1 (mục 7 và mục 8) về Danh mục các quy hoạch ngành quốc gia, do vậy, không cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Năng lượng nguyên tử. Ngoài ra, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, việc sửa đổi có tính chất kỹ thuật liên quan đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tại 13 luật, pháp lệnh được liệt kê tại khoản 9 Điều 57 và các văn bản quy phạm pháp luật khác được thay thế bằng quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.

Ngoài các luật, pháp lệnh được sửa ngay tại Điều 57, có 25 bộ luật và luật cần sửa đổi, bổ sung tại Phụ lục 3 với các điều, khoản cụ thể theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung này về cơ bản liên quan đến quy trình và thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh các loại quy hoạch đã được quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch. Vì vậy để bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch, giao Chính phủ rà soát, sửa đổi bổ sung các Bộ luật, luật này theo hướng dùng 1 Luật sửa nhiều luật và kiến nghị Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Khoản 5 Điều 59 của dự thảo Luật Quy hoạch giao Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các Luật thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 3 và các văn bản quy phạm pháp luật khác bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch và có hiệu lực chậm nhất là ngày 01/01/2019.

Mặt khác, một số ý kiến đề nghị không cần thiết phải ban hành Nghị quyết riêng về thi hành Luật Quy hoạch mà có thể quy định ngay tại điều khoản thi hành trường hợp cần phải thực hiện sớm một số quy định của Luật để bảo đảm tiến độ triển khai xây dựng các quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tiếp theo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, không ban hành Nghị quyết riêng về thi hành Luật Quy hoạch, đồng thời hoàn thiện Điều 58 và Điều 59 của Dự thảo Luật Quy hoạch, trong đó Khoản 2 Điều 58 cho phép các quy định về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh của Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2018 để có thời gian cho Chính phủ chuẩn bị thực hiện luật. Chính phủ bảo đảm việc cân đối và bố trí nguồn vốn để lập các quy hoạch này theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật Quy hoạch trình Quốc hội thông qua được tiếp thu, chỉnh lý bao gồm 6 Chương, 59 Điều và 03 Phụ lục. Ngoài các nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát tiếp thu, chỉnh lý về kỹ thuật văn bản, sắp xếp lại các nội dung cho phù hợp hơn.

Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch. Quốc hội tiến hành “ấn nút” biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch, với 455 địa biểu tham gia, bằng 92,67% có 433/455 đại biểu tán thành, bằng 88, 19%, ngoài ra có 19 đại biểu không tán thành bằng 3,87%, và 03 đại biểu không biểu quyết, bằng 0,61%. Như vậy Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch.

Khắc Lãng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thong-qua-luat-quy-hoach-thay-doi-tu-duy-quan-ly-nha-nuoc-120720.html