Thông qua năm dự án luật

Hôm qua, ngày 20-6, kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ 22. Buổi sáng, các đại biểu làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); thảo luận và nghe giải trình ý kiến của đại biểu QH về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua ba luật và một Nghị quyết.

Bảo đảm ngành thủy sản phát triển bền vững

Mở đầu phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật này với 454 đại biểu QH tán thành, bằng 92,46%. Tại phiên làm việc, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) với 458 đại biểu QH tán thành, bằng 93,28%.

Trong phần thảo luận về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), phần lớn đại biểu QH bày tỏ sự nhất trí với nội dung của dự án luật lần này. Các đại biểu Vương Văn Sáng (Lào Cai), Nguyễn Văn Man (Quảng Bình), Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cùng một số đại biểu khác tham gia tranh luận về vấn đề giao và cho thuê mặt nước biển. Theo đó, Ban soạn thảo cần cân nhắc không quy định cá nhân, tổ chức trong nước chuyển nhượng, cho thuê lại với tổ chức, cá nhân nước ngoài để tránh tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, cần bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương các cấp đối với các tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển. Cần nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế giao mặt nước biển cho tổ chức, cá nhân là người Việt Nam nhưng trong quá trình hoạt động sản xuất lại do các tổ chức, cá nhân nước ngoài "đứng sau" điều hành.

Về vấn đề thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) và một số đại biểu khác nêu rõ, thời gian qua, lực lượng kiểm ngư trên biển còn thưa thớt, lực lượng thanh tra chuyên ngành hoạt động chưa hiệu quả vì thiếu kinh phí, giới hạn về quyền hạn, phương tiện cũ kỹ, lạc hậu. Vì vậy, cần có lực lượng kiểm ngư thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và phối hợp các lực lượng khác hỗ trợ ngư dân. Cần thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh, ở một số tỉnh có biển và một số tỉnh biên giới có sông lớn chảy qua, có nguồn lợi thủy sản phong phú để bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thành lập ồ ạt các chi cục kiểm ngư cấp tỉnh, đầu tư mua sắm trang thiết bị nhưng không đủ năng lực, không đủ kinh phí gây lãng phí, Chính phủ cần phân cấp cho UBND cấp tỉnh chỉ thành lập lực lượng kiểm ngư theo phương án không tăng biên chế và thành lập theo lộ trình, khi đáp ứng đủ điều kiện và thật sự cần thiết. Khi đã thành lập, địa phương phải bảo đảm điều kiện cho lực lượng kiểm ngư hoạt động. Đối với các tỉnh chưa thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh thì kiểm ngư vùng sẽ hỗ trợ để bảo đảm tính liên tục. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu QH cho rằng, nên tiếp tục duy trì lực lượng kiểm ngư T.Ư như hiện nay, không thành lập thêm hệ thống kiểm ngư cấp tỉnh nhưng sẽ có chính sách tăng cường nguồn lực, chế độ cho thanh tra chuyên ngành thủy sản.

Một nội dung được nhiều đại biểu QH thảo luận là việc thành lập quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) và một số đại biểu khác cho rằng, không nên thành lập quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, cần có chính sách quy định khuyến khích thành lập và phát triển quỹ cộng đồng. Hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản gắn liền với địa phương, cộng đồng dân cư cho nên việc hình thành quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cần dựa vào địa phương, cộng đồng. Thực tế, một số địa phương đã hình thành quỹ cộng đồng gắn với mô hình đồng quản lý. Để quỹ hoạt động tốt gắn với mô hình đồng quản lý, cần quy định cụ thể về mô hình, hình thức hoạt động của quỹ ngay trong dự thảo luật.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu QH; nêu rõ, bên cạnh lực lượng kiểm ngư T.Ư, 28 tỉnh, thành phố ven biển cần từng bước thành lập lực lượng kiểm ngư, nhằm hướng tới một ngành ngư nghiệp phát triển.

Biểu quyết thông qua ba luật và một Nghị quyết

Buổi chiều, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Phó Tổng Thư ký QH Hoàng Thanh Tùng trình bày dự án Nghị quyết thi hành Bộ luật Hình sự, QH đã biểu quyết thông qua Luật, với 434 đại biểu tán thành, chiếm 88,39% tổng số đại biểu QH; biểu quyết thông qua Nghị quyết thi hành Bộ luật Hình sự, với 439 đại biểu tán thành, chiếm 89,41%.

Trong chiều qua, QH đã biểu quyết thông qua Luật Cảnh vệ và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó, Luật Cảnh vệ với sáu chương và 33 điều đã được biểu quyết thông qua với 455 đại biểu tán thành, chiếm 92,67%; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được biểu quyết thông qua với 457 đại biểu tán thành, chiếm 93,08% tổng số đại biểu QH.

Trong dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) chỉ tập trung nội dung chính cho thủy sản biển, trong khi thủy sản sông chưa được đề cập cụ thể, còn chung chung, không rõ ràng, chưa thấy rõ tầm quan trọng của thủy sản sông có liên quan đời sống hằng ngày của người dân miền sông nước. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để có bổ sung phù hợp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) có quy định tám điều kiện để cấp phép cho tàu cá nước ngoài khai thác thủy sản ở vùng biển Việt Nam. Tôi đề nghị bổ sung thêm điều kiện, phải cam kết tuân thủ luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Quy định thêm điều này sẽ chặt chẽ hơn và là cơ sở pháp lý để chúng ta có thể không cấp lại giấy phép khai thác khi đã vi phạm quy định.

Đại biểu Trần Ngọc Khánh (Khánh Hòa)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33219802-thong-qua-nam-du-an-luat.html