Thông thạo tiếng Lào để hoàn thành tốt nhiệm vụ

Nghệ An là tỉnh có đường biên giới dài 468,281km, tiếp giáp với 3 tỉnh là Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bô ly khăm xay (Lào). Để thuận lợi trong công tác và giao tiếp, cũng như phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng chức năng hai bên biên giới Việt - Lào, UBND tỉnh Nghệ An đã mở lớp dạy học tiếng Lào cho cán bộ các sở, ban, ngành và các đơn vị trên địa bàn thành phố Vinh.

Việc nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Lào sẽ giúp BĐBP Nghệ An làm tốt công tác đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân hai bên biên giới. Ảnh: Hải Thượng

Trong giai đoạn hiện nay, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định, chú trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ với các đối tác lớn, đối tác quan trọng. Đây là một hướng ưu tiên hàng đầu trong hoạt động đối ngoại, nhằm tạo lập môi trường hòa bình, ổn định chung quanh đất nước. Vì vậy, việc nâng cao trình độ ngoại ngữ nói chung và trình độ tiếng Lào nói riêng cho cán bộ tỉnh nhà là một nội dung rất cần thiết đối với BĐBP và các đơn vị làm nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới.

Lớp học tiếng Lào đã được khai giảng trung tuần tháng 6 năm 2018. Đều đặn mỗi tuần 3 buổi, cán bộ, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Vinh sắp xếp công việc hợp lý để tham gia lớp học tiếng Lào. Lớp học có 86 học viên, trong đó có 35 cán bộ thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và 51 học viên là BĐBP. Giáo viên giảng dạy là người Lào đã có nhiều năm học tập và làm việc tại Nghệ An. Đại úy Ngô Văn Thiện, cán bộ Phòng Chính trị, BĐBP Nghệ An nói: “Lớp học tiếng Lào rất quan trọng và cần thiết đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Chính vì vậy, chúng tôi học để giao tiếp được với các bạn Lào, đặc biệt là với người dân ở các cụm bản sát biên giới. Thông thạo ngôn ngữ giúp BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, tăng cường giao lưu, trao đổi tình hình với các lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn. Trong quá trình học tập, chúng tôi cố gắng nghiên cứu, học hỏi để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Lớp học tiếng Lào kéo dài trong 3 tháng, giúp học viên viết, đọc, nghe, hiểu và giao tiếp được bằng tiếng Lào. Đồng thời, lớp học cũng trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan tỉnh Nghệ An về kỹ năng giao tiếp với cán bộ, nhân dân Lào khi trao đổi công việc. Anh Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết: Làm công việc tại khu di tích đặc biệt quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc biết tiếng Lào có ý nghĩa rất quan trọng, bởi tỉnh Nghệ An có đường biên dài tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào. Trong quá trình công tác, có những vấn đề cần trao đổi về du lịch, lịch sử truyền thống, giao thương, trao đổi hàng hóa, thông tin giữa hai bên, biết tiếng Lào sẽ hết sức thuận lợi.

Học viên chăm chỉ, quyết tâm cao làm cho thầy giáo đứng lớp cũng thêm phần hứng khởi trong mỗi bài giảng của mình. Thạc sĩ Xi-vô-nê Ruê-vai- bun-tha-vi, nghiên cứu sinh Trường Đại học Vinh (Nghệ An), người đứng lớp dạy tiếng Lào bày tỏ: “Được dạy tiếng Lào cho cán bộ của các cơ quan, ban, ngành tỉnh Nghệ An là một niềm vui lớn của tôi. Với mong muốn giúp cho các học viên có thể học nhanh, giao tiếp được với người Lào, tôi luôn cố gắng chuẩn bị giáo án thật tốt khi lên lớp, giúp học viên nắm bắt nhanh nhất để đọc thông, viết thạo tiếng Lào”.

Ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá: Đến nay, sau 3 tháng học tập, các học viên đã nắm được những kiến thức cơ bản về kỹ năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Lào. Qua đó, người học cũng đã hiểu rõ hơn về phong tục tập quán, con người và truyền thống văn hóa của đất nước Lào tươi đẹp. Ban tổ chức đã duy trì thực hiện nghiêm túc quy chế, quy định của lớp học; quản lý tốt các học viên, nội dung, chương trình khóa học theo kế hoạch. Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả khóa học nghiêm túc, chặt chẽ và cấp giấy chứng nhận cho các học viên lớp học tiếng Lào.

Phát huy kết quả lớp học, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã triển khai 2 lớp học tiếng Lào cho cán bộ, chiến sĩ và các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Đây là điều kiện để cán bộ, chiến sĩ nâng cao khả năng giao tiếp với cán bộ, nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới của Lào. Qua đó, góp phần làm tốt công tác đối ngoại biên phòng cũng như phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới.

Hải Thượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thong-thao-tieng-lao-de-hoan-thanh-tot-nhiem-vu/