Thông tin báo chí phải tạo đồng thuận xã hội để phát triển đất nước bền vững hơn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2019 tổ chức ở Hải Phòng ngày 28/12/2019, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, yêu cầu: Năm 2020, phải tạo dòng thông tin chủ lưu chính thống, lành mạnh, tạo đồng thuận xã hội để phát triển đất nước với những thành tựu cao hơn, bền vững hơn năm 2019.

Chính phủ đề cao vai trò của báo chí

Báo cáo về công tác báo chí năm 2019 của Hội Nhà báo Việt Nam cho thấy, thực hiện quy hoạch báo chí, trong 11 tháng đầu năm, cả nước đã giảm được 18 cơ quan báo chí so với năm 2018. Tính đến 30/11/2019, cả nước có 850 cơ quan báo chí, với 179 báo và 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình. Hiện cả nước có 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí (gồm 4 loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình), trong đó có 20.407 người đã được cấp thẻ nhà báo.

Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo hội nghị

Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo hội nghị

Hoạt động báo chí năm 2019 đã phản ánh đậm nét, trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng về đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Nội dung thông tin phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội cao, tập trung vào các vấn đề lớn, quan trọng của đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ chủ quyền biển đảo… đáp ứng kịp thời nhu cầu tiếp nhận thông tin của xã hội.

Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng bài báo, trang báo, chương trình, kênh, tạo ra các tác phẩm báo chí có giá trị, có tác động xã hội lớn, đạt hiệu quả cao về thông tin tuyên truyền.

Tuy nhiên, hoạt động của báo chí vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm. Trong đó, một số cơ quan báo chí đưa thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích theo giấy phép, nhất là các tạp chí điện tử. Tình trạng thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân vẫn xảy ra. Báo chí đưa tin bài thiếu thận trọng, nhạy cảm về chính trị, đưa nhiều thông tin mặt trái của xã hội, giật tít phản cảm, câu view, gây hiểu nhầm, thông tin thiếu chính xác, thiếu tính giáo dục… vẫn xảy ra, mặc dù đã được các cơ quan quản lý báo chí nhắc nhở, định hướng thường xuyên. Tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử còn diễn biến phức tạp. Trong năm 2019, đã có 29 cơ quan báo chí bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính liên quan đến thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năm 2019 tất cả 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước đều đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra. Chất lượng tăng trưởng kinh tế ngày càng cao, các lĩnh vực kinh tế, xã hội đều tiến bộ, hình ảnh đất nước, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao, người dân tin tưởng và phấn khỏi… Có được những thành tựu đó có sự đóng góp rất quan trọng của báo chí.

Phó Thủ tướng chia sẻ: Báo chí đã không chỉ phản ánh, tuyên truyền, phổ biến thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… tới người dân, mà còn là diễn đàn phản ánh những ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng, ý kiến phản biện của nhân dân với Đảng, Chính phủ… Qua đó, Chính phủ đã lắng nghe và chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện tốt hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, định hình xây dựng chính sách mới tốt hơn.

Báo chí cũng đã nêu gương các điển hình tiên tiến, cách làm hay trong bộ máy chính quyền và xã hội, gián tiếp hoặc trực tiếp tham gia đấu tranh chóng tiêu cực, phê phán những cách làm không phù hợp. Chính phủ biểu dương và cảm ơn sự đóng góp hết sức quý báu của đội ngũ báo chí cả nước đã đóng góp vào những thành tự phát triển chung của đất nước.

Liên quan đến hoạt động của báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn chỉ ra, không ít cơ quan chủ quản báo chí là các bộ, ngành, địa phương… ở một số nơi, một số cơ quan chưa thực sự phát huy vai trò của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo, cung cấp thông tin cho báo chí cũng như dành nguồn lực cho báo chí hoạt động, đặc biệt là giúp báo chí thực hiện tốt hơn vai trò là diễn đàn, tiếng nói của nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng, hoạt động của báo chí cũng đang đứng trước nhiều cơ hội, song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có thách thức về nguồn lực tài chính để hoạt động, thách thức cạnh tranh phát triển, thách thức về thực hiện quy hoạch theo hướng tinh, gọn hơn. Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ sẽ bằng hành động cụ thể tiếp tục đề cao vai trò của báo chí trong thực hiện diễn đàn tiếng nói của nhân dân, tiếp nhận những ý kiến từ nhân dân thông qua báo chí. Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan chủ quản báo chí trong hệ thống hành chính nhà nước không chỉ cần dành sự quan tâm, lãnh đạo về thời gian nhiều hơn, mà còn cần dành cả nguồn lực cho báo chí hoạt động hiệu quả. Trong đó có nguồn lực tài chính để cho báo chí tuyên truyền, phổ biến, động viên người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành, địa phương mình.

“Chính phủ hết sức chia sẻ những thách thức với báo giới. Chính phủ sẽ chỉ đạo tất cả các cơ quan hành chính trong bộ máy nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho báo chí hoạt động đúng pháp luật, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác cho báo chí chuyển tải. Tuy nhiên, Chính phủ cũng mong muốn, thông tin báo chí phải là luồng chính thống, trung thực, khách quan, có định hướng, nhanh nhạy, hình thức phải phù hợp với đòi hỏi nhu cầu tiếp nhận thông tin của người dân, thích ứng với hoàn cảnh mới” - Phó Thủ tướng phát biểu.

Định hướng chủ động, kịp thời, chính xác

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giao trung ương cho rằng, năm 2020, đất nước có nhiều cơ hội phát triển mới, nhưng cũng đan xen rất nhiều thách thức, đòi hỏi những người làm báo cách mạng Việt Nam phải nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm công dân để góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự phát triển của đất nước. Để báo chí hoàn thành tốt sứ mệnh, đồng chí Võ Văn Thưởng chỉ đạo: Tiếp tục kiên trì chỉ đạo báo chí định hướng thông tin theo phương châm chủ động, kịp thời, chính xác, giữ vững kỷ luật kỷ cương, thực hiện nghiêm một đầu mối trong chỉ đạo thông tin. Phải tạo dòng thông tin báo chí lành mạnh, tiến bộ, chính thống, qua đó tạo niềm tin, không khí phấn khởi, tạo động lực trong toàn Đảng, toàn dân để phấn đấu đạt những kết quả phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng… của đất nước cao hơn, bền vững hơn so với năm 2019.

Báo chí cần đẩy mạnh thông tin các sự kiện lớn, các thành tựu phát triển và các vấn đề quan trọng của đất nước. Các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí, cơ quan báo chí cần phải đề cao công tác thông tin tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Làm rõ các thành tựu phát triển mà các ngành, địa phương đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng. Báo chí cần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách thuyết phục. Thông tin báo chí chuyển tải chống tiêu cực, tham nhũng… cần phải khách quan, toàn diện, chính xác, có tính xây dựng, lấy xây để chống.

Các cơ quan quản lý và cơ quan báo chí phải thực hiện nghiêm qui hoạch báo chí đến 2025 đã được phê duyệt. Rà soát các quy định pháp luật không còn phù hợp đối với thực tiễn phát triển và quản lý báo chí để sửa đổi, bổ sung kịp thời. Cơ quan báo chí, cơ quan nhà nước liên quan nếu chần chừ, níu kéo… làm chậm trễ thực hiện qui hoạch báo chí là vi phạm kỷ luật của Đảng. Đồng thời, khắc phục tình trạng “báo hóa” tạp chí (nhất là các tạp chí điện tử), vì đây thực chất là hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí, nhưng đến nay việc xử lý vẫn còn chưa được nghiêm túc, triệt để.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng yêu cầu phải tăng cường xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí, đề cao giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ những người làm báo; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với báo chí; xây dựng cơ quan đảng trong cơ quan báo chí thực sự trong sạch, vững mạnh, giữ nghiêm kỷ luật đảng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong đội ngũ những người làm báo.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam các cấp, cả về nâng cao nghiệp vụ chuyên môn lẫn giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho hội viên.

Các cơ quan Đảng, nhà nước các cấp từ trung ương đến địa phương, cần phải cung cấp thông tin cho báo chí một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác, đúng pháp luật, tránh để các cơ quan báo chí tự phải mày mò tìm tòi thông tin từ các nguồn thiếu kiểm chứng, nhất là đối với các vấn đề dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thong-tin-bao-chi-phai-tao-dong-thuan-xa-hoi-de-phat-trien-dat-nuoc-ben-vung-hon-130778.html