Thông tin đầy đủ nhất về vắc xin mới ComBe Five thay thế Quinvaxem

Vắc xin ComBe Five có tác dụng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.

Nguồn gốc vắc xin ComBe Five

Vắc xin ComBe Five.

Vắc xin ComBe Five do công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất, vắc xin đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 2012. Tính tới nay hơn 400 triệu liều vắc xin ComBe Five đã được sử dụng ở 43 quốc gia. Vắc xin ComBe Five đã được thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam và được chứng minh là an toàn. Vắc xin đã được bộ Y tế cấp phép lưu hành tháng 5/2017.

Vắc xin ComBe Five là vắc xin phối hợp có thành phần tương tự như vắc xin Quinvaxem gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, giải độc tố vi khuẩn uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt (toàn tế bào), kháng nguyên bề mặt vi rút viêm gan B và kháng nguyên vỏ vi khuẩn Hib.

Vắc xin có tác dụng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib giống như vắc xin Quinvaxem.

Vắc xin ComBe Five có thành phần ho gà toàn tế bào vì vậy tính an toàn và hiệu quả của vắc xin ComBe Five tương tự như các vắc xin DPT-VGB-Hib có thành phần ho gà toàn tế bào và tương tự như vắc xin Quinvaxem.

Vắc xin ComBe Five phòng bệnh gì?

Vắc xin ComBe Five có hiệu quả phòng 5 bệnh (gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib), có thành phần và dạng trình bày tương tự như Quinvaxem (đóng gói 1 liều/lọ). Vắc xin ComBe Five đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO và đã được sử dụng hơn 400 triệu liều tại hơn 43 quốc gia. Cụ thể, cung ứng qua UNICEF (giai đoạn 2013-2017) là 337 triệu liều để sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng ở các nước. Riêng tại Ấn Độ (nước sở tại), từ năm 2011 đến nay đã có khoảng 130 triệu liều được sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và hơn 1 triệu liều cho tiêm chủng dịch vụ.

Tại Việt Nam, trước khi triển khai trên toàn quốc, dự án Tiêm chủng mở rộng sẽ sử dụng vắc xin ComBe Five tại 4 tỉnh, gồm: Hà Nam, Bình Định, Kon Tum, Đồng Tháp. Kết quả sử dụng vắc xin ComBe Five thực địa tại 4 huyện của tỉnh Hà Nam năm 2016 đã không ghi nhận bất cứ ca phản ứng nghiêm trọng nào xảy ra sau tiêm, chỉ ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm như đau tại chỗ tiêm, quầng đỏ (tỷ lệ từ 5 đến 15%), sốt (chiếm 34-39%).

Lịch tiêm vắc xin ComBe Five

Vắc xin ComBe Five dùng trong Tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi.

Lịch tiêm vắc xin ComBe Five trong Tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: Bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.

Không tiêm ComBe Five trong trường hợp nào?

Không tiêm vắc xin ComBe Five cho trẻ nếu tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước hoặc có phản ứng mạnh đối với vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) hoặc vắc xin viêm gan B, như: Sốt cao trên 39 độ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin, sốc trong vòng 48 giờ sau tiêm, khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm, co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm. Ngoài ra, hoãn tiêm ComBe Five nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.

Tại sao vắc xin Quinvaxem bị thay thế bởi vắc xin ComBe Five

Vắc xin Quinvaxem được sử dụng tại Việt Nam từ tháng 6/2010 đến nay với khoảng 41 triệu liều trong chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi, giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, hiện nay, nhà sản xuất loại vắc xin này là công ty Berna Biotech (Hàn Quốc) đã ngừng sản xuất Quinvaxem nên bộ Y tế phải có kế hoạch chuyển sang sử dụng vắc xin khác. Qua xem xét, trên thế giới hiện có 6 loại vắc xin phối hợp “5 trong 1” có thành phần tương tự và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thẩm định về tiêu chuẩn chất lượng.

Tuy nhiên, ngoài Quinvaxem đã ngừng sản xuất, 4 loại vắc xin khác là: Eupenta của Hàn Quốc; DPT-HepB-Hib của Ấn Độ; Easy Five-TT của Ấn Độ và San-5 của Ấn Độ đều không đăng ký cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Hiện có duy nhất vắc xin ComBe Five đã đạt thẩm định của WHO và vừa có trong hệ thống phân phối của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), được bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ tháng 5/2017.

Phong Linh (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thong-tin-day-du-nhat-ve-vac-xin-moi-combe-five-thay-the-quinvaxem-a413843.html