Thông tin gây bức xúc trong vụ máy bay chở 189 người rơi xuống biển ngày 29/10

Vụ máy bay Boeing chở 189 hành khách rơi tại vùng biển Indonesia sau 13 phút cất cánh đã thực sự khiến người dân nước này bức xúc. Đặc biệt, trong quá trình tìm kiếm, điều tra, vụ việc này càng khiến người thân nạn nhân phẫn nộ.

1. Tranh cãi chuyện hộp đen hư hại nặng nề

Ông Haryo Satmiko, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia nói với Reuters: "Chúng tôi vẫn chưa tải được dữ liệu từ hộp đen vì có một số bộ phận bị vỡ nát". Được biết, chiếc hộp đen này được tìm kiếm vào chiều 1/11.

Một bộ phận của hộp đen bị vỡ nát gây khó khăn trong quá trình điều tra.

Một bộ phận của hộp đen bị vỡ nát gây khó khăn trong quá trình điều tra.

Theo các chuyên gia ngành hàng không chia sẻ, việc chiếc hộp đen bị hỏng nặng sẽ khiến các nhà điều tra gặp thêm nhiều khó khăn trong việc tìm ra nguyên nhân thảm kịch. Satimiko cho biết nhà chức trách Indonesia đang chờ lời khuyên từ các chuyên gia của Mỹ hoặc hãng Boeing về cách xử lý chiếc hộp đen.

Việc chiếc hộp đen bị vỡ nát đã khiến nhiều người thân của nạn nhân rất bức xúc. Ở các vụ tai nạn máy bay khác, việc tìm ra được hộp đen có nghĩa là quá trình điều tra sẽ vô cùng thuận lợi. Nhưng vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX8 này lại hỏng hộp đen trầm trọng. Sự việc này hoàn toàn không được bình thường với người nhà của nạn nhân.

2. Thợ lặn thiệt mạng trong quá trình tìm kiếm

Ngày 2/11 trong quá trình tìm kiếm các thi thể từ vụ tai nạn máy bay Lion Air, một thợ lặn đã thiệt mạng. Được biết, nạn nhân được xác định là Syachrul Anto, 48 tuổi, thành viên của đội thợ lặn đang thu thập thi thể hành khách và mảnh vỡ của chiếc máy bay dưới đáy biển Java. Cái chết của thợ lặn này vẫn chưa được kết luận chính thức nhưng được cho là có liên quan đến việc giảm áp suất.

Thợ lặn bị tử nạn trong quá trình làm nhiệm vụ.

Lãnh đạo lực lượng cứu nạn của Hải quân Indonesia xác nhận Anto là một tình nguyện viên của lực lượng. Người đứng đầu cơ quan tìm kiếm cứu nạn Muhammad Syaugi chia sẻ trong buổi họp báo ngày 3/11: “Anh ấy được tìm thấy trong tình trạng đã ngất đi. Sau khi được các bác sĩ chăm sóc, anh ấy đã tỉnh lại, chúng tôi đưa anh ấy tới buồng giải nén. Chúng tôi có tất cả thiết bị nhưng không thể cứu được anh ấy”.

Thông tin này cũng gây ra nhiều áp lực với lực lượng tìm kiếm vì trong quá trình này họ gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Những tin tức này phần nào khiến người nhà càng thêm nghi ngại vào việc chậm trễ trong việc tìm kiếm các nạn nhân xấu số.

3. 73 thi thể được tìm thấy nhưng chỉ 4 nạn nhân được xác định danh tính

Đã có ít nhất 73 thi thể đã được tìm đưa lên khỏi mặt nước nhưng mới chỉ 4 nạn nhân được xác định danh tính. Tính đến ngày 3/11, 73 thi thể đã được đựng vào túi và được chuyển tới bệnh viện, các chuyên gia pháp y mới nhận dạng được 4 nạn nhân, chủ yếu nhờ dấu vân tay, dấu vết sinh trắc học và vật dụng trên người họ.

Người thân bức xúc vì quá trình tìm kiếm nạn nhân chậm chạp.

Như vậy vẫn còn hơn 100 nạn nhân của chuyến bay chưa được tìm thấy. Đây chính là nỗi bức xúc của thân nhân đang chờ đợi ở các bệnh viện. Bởi theo Hồi giáo, tôn giáo lớn nhất ở Indonesia, thi thể người chết là thiêng liêng và phải được tắm rửa, chôn cất càng sớm càng tốt, điều bất khả thi đối với những phần thi thể tìm được dưới biển.

Mới đây, cơ quan chức năng sẽ ra tăng thêm 3 ngày để tìm kiếm các nạn nhân lẫn hộp đen thứ 2 của chiếc máy bay Boeing 373 MAX8 rơi vào sáng 29/10.

Hành trình chuyến bay JT-610 của Lion Air đang hướng đến Pangkal Pinang, một hòn đảo phía bắc Thủ đô của Indonesia thì mất liên lạc với kiểm soát không khí vào lúc 6h33 sáng giờ địa phương chỉ 13 phút sau khi cất cánh.

Trước khi xảy ra tai nạn, máy bay Boeing 737 MAX 8 đã xảy ra sự cố vào đêm 28/10, sau đó đã được sửa chữa. Phi công cũng phát hiện ra nhiều lỗi khi thực hiện chuyến bay. Kíp bay đã ra tín hiệu xin trở lại căn cứ và liên tục tăng tốc nhưng không kịp.

Đỗ Quyên (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/bon-phuong/thong-tin-gay-buc-xuc-trong-vu-may-bay-cho-189-nguoi-roi-xuong-bien-ngay-29-10-20181105111045976.htm