Thông tin giá thành điện 'gánh' lỗ đầu tư ngoài ngành là không chính xác!

Ngày 21/5, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình điều chỉnh giá điện, trong đó khẳng định thời điểm điều chỉnh đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và không có việc giá điện 'gánh' các chi phí, các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Thông tin này được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tái khẳng định trong phiên thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội về báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội sáng 22/5

Thời điểm điều chỉnh đã được cân nhắc kỹ

Báo cáo của Chính phủ cho biết, từ tháng 11/2018, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về công tác điều hành giá điện năm 2019, theo đó chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, EVN xây dựng các phương án điều chỉnh giá điện vào thời điểm phù hợp trong năm 2019.

Báo cáo của Chính phủ: Số dư tiền gửi ngân hàng 42.798 tỷ đồng của EVN là số liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất toàn EVN và là tổng số tiền gửi ngân hàng tại 253 đơn vị thành viên cấp 2 và cấp 3 thuộc Tập đoàn để phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng (Ảnh minh họa)

Báo cáo của Chính phủ: Số dư tiền gửi ngân hàng 42.798 tỷ đồng của EVN là số liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất toàn EVN và là tổng số tiền gửi ngân hàng tại 253 đơn vị thành viên cấp 2 và cấp 3 thuộc Tập đoàn để phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng (Ảnh minh họa)

Cuối năm 2018 và tháng 1.2019, EVN đã 3 lần báo cáo Bộ Công Thương về phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2019. Tiếp đó, ngày 29/1/2019, Bộ Công Thương có báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án điều chỉnh giá điện năm 2019 với các phương án tăng giá 7,31%; 8,36% và 9,26%.

Trên cơ sở đó, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng về chủ trương điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2019 theo phương án tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và yêu cầu Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm thích hợp trong khoảng từ ngày 15/3 đến ngày 30/3 để thực hiện việc điều chỉnh.

Ngày 19.3, Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Thủ tướng về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019, trong đó đề nghị Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 lên 1.864,44 đồng/kWh, tăng 8,36% kể từ ngày 20/3 và đã được Thủ tướng đồng ý.

Về mức tăng giá, Báo cáo của Chính phủ cho biết, với các thông số đầu vào thì giá điện bình quân năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%.

Đặc biệt, phương án giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện (khoảng 3.266 tỉ đồng) vào năm 2019, nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện là 7.090,8 tỉ đồng, khi đó giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 9,26%. Tuy nhiên, để tránh tác động lớn đến chỉ số CPI và để ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng 8,36%.

Giá điện không bao gồm chi phí đầu tư ngoài ngành của EVN

Trước thông tin giá bán lẻ điện được tính toán bao gồm cả các chi phí, lỗ đầu tư ngoài nghành của EVN, Báo cáo của Chính phủ cho biết các khoản đầu tư ngoài ngành cơ bản đã được EVN thoái hết vốn nên không có các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành.

Cụ thể, EVN đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện với tổng giá trị vốn thoái vốn thành công theo mệnh giá thực hiện là 2.214 tỉ đồng, tổng giá trị vốn thu về 2.341 tỉ đồng, thặng dư vốn 127 tỉ đồng. Riêng khoản vốn đầu tư còn lại 7,5% vốn điều lệ tương ứng 187,5 tỉ đồng tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực đang kinh doanh có lợi nhuận và trả cổ tức hàng năm sẽ được EVN thực hiện thoái vốn trong năm 2019.

Các khoản chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và không bao gồm các khoản chi phí đầu tư ra ngoài nghành của EVN. Việc tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân đã được EVN, Bộ Công Thương thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định về việc xác định mức giá bán lẻ điện bình quân.

Báo cáo cũng cho hay, trước ý kiến của một số khách hàng thắc mắc về hóa đơn tiền điện tháng 4.2019 tăng cao, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động niêm yết công khai giá, công tác ghi chỉ số công tơ, công tác chốt chỉ số, tính tiền điện, thanh toán tiền điện. Kết quả cho thấy hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4 tăng là do 3 nguyên nhân: Sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3.

Trong phiên thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 sáng nay (22/5), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh – làm rõ thêm, điện là mặt hàng vật tư chiến lược, cân đối năng lượng điện là cân đối lớn của kinh tế vĩ mô, nên phải đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.

“Thường trực Chính phủ đã họp nhiều lần, chọn tăng 8,36% thay vì 9,26%” – Phó Thủ tướng nói và cho biết, theo đó, sản lượng điện bình quân 3 năm qua tăng 10,21%, trong khi GDP tăng 7%. Dự báo 2019, tổng công suất điện phải tăng 11,23% mới đảm bảo yêu cầu.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, theo quy định của Luật điện lực thì phải có chính sách hợp lý để thu hút nhà đầu tư, đảm bảo cân đối điện. Trong khi đó, sản lượng điện do EVN tự sản xuất đang giảm dần, chủ yếu là mua từ thị trường, nên tổng chi phí hình thành điện do EVN sản xuất giảm. Hơn nữa, hiện nay nguồn năng lượng tái tạo được đẩy mạnh đầu tư, song mức giá mua tới 9,35 cent/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân, chưa kể chi phí lớn để tích điện, do đó, nếu không có chính sách hợp lý thì EVN sẽ gặp khó khăn trong công tác tái đầu tư.

Về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân năm 2019, Phó Thủ tướng khẳng định là dựa trên các thông số tính toán đầu vào và biểu giá điện lũy tiến đã được áp dụng từ năm 2011, đến nay số hộ gia đình trong cả nước tiêu dùng từ 200kWh trở xuống chiếm 71%, do đó duy trì biểu giá này giúp người nghèo có lợi hơn.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc công khai, minh bạch giá thành sản xuất kinh doanh điện, tình hình hoạt động của EVN cũng được kiểm toán độc lập thực hiện hằng năm và thông tin cho rằng giá thành điện “gánh” lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN là thông tin không chính xác.

Hoàng Châu - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thong-tin-gia-thanh-dien-ganh-lo-dau-tu-ngoai-nganh-la-khong-chinh-xac-120023.html