Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 10 đến 16-9-2018)

TCCSĐT - Dẫn lại thông tin được Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schawb chia sẻ, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết trong 27 năm tổ chức hội nghị của WEF về khu vực ASEAN và Đông Á, đây là hội nghị thành công nhất trên nhiều khía cạnh.

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

WEF ASEAN 2018 là hội nghị thành công nhất trong vòng 27 năm

Chiều 13-9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ông Borge Brende, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Trưởng ban Tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 đồng chủ trì Họp báo thông báo về kết quả hội nghị.

Phát biểu tại họp báo, ông Borge Brende, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới bày tỏ cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới để tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ diễn đàn lần này. Ông Borge Brende đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung với Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong thời gian qua và cảm ơn sự hỗ trợ tích cực, chủ động từ phía Việt Nam.

Ông Borge Brende nhấn mạnh ASEAN là khu vực rất năng động và tăng trưởng nhanh so với các khu vực khác trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt với những chỉ số ấn tượng.

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng đây là chặng đường có ý nghĩa của Việt Nam trong quá trình phấn đấu đạt thành tựu về giảm nghèo, trở thành điểm đến tuyệt vời về đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội nghị WEF ASEAN 2018 đã thành công tốt đẹp với các mặt từ nội dung, công tác lễ tân, an ninh, y tế, hậu cần..., giúp thông tin đến được với cộng đồng doanh nghiệp, với người dân không chỉ ở khu vực ASEAN mà cả thế giới.

Dẫn lại thông tin được Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schawb chia sẻ, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết trong 27 năm tổ chức hội nghị của WEF về khu vực ASEAN và Đông Á, đây là hội nghị thành công nhất trên nhiều khía cạnh.

Nội dung hội nghị phù hợp với các nước ASEAN và Việt Nam trong bối cảnh các nước đều phải vươn lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nếu không sẽ bị tụt hậu. Cùng với đó, với việc khu vực Đông Nam Á đang trong quá trình xây dựng cộng đồng gắn kết, đoàn kết, phát triển thịnh vượng, bền vững, việc tổ chức hội nghị lần này thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ các nước.

Chín vị lãnh đạo cao cấp của các nước ASEAN cũng như ngoài khu vực đến tham dự, trên 1.000 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, thành viên của WEF đến dự. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam và khu vực ASEAN.

Lần đầu tiên trong lịch sử WEF, vị lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã đến tham dự phiên khai mạc, cùng với các vị lãnh đạo của Việt Nam. Thành viên của Chính phủ, bao gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, 7 bộ trưởng, đã tham gia rất tích cực vào các phiên thảo luận khác nhau, đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm của các nước đối với quá trình tự cường trước Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch WEF Klaus Schawb đã chia sẻ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trưa 13-9 rằng đã có 7.890 bài viết đưa tin về Hội nghị WEF ASEAN 2018, trong khi Hội nghị WEF tổ chức năm 2017 chỉ có hơn 2.000 bài viết.

Cùng với đó, 7 triệu lượt người đã tham gia tương tác trên mạng xã hội đối với WEF ASEAN 2018; khoảng 13.000 lượt bài viết, comment trên Facebook; 90.000 lượt người xem trực tuyến tại các phiên thảo luận khác nhau về WEF ASEAN 2018.

Các tin bài đã đưa tới cộng đồng ASEAN và thế giới, nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng Chính phủ điện tử thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, tăng cường đoàn kết hợp tác để nâng cao khả năng cạnh tranh của ASEAN.

Hoa Kỳ công bố mức thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam

Ngày 10-9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 12 (POR12) cho giai đoạn từ ngày 01-02-2016 đến 31-01-2017 đối với sản phẩm tôm của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Theo đó, mức thuế cuối cùng áp dụng với bị đơn bắt buộc và các bị đơn tự nguyện đều là 4,58% (thấp hơn nhiều so với mức thuế sơ bộ là 25,39%) và thuế suất toàn quốc là 25,76% (vẫn giữ nguyên do các bên không yêu cầu rà soát).

Bộ Công Thương cho biết, kết quả tích cực nêu trên có được từ sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc giải trình, cung cấp thông tin cũng như của Chính phủ trong việc vận động, trao đổi, bày tỏ quan điểm với DOC trong giai đoạn điều tra cuối cùng của vụ việc.

Cơ quan này cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp có liên quan có các hành động cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngành tôm xuất khẩu của Việt Nam trong các kỳ rà soát tương lai.

Chính phủ ban hành Quy định mới về giá điện gió tại Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29-6-2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Quyết định sửa đổi quy định về giá điện đối với dự án điện gió nối lưới. Theo đó, bên mua có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá mua điện tại điểm giao nhận như sau:

Đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và USD được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30-8-2018 là 22.683 đồng/USD). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và USD được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30-8-2018 là 22.683 đồng/USD). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Chi phí mua điện từ các dự án điện gió được tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá bán điện hằng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Giá mua điện được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 01-11-2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Các dự án điện gió đã vận hành phát điện trước thời điểm ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10-9-2018 được áp dụng mức giá mua điện ở trên kể từ ngày 01-11-2018 cho thời gian còn lại của Hợp đồng mua bán điện đã ký. Các dự án điện gió áp dụng giá mua điện theo quy định này sẽ không được áp dụng cơ chế giá cho sản lượng điện của dự án theo các quy định hiện hành khác.

Bộ Công thương có trách nhiệm đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về cơ chế đấu giá phát triển điện gió, giá mua điện gió áp dụng từ ngày 01-11-2021. Ngoài ra, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg cũng sửa đổi điều kiện khởi công xây dựng công trình điện gió.

Theo quy định mới, chủ đầu tư chỉ được phép khởi công xây dựng công trình điện gió khi đáp ứng các điều kiện khởi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng, có hợp đồng mua bán điện đã ký với bên mua điện, có thỏa thuận đấu nối với đơn vị phân phối hoặc đơn vị truyền tải điện và có báo cáo số liệu đo gió trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 12 tháng.

Các nước thành viên G20 nhất trí thúc đẩy việc cải tổ WTO

Ngày 14-9, các nước thành viên nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã nhất trí thúc đẩy việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong khuôn khổ cuộc họp các Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư của nhóm đang diễn ra tại thành phố Mar del Plata của Argentina.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau phiên họp, Ngoại trưởng Argentina Jorge Faurie cho biết tất cả các nước thống nhất rằng vấn đề quan trọng và cấp bách nhất hiện nay là cần phải tìm kiếm biện pháp giúp WTO có thể đáp ứng tốt hơn trước những thách thức mà thương mại đang phải đối mặt.

Ông Faurie khẳng định các đại biểu cũng đã trình bày quan điểm về những yếu tố cần thiết nhất đối với thương mại quốc tế để có thể thực thi được kế hoạch cải tổ, những vấn đề gì cần phải đổi mới và những gì cần phải tiếp tục được phát huy.

Văn kiện cuối cùng của kỳ họp cũng nhấn mạnh vai trò của G20 như là một nền tảng cho đối thoại chính trị giữa các nước thành viên, đồng thời chỉ rõ sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực để bảo đảm rằng nguồn lợi từ thương mại và đầu tư quốc tế được tất cả cùng chia sẻ.

Các nước thành viên G20 cũng thừa nhận sự cần thiết phải thảo luận về phát triển thương mại quốc tế và cách thức để cải thiện WTO trước những thách thức hiện tại và tương lai.

Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ nhất trí về sự cấp bách phải hiện đại hóa WTO, qua đó giúp cho giúp G20 có thể đưa ra được một tuyên bố cấp bộ trưởng, điều mà trong năm nay nhóm này chưa thể làm được.

Quốc vụ khanh Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne cho rằng thách thức hiện này là cần phải xây dựng được các quy tắc, cơ chế giám sát để bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc này, đồng thời các cơ quan trọng tài hoạt động một cách nhanh hơn.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 13-9 cho rằng hệ thống thương mại thế giới hiện nay không hoàn hảo và Trung Quốc ủng hộ cải cách hệ thống này, bao gồm Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), để hệ thống trở nên công bằng và hiệu quả hơn.

Trung Quốc hiện đang vướng vào một cuộc chiến thương mại với Mỹ và đã nhiều lần cam kết duy trì hệ thống thương mại đa phương và thương mại tự do, với WTO là trung tâm. Tuy nhiên, phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian, ông Vương Nghị nhấn mạnh: "Trung Quốc không cho rằng hệ thống hiện tại hoàn hảo và không có thiếu sót", vì vậy, "có thể sẽ tốt nếu có một số cải cách".

Ông nêu rõ, Trung Quốc ủng hộ "các cải cách cần thiết và hoàn thiện hệ thống hiện nay, trong đó có WTO, để hệ thống công bằng hơn, hiệu quả hơn và hợp lý hơn". Theo ông Vương Nghị, không nên thay đổi các nguyên lý cơ bản của WTO, như phản đối chủ nghĩa bảo hộ và ủng hộ tự do thương mại, nhưng cần quan tâm nhiều hơn đến quyền của các nước đang phát triển.

Ông nhấn mạnh mục đích của cải cách phải là cho phép các nước hưởng những thành quả phát triển của toàn cầu hóa một cách công bằng hơn, chứ không phải làm gia tăng cách biệt giữa Nam và Bắc.

Theo đó, các cải cách đối với WTO "cần bao gồm việc lắng nghe tiếng nói từ tất cả các bên và tham vấn rộng rãi, đặc biệt là lắng nghe một cách tôn trọng các ý kiến từ các nước đang phát triển".

Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc thừa nhận vấn đề cải cách WTO vô cùng phức tạp và liên quan tới nhiều lĩnh vực. Trung Quốc hy vọng tất cả các bên tiếp tục "kiên nhẫn và tiến bộ từng bước".

Các phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ có thể trở lại bàn đàm phán tại Bắc Kinh, trước khi Mỹ có thể áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngân hàng Trung ương châu Âu thu hẹp quy mô chương trình kích cầu

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo quyết định thu hồi một số chương trình mua trái phiếu kích cầu ngay cả khi triển vọng kinh tế khu vực đang bị kìm hãm trong sự ảm đạm do tranh chấp thương mại, tình trạng hỗn loạn tại các thị trường đang nổi cũng như việc Italy điều chỉnh quy định về ngân sách.

Người phát ngôn của ECB ngày 13/9 thông báo thể chế tài chính này sẽ giảm quy mô chương trình "nới lỏng định lượng," hay còn gọi là chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp, còn 15 tỷ euro (17,4 tỷ USD)/tháng.

Hoạt động thu mua tài sản trong khoản tiền nói trên sẽ được duy trì cho đến hết tháng 12-2018, thời điểm chương trình kích thích kinh tế sẽ kết thúc.

Hiện ECB cũng quyết định giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0% và đã bơm 2.400 tỷ euro vào nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) từ năm 2015 thông qua chương trình "nới lỏng định lượng" nhằm thúc đẩy tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Anh, tại cuộc họp chính sách thường kỳ ngày 13-9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,75%, đồng thời không có sự điều chỉnh nào đối với chương trình nới lỏng định lượng. Quyết định trên được đưa ra với sự đồng thuận của toàn bộ 9 thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) thuộc BoE.

Biên bản cuộc họp cho hay MPC cam kết tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ với nhịp độ từ từ và với mức tăng hạn chế, để có được sự điều chỉnh êm đẹp khi Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), diễn ra.

Quyết định giữ nguyên lãi suất của BoE cũng không nằm ngoài dự báo của các thị trường tài chính, sau khi ngân hàng này tăng lãi suất từ 0,5% lên 0,75% tại cuộc họp tháng Tám vừa qua. Các bên tham gia thị trường thậm chí còn cho rằng lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì ở mức hiện nay cho đến hết năm.

BoE cũng cảnh báo rằng những bất ổn liên quan đến Brexit đã gia tăng trong thời gian gần đây và khiến các doanh nghiệp lo ngại. Các khảo sát cho thấy giới doanh nghiệp đang cân nhắc các kế hoạch chuẩn bị cho Brexit một cách kỹ lưỡng và thận trọng hơn. Bên cạnh đó, BoE cũng bày tỏ sự lo ngại về khả năng xảy cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng cũng như tác động của nó lên các thị trường mới nổi.

Theo BoE, những tuyên bố gần đây của Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc gia tăng các biện pháp bảo hộ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực hơn lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/kinh-te/2018/52381/thong-tin-kinh-te-dang-chu-y-trong-tuan-tu-ngay-10.aspx