Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 13 đến 19-5-2019)

Bộ Công Thương vừa có báo gửi Chính phủ về phương án tăng giá điện theo Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, cơ quan này khẳng định, kết quả kiểm tra thực tế công tác niêm yết công khai giá điện mới theo Quyết định số 648/QĐ-BCT được các đơn vị thực hiện đúng quy định tại Điều 6 Luật Giá và bảo đảm thông tin về việc điều chỉnh giá điện đến các khách hàng kịp thời.

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Triển khai nghị quyết sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát cơ sở pháp lý của việc thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai đối với trường hợp doanh nghiệp đã cổ phần hóa và đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng; căn cứ để xử lý trong trường hợp thu hồi, đấu giá, nhưng doanh nghiệp đang sở hữu tài sản trên đất không trúng đấu giá. Trường hợp có sự khác nhau giữa Nghị quyết của Quốc hội và Luật Đất đai, Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính rà soát Chương trình hành động của Chính phủ về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để làm rõ mục đích của việc giao nhiệm vụ "xác định giá đất cụ thể theo quy định của Luật Đất đai" (cho thuê đất/xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa/căn cứ tính tiền bồi thường...).

Bộ Tài chính xác định rõ hơn đối tượng "các doanh nghiệp cổ phần hóa còn lại" (doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa được phê duyệt phương án sử dụng đất hay doanh nghiệp chưa cổ phần hóa, doanh nghiệp có vốn nhà nước hay doanh nghiệp là công ty con của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước).

Bên cạnh đó, rà soát theo quy định của pháp luật về đất đai đối với nội dung "trường hợp phương án sử dụng đất doanh nghiệp đề xuất chưa phù hợp với quy hoạch, mục đích sử dụng đất, ngành nghề kinh doanh và pháp luật về đất đai hiện hành thì kiên quyết tổ chức thu hồi và đấu giá công khai theo quy định của pháp luật".

Bộ Công Thương thông tin chính thức kết quả kiểm tra giá điện

Bộ Công Thương vừa có báo gửi Chính phủ về phương án tăng giá điện theo Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, cơ quan này khẳng định, kết quả kiểm tra thực tế công tác niêm yết công khai giá điện mới theo Quyết định số 648/QĐ-BCT được các đơn vị thực hiện đúng quy định tại Điều 6 Luật Giá và bảo đảm thông tin về việc điều chỉnh giá điện đến các khách hàng kịp thời.

Bên cạnh đó, công tác ghi chỉ số côngtơ, chốt chỉ số, tính tiền điện trong tháng thay đổi giá, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện được các đơn vị thực hiện đúng quy trình kinh doanh của EVN, cũng như tuân thủ theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP về ghi chỉ số côngtơ, thanh toán tiền điện vả Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29-5-2014 của Bộ Công Thương.

Thông tin thêm, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, qua kiểm tra thực tế, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4-2019 tăng là do sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao.

Một nguyên nhân nữa là do tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36% vào ngày 20-3, trong khi kỳ ghi chỉ số côngtơ của tháng Tư cũng nhiều hơn 3 ngày so với tháng Ba.

Đáng chú ý, việc chốt chỉ số côngtơ, phát hành hóa đơn tiền điện tại một số khách hàng sử dụng điện sản xuất lớn cho thấy, các tổng công ty điện lực và công ty điện lực đã thực hiện đúng quy định.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng đã chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và áp dụng nhiều biện pháp để tiết kiệm điện.

Liên quan đến việc kiểm tra công tác kinh doanh dịch vụ, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, phía ngành điện đã chuẩn bị kỹ càng, có kết hoạch đầy đủ cho việc giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện.

Theo thống kê của EVN từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng, từ 20-3 đến 04-5, toàn Tập đoàn đã tiếp nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện. Trong đó có 14.541 kiến nghị thắc mắc về chỉ số côngtơ, hóa đơn tiền điện. Kiểm tra cho thấy, các thắc mắc đã được trả lời 100%, các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù sản lượng điện và số lượng khách hàng sử dụng điện ở bậc thang cao (trên 200 kWh/tháng) cao hơn bình quân cả nước và hóa đơn tiền điện cao hơn nhưng số lượng kiến nghị ít hơn nhiều so với các khách hàng ở các tỉnh, thành phố còn lại.

Tổng thống Mỹ kiên quyết bảo vệ chính sách thuế quan

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12-5 đã lên tiếng bảo vệ chính sách thuế quan của ông và một lần nữa khẳng định rằng Trung Quốc sẽ phải trả hàng tỷ USD cho nước này, sau khi Cố vấn kinh tế của ông trước đó nói rằng cả hai bên đều sẽ chịu thiệt hại trong tranh chấp này.

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump cho biết: “Hãy nhớ, họ đã phá vỡ thỏa thuận với chúng ta và đã cố gắng đàm phán lại. Chúng ta sẽ có hàng chục tỷ USD tiền thuế quan từ Trung Quốc”. Tổng thống Mỹ cũng khẳng định người tiêu dùng Mỹ có thể chuyển sang các sản phẩm nội địa hoặc từ các quốc gia không phải chịu thuế quan.

Bình luận của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi Cố vấn kinh tế Larry Kudlow trước đó trong cùng ngày thừa nhận rằng Trung Quốc không phải là nước duy nhất phải trả thuế mà là cả hai bên.

Theo ông Kudlow, Trung Quốc sẽ chịu tổn thất về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi thị trường xuất khẩu và lượng hàng mà họ cần đang ngày càng suy giảm. Tuy nhiên, Cố vấn Kudlow cũng nói rằng mặc dù Trung Quốc có thể phải gánh chịu hậu quả, song các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chi trả khoản thuế quan.

Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy chính người Mỹ mới phải chịu gánh nặng từ các tác động của chính sách thuế quan, vì các nhà nhập khẩu sẽ phải trả khoản thuế này và sau đó chuyển ít nhất một phần sang cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Kudlow cũng đảm bảo rằng vì nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ, nước này sẽ không bị tổn hại "một cách quá mức" bởi thuế quan.

Nếu xét trên hầu hết khía cạnh, nền kinh tế Mỹ đang trong trạng thái “khỏe mạnh” với mức tăng trưởng xấp xỉ 3%, các doanh nghiệp đang tạo ra nhiều việc làm hơn số lao động bị thất nghiệp và tăng lương - điểm yếu lâu nay của nền kinh tế Mỹ - đã khởi sắc.

Theo số liệu Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 03-5, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4-2019 của nước này đã giảm xuống còn 3,6%, mức thấp nhất kể từ năm 1969. Những tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài nhiều tháng qua và chưa có vẻ sẽ sớm đi đến hồi kết sau khi vòng đàm phán thứ 11 hồi tuần trước tại Washington không mang lại kết quả nào.

Căng thẳng lại càng gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ ngày 10-5, đúng thời điểm hai bên đang tiến hành đàm phán.

Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn đe dọa áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 325 tỷ USD, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia cũng như các đồng minh trong đảng Cộng hòa rằng mức thuế mới có thể khiến Trung Quốc đáp trả và căng thẳng thương mại leo thang trở lại.

EU loại nhiều nước, vùng lãnh thổ khỏi danh sách đen thiên đường thuế

Ngày 17-5, tại các cuộc họp ở thủ đô Brussels, Bỉ, các bộ trưởng tài chính của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí loại 3 nước và vùng lãnh thổ ra khỏi danh sách đen "thiên đường thuế". Cụ thể, đảo Aruba của Hà Lan, đảo quốc Barbados và vùng lãnh thổ hải ngoại Bermuda của Anh đã được đưa ra khỏi danh sách "quyền hạn phi hợp tác về thuế" của EU.

Như vậy, hiện trong danh sách đen "thiên đường thuế" của EU vẫn còn 12 nước và vùng lãnh thổ, gồm Belize, Dominica, Fiji, Oman, Samoa, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Trinidad và Tobago, Vanuatu cùng với 4 vùng lãnh thổ của Mỹ là Samoa, Guam và các quần đảo Virgin và Marshall.

Danh sách đen các "thiên đường thuế" bao gồm những quốc gia thể hiện năng lực yếu kém trong nỗ lực chống nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Ý tưởng lập danh sách này của EU được khởi xướng từ tháng 4-2016 sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama," trong đó Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế phanh phui một hệ thống trốn thuế quy mô toàn thế giới.

Đến tháng 12-2017, tất cả 28 nước thành viên EU đã lập danh sách đen các "thiên đường" trốn thuế này. Những quốc gia cam kết thay đổi các quy định thuế trước một thời hạn chót được EU đặt ra sẽ được đưa ra khỏi danh sách này.

"Hồ sơ Panama" là vụ tiết lộ tài liệu mật gây chấn động nhất trong lịch sử, lớn hơn cả vụ tiết lộ Wikileaks năm 2010, vì phanh phui các hoạt động tài chính bất hợp pháp liên quan đến nhiều nhân vật giàu có và quyền lực trên thế giới.

Hơn 11,5 triệu tài liệu nằm trong 2,6 terabyte dữ liệu đã được công ty luật Mossack Fonseca của Panama tiết lộ cho hơn 370 phóng viên từ hơn 70 quốc gia khác nhau thẩm định.

Công ty này chuyên cung cấp dịch vụ tài sản ở nước ngoài lớn thứ tư thế giới.

Các tài liệu bị tiết lộ liên quan đến khoảng 140 chính trị gia và quan chức trên thế giới, trong đó có 12 người đã hoặc đang là nguyên thủ quốc gia, và 29 tỷ phú trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới.

Nội bộ NATO bất đồng về quyền đấu thầu hợp đồng quốc phòng hậu Brexit

Tờ The Telegraph cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khiến các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tức giận khi Pháp tìm cách ngăn cản các công ty quốc phòng của Anh tham gia đấu thầu các hợp đồng quốc phòng béo bở tại Liên minh châu Âu (EU) sau khi nước Anh rời khỏi EU (Brexit).

Theo báo trên, Tổng thống Macron đang nỗ lực ngăn chặn một số nước trong EU, bao gồm Anh và các nước không phải là thành viên NATO, được quyền tham gia đấu thầu một số hợp đồng trong khuôn khổ sáng kiến Hợp tác Cấu trúc thường trực quốc phòng (PESCO).

Các quan chức quốc phòng Mỹ và các nhà ngoại giao EU đã lên tiếng cảnh báo rằng lập trường cứng rắn của Pháp có nguy cơ gây chia rẽ trong nội bộ các nước thành viên NATO, bất chấp một số ý kiến phản đối từ Brussels cho rằng đây là chương trình quân sự của EU và điều này không ảnh hưởng đến NATO.

Trong thư gửi Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini, các quan chức quốc phòng Mỹ cáo buộc EU cản trở các nước đồng minh NATO không phải là thành viên EU tham gia đấu thầu, cho rằng điều này sẽ hủy hoại mối quan hệ trên tinh thần xây dựng giữa NATO và EU.

Mặc dù không tham gia PESCO, nhưng tới thời điểm này nước Anh vẫn là một thành viên của EU. Các công ty quốc phòng Anh có những chuyên gia hàng đầu thế giới và các lực lượng vũ trang của EU sẽ phải tiếp tục làm việc chặt chẽ với nhau thời hậu Brexit.

Người đứng đầu nhóm nghị sỹ bảo thủ tại Nghị viện châu Âu Ashley Fox cho rằng việc EU muốn "đóng cửa" Anh tham gia các hợp đồng cung cấp trang thiết bị quốc phòng là điều vô lý.

Ông Fox cho rằng vấn đề này cần được đưa ra thảo luận như một phần trong các đàm phán tương lai về quan hệ Anh - EU thời hậu Brexit.

Hợp tác cấu trúc thường trực PESCO được ký kết hôm 13-11-2017 với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong EU và phát triển hệ thống vũ khí.

Với 25 nước thành viên thuộc EU tham gia, đây được xem là thỏa thuận lịch sử tạo tiền để EU thành lập lực lượng quân đội chung châu Âu trong thời gian tới./.

Bảo Quân

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/kinh-te/2019/54995/thong-tin-kinh-te-dang-chu-y-trong-tuan-tu-ngay-13.aspx