Thông tin mới nhất về sức khỏe 3 trẻ mầm non bị bỏng nặng khi học kỹ năng sống

Liên quan đến sự việc 3 trẻ mầm non bị bỏng nặng vì cô giáo đốt cồn dạy kỹ năng sống, bác sĩ Lê Quang Thảo, khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia cho biết, diện tích bỏng của 3 bé lên tới 50-60%. Hiện tình trạng của 3 bệnh nhi trên vẫn rất nặng, chưa thể tiên lượng.

Hiện tiên lượng sức khỏe của 3 trẻ mầm non vẫn rất dè dặt

Hiện tiên lượng sức khỏe của 3 trẻ mầm non vẫn rất dè dặt

Trước đó, vào 22h ngày 9/8, Bệnh viện Bỏng quốc gia tiếp nhận 3 bé cháu bị bỏng nặng, độ tuổi từ 2 - 5 tuổi. 3 trẻ bị bỏng gồm: Phạm Bùi Gia Kh. (nam, 4 tuổi); Nguyễn Ngọc Hà L. (nữ, 5 tuổi) và Nguyễn Anh T. (nữ, 3 tuổi) đều ở xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Theo người nhà các bệnh nhi, vào khoảng 15h40 ngày 9/8, các cô giáo mầm non tại cơ sở trông trẻ mầm non tư thục Tuổi Thơ (Duy Minh, Duy Tiên, Hà Nam) đã tổ chức buổi dạy trẻ kỹ năng phòng chống cháy nổ.

Tại buổi học, các cô giáo đã đổ cồn vào 1 mâm nhôm rồi châm lửa đốt. Tuy nhiên, vào thời điểm đó gió lớn thổi vào khiến ngọn lửa đang cháy tạt vào người 3 cháu nhỏ trong lớp. Sự việc khiến cả 3 cháu bị bỏng nặng và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cấp cứu sau đó.

Đến chiều 12/8, thông tin về sức khỏe của 3 bệnh nhi này, bác sĩ Thảo cho biết, các cháu đều trong tình trạng nặng, tiên lượng rất nặng nề, đang phải hồi sức chống sốc, đều có thể đe dọa đến các chức năng sống như hô hấp tuần hoàn, chức năng thận và tiên lượng rất khó khăn, chưa nói trước được điều gì. Được biết, diện tích bỏng của 3 bé lên tới 50-60%.

Theo các chuyên gia, lực lượng PCCC không bao giờ hướng dẫn các trường, các cô giáo dùng cồn để dạy học sinh cách dập lửa, nhất là học sinh mầm non. Thông thường khi được mời đến trường tập huấn, các chiến sĩ PCCC có một khay xăng, sẽ cho nước xuống dưới, chỉ đổ 1 phần xăng lên trên. Người lính cứu hỏa sẽ châm lửa đốt, để cho giáo viên cầm bình xịt cho học sinh quan sát. Một điều rất quan trọng là khi thực hiện, tất cả giáo viên, học sinh phải đứng cách xa khoảng vài mét. An toàn phải đặt lên hàng đầu.

Với những đám cháy nhỏ họ dập được thì khi đối diện với đám cháy lớn họ mới dạn dĩ hơn. Đám cháy bằng xăng sẽ cuộn lên, không được dùng cồn.

Tuy nhiên, việc tiến hành phòng cháy chữa thực tế như vậy phải được thực hiện bằng lực lượng chuyên nghiệp, các thầy cô không được thực hiện. Hoặc nếu thầy cô hướng dẫn thì chỉ được thực hiện bằng các biện pháp mô phỏng, không sử dụng vật liệu cháy nổ thật như xăng, cồn.

Với lứa tuổi mầm non, điều quan trọng nhất là dạy các cháu cách thoát nạn chứ không phải cách chữa cháy. Do đó, chỉ hướng dẫn theo cách mô phỏng các hành động trong PCCC. Quan trọng nhất trong trường mầm non là hướng dẫn các cháu các thoát nạn khi có sự cố, chứ các cháu làm sao đã dập được lửa.

Các cô cần hướng dẫn, tập cho các cháu bình tĩnh để đi ra ngoài khi gặp tình huống xấu. Một mình các cháu cũng không tự chạy ra ngoài, phải có người hướng dẫn. Do đó để các cháu biết cách thoát nạn là quan trọng nhất, tốt nhất cho các cháu.

Đồng tình với quan điểm này, TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho rằng, hiện nay có tình trạng các thầy cô giáo không có chuyên môn dạy trẻ kỹ năng sống nhưng lại đi dạy các con. Điều này gây ra những hệ lụy vô cùng đau xót, trường hợp 3 trẻ ở Hà Nam là ví dụ điển hình.

Để ngăn ngừa tình trạng này, theo TS Hương, các thầy cô muốn dạy được các con về kỹ năng sống phải được tập huấn một cách bài bản. Đặc biệt với trẻ mầm non, thì việc tối cần thiết ở mọi tình huống là dạy cho trẻ kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng tự chủ… chứ không phải là những điều gì quá to tát, vượt khả năng của các bé.

Huyền Anh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/thong-tin-moi-nhat-ve-suc-khoe-3-tre-mam-non-bi-bong-nang-khi-hoc-ky-nang-song-post309392.info