Thông tin 'Sở GDĐT Hà Nội công bố chỉ có 11 trường 'quốc tế' trên địa bàn Thành phố' là chưa chính xác

Đây là một nội dung trong thông báo mới của Sở GDĐT Hà Nội về các trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài, các trường tư thục có giảng dạy chương trình nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Sở GDĐT Hà Nội cho biết, về tên gọi trường "quốc tế", hiện nay theo ý hiểu của nhiều phụ huynh học sinh thì trường "quốc tế" là trường có giảng dạy chương trình nước ngoài hoặc có giáo viên người nước ngoài tham gia giảng dạy. Các văn bản của Nhà nước chưa có định nghĩa khái niệm trường "quốc tế". Tại Khoản 1 Điều 48 Luật Giáo dục 2005 quy định hệ thống Giáo dục quốc dân có ba loại hình nhà trường gồm: Trường công lập, trường tư thục và trường dân lập (trong Luật Giáo dục 2019, loại hình dân lập chỉ áp dụng cho cơ sở giáo dục mầm non).

Việc đặt tên các trường đã được quy định rõ ràng trong Điều lệ trường của các cấp học và Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và "tên riêng" và không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Theo quy định (Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT), các thông tin liên quan của nhà trường phải được công khai để người dân được biết. Nghị định 127/2018/NĐ-CP về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đã quy định việc phân cấp quản lý nhà nước trong giáo dục từ trung ương đến địa phương.

Một trường gắn mác "quốc tế" tại Hà Nội (ảnh tư liệu)

Thực tế đang có một số trường đăng ký tên "quốc tế" trong giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép hoạt động được các cấp có thẩm quyền cấp phép theo đúng quy định; có trường không có tên "quốc tế" nhưng đã tự tuyên truyền bằng mác "quốc tế" khi nhà trường có tham gia giảng dạy chương trình nước ngoài và có giáo viên người nước ngoài.

Tên gọi của các trường được xác định trong Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định thành lập. Nếu trong các giấy tờ này không thể hiện nội dung đăng ký tên "quốc tế" mà nhà trường cố tình trưng biển "quốc tế" là vi phạm. Các trường phải thực hiện việc gắn biển đúng như Quyết định thành lập trường.

Tính đến thời điểm tháng 8/2019, trên địa bàn Thành phố có 14 trường Mầm non và 11 trường cấp phổ thông có 100% vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký hoạt động với Sở GDĐT Hà Nội; có 3 trường Mầm non có vốn đầu tư Việt Nam và nước ngoài. Hiện còn một số trường như trường UNIS, trường Alexandre Yersin, trường HIS, trường Nhật Bản… được thành lập bởi liên Bộ GDĐT và Bộ Ngoại giao đang làm thủ tục đăng ký hoạt động với Sở GDĐT Hà Nội.

Bên cạnh đó còn có thêm 2 loại hình trường đang hoạt động là trường có vốn đầu tư Việt Nam nhưng đã đăng ký với các tổ chức quốc tế để trở thành trường được dạy chương trình quốc tế. Những trường này đã được các tổ chức quốc tế công nhận và cấp phép trở thành trường thành viên tại Việt Nam, được tổ chức khảo thí tại trường và cấp chứng chỉ quốc tế, bằng cấp, chứng chỉ của các trường quốc tế phải có tính liên thông giữa các trường hoặc được công nhận bởi ít nhất một tổ chức giáo dục quốc tế, tuân thủ các quy định về công tác tuyển sinh và đảm bảo chương trình do Bộ GDĐT quy định.

Loại hình trường khác là các trường phổ thông tư thục có giảng dạy một số môn theo chương trình nước ngoài, giảng dạy chương trình tích hợp với chương trình nước ngoài, được Bộ GDĐT thẩm định và cấp phép. Trong xu hướng hội nhập quốc tế, sự phát triển của các cơ sở giáo dục trên đã kịp thời đáp ứng nhu cầu học tập của con em người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Hà Nội và nhu cầu của học sinh Việt Nam muốn học chương trình nước ngoài.

Trước đó, ngày 09/8, Sở GDĐT Hà Nội đã có công văn rà soát các cơ sở giáo dục có giảng dạy chương trình nước ngoài trên địa bàn Thành phố. Sở này cho biết, các thông tin một số báo nêu "Sở GDĐT Hà Nội công bố chỉ có 11 trường "quốc tế" trên địa bàn Thành phố" vừa qua là chưa chính xác.

Cùng đó, Sở GDĐT Hà Nội đã thông báo danh sách các trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài của các cấp học, bậc học và danh sách các trường tư thục có dạy chương trình nước ngoài tính đến tháng 8/2019. Trong danh sách này có 14 trường mầm non có 100% vốn đầu tư nước ngoài và 3 trường mầm non có vốn đầu tư Việt Nam và nước ngoài; 11 trường phổ thông có 100% vốn đầu tư nước ngoài; 24 trường tư thục có giảng dạy chương trình nước ngoài; và 15 trường mầm non tư thục có giảng dạy chương trình nước ngoài.

Trong danh sách này không có trường nào tên là "Trường Tiểu học Quốc tế Gateway".

Phương Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thong-tin-so-gddt-ha-noi-cong-bo-chi-co-11-truong-quoc-te-tren-dia-ban-thanh-pho-la-chua-chinh-xac-20190902181853953.htm