Thông tin tiếp tay đào trộm gỗ quý: Cán bộ giải thích

Trước thông tin cán bộ tiếp tay đào trộm gỗ quý, cán bộ ký trong hồ sơ lên tiếng giải thích.

Liên quan đến vụ cây gỗ giáng hương bên hồ Dầu Tiếng thuộc tỉnh Tây Ninh bị một nhóm người đào lên đưa đi, trao đổi với báo chí, ông Trần Hoàng Nam – nhân viên bảo vệ rừng, người có mặt tại hiện trường lúc cây giáng hương bị nhóm người đào bới mang đi tiết lộ thông tin bất ngờ.

Theo ông Nam, lúc đó tại hiện trường, ông đến ngăn cản nhóm người đào bới nhưng bất thành nên ông gọi điện báo cho nhóm đội trưởng là ông Nguyễn Hoàng Ân. Theo ông Nam, lúc đó ông Ân đã gọi điện cho ông và nói để người ta đào cây đi, có giấy tờ đủ. Tuy nhiên, ông Nam không chịu và đề nghị nhóm người đào cây phải xuất trình giấy tờ.

Không lâu sau, một nhân viên bảo vệ thuộc Tiểu khu 58 gọi cho ông Nam và nói người mua cây đã xuất trình giấy ngoài chốt thuộc Tiểu khu 58 nhưng ông Nam không chịu vì cây thuộc Tiểu khu 59. Sau đó, một người trong nhóm đào cây đưa cho ông Nam xem hồ sơ mua cây tại có đóng dấu mộc và chữ ký của Phó Giám đốc Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Chiều 20/9, chia sẻ với PV, ông Mai Văn Thới - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết: "Sau khi có thông tin trên, anh em đã giải thích và xác nhận là trước đó có làm hồ sơ gửi lên Sở Nông nghiệp để xin cây nhưng chưa xong thì có người lợi dụng hồ sơ đó để đào trộm cây.

Bản kê của kiểm lâm là phải ký theo mẫu của kiểm lâm còn bản kê đó là của Ban quản lý, anh Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã ký xác nhận để Ban quản lý khu rừng phòng hộ đi xin. Hiện chúng tôi đang điều tra có sự tiếp tay hay không? Ai sai phạm thì xử lý, không bao che".

Theo ông Thới, bình thường giấy hợp lệ là phải xin phép và được cấp có thẩm quyền cho phép. Sau khi cho phép thì cây đó mới được khai thác, khai thác phải có bản kê xác nhận rồi đóng dấu của kiểm lâm, giấy ở đây chỉ mới có bản kê bản kiểm tra của Ban quản lý rừng làm chứ không phải của Hạt kiểm lâm. Ban quản lý sau khi làm rồi sẽ đưa cho Hạt kiểm lâm xác nhận để cho khách quan.

Cây giáng hương biến mất (Ảnh TP)

Ngoài ra ông Thới cũng mô tả về loại cây gỗ quý đó.

"Cây đó có chiều cao thân là 1,5m, tính từ gốc lên cao khoảng 8m và phân thành nhiều nhánh. Vì cây có nhiều nhánh nên mấy người như đại gia hay những nơi như công viên họ thích trồng cây này. Nhóm người trên đào cây chỉ có mục đích trồng vì nếu nói về gỗ thì cây đó chưa hẳn đem về số lượng gỗ lớn bởi thân cây mới chỉ cao 1,5m" - ông Thới nói.

Ông Thới khẳng định: "Từ trước đến nay chưa từng xảy ra trường hợp này vì chúng tôi quản lý rất chặt. Anh em ở dưới chủ quan hoặc nể nang, có vấn đề gì chúng tôi đang điều tra.

Hơn nữa sự việc xảy ra hôm đó các nhân viên cấp dưới chưa được đào tạo nên mới ngộ nhận giấy tờ trên hợp lệ. Thực chất những cá nhân đó họ chỉ là nhân viên nhóm hộ nên họ cứ nghĩ có đóng dấu là hợp lệ".

Bên cạnh đó, ông Thới cũng cho rằng việc tìm lại cây gỗ trên sẽ khó khăn bởi các đối tượng bị động sẽ tìm cách thủ tiêu cây.

"Giả sử nếu không làm rùm beng có khi lại tìm được vì hình dạng của cây rất dễ tìm, giờ thông tin nhiều như vậy dễ những đối tượng đó đã thủ tiêu cây gỗ đó rồi. Tôi cũng đã liên hệ với kiểm lâm ở ngoài Bắc nhờ tìm nhưng chưa có kết quả" -ông Thới nói.

Liên hệ với Phó Giám đốc Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Phó Giám đốc giải thích: "Hồ sơ đó là hồ sơ chúng tôi đang hoàn thành để xin ý kiến của Sở nông nghiệp nhưng chưa đầy đủ nên có một số đối tượng lợi dụng việc đó để dùng đào trộm cây.

Trong việc này chúng tôi không có sự tiếp tay với nhóm người trên để đào trộm cây. Hiện chi Cục kiểm lâm tỉnh Tây Ninh đang trong quá trình điều tra và làm rõ".

Bạch Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thong-tin-tiep-tay-dao-trom-go-quy-can-bo-giai-thich-3365895/