Thông tin tiếp vụ cháy rừng QG Hoàng Liên: Cần làm rõ nguyên nhân cháy

(VH)- Kể từ khi xảy ra cháy Vườn quốc gia Hoàng Liên, đến nay đã có đến 4 văn bản được đưa ra liên quan đến diện tích bị cháy.

Tuy nhiên, trong 4 văn bản này thì con số diện tích rừng đã bị cháy lại chưa “khớp” được với nhau: Báo cáo ngày 26.2.2010 của UBND tỉnh; Công điện số 02 của UBND tỉnh ngày 11.2.2010; Thông báo số 2153-TB-TU ngày 12.2.2010 của Tỉnh ủy Lào Cai gửi các cơ quan chức năng TƯ và Công văn số 357/UBND-NC của UBND tỉnh gửi các đơn vị thuộc tỉnh. Giải thích về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho rằng, trong những ngày xảy ra cháy, thống kê diện tích theo tiểu khu đã xảy ra cháy là 1.700 ha nhưng trong quá trình tham gia chữa cháy, các tổ, các mũi báo cáo về đến ngày cuối cùng thì còn con số 700 ha. Tuy nhiên, đây vẫn là con số ước lượng chứ chưa phải con số chính xác. Cuộc họp đánh giá thiệt hại Chưa mở cửa cho khách du lịch Tại cuộc họp kiểm điểm và đánh giá thiệt hại sau vụ cháy rừng xảy ra tại Vườn quốc gia Hoàng Liên do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức đã đặt ra vấn đề trách nhiệm thuộc về ai, kiểm điểm ai? Cuộc họp kéo dài gần 4 tiếng, có đầy đủ ý kiến của lãnh đạo các cơ quan, tổ chức liên quan nhưng chỉ ông Phạm Văn Đăng, Giám đốc vườn quốc gia Hoàng Liên đứng ra nhận một phần trách nhiệm. Tại cuộc họp, ông Đăng cho rằng, điểm xuất phát cháy ban đầu từ tiểu khu 286 thuộc thôn Dền Thàng (xã Tả Van) ngọn lửa gặp gió cháy lớn lan sang tiểu khu 291 thuộc thôn Tả Trung Hồ (xã Bản Hồ). Do địa hình hiểm trở, núi đá có độ dốc lớn, lực lượng chữa cháy không tiếp cận được để khống chế ngọn lửa. Sau đó ngọn lửa bùng phát lên đỉnh núi, cháy lan sang tiểu khu 287 thôn Ma Quái Hồ và Thôn Séo Trung Hồ rồi tiếp tục cháy lan sang tiểu khu 295B thuộc thôn Tả Trung Hồ xã Bản Hồ. Ngay sau khi có thông tin cháy rừng, Vườn quốc gia Hoàng Liên đã chia làm hai mũi do lãnh đạo chỉ huy phối hợp với các lực lượng khác khẩn cấp đi chữa cháy. Nhưng do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, gió to, độ dốc lớn, điểm cháy cách xa, trời tối nên việc tiếp cận đám cháy gặp rất nhiều khó khăn. Gỗ được xẻ sau vụ cháy Xem xét tình hình, lãnh đạo vườn quốc gia Hoàng Liên nhận định lực lượng tại chỗ không có khả năng khống chế được đám cháy nên ngay trong chiều 8.2.2010 đã báo cáo với lãnh đạo tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo. Về trách nhiệm của Vườn quốc gia, ông Đăng cho rằng, Vườn quốc gia chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm soát các hoạt động của người dân trong việc sử dụng lửa trong rừng, đặc biệt là kiểm soát sử dụng lửa để đốt dọn nương. Ông Ma Quang Trung, Bí thư Huyện ủy Sa Pa nhận định, trong thời gian ngắn, do huy động lực lượng tham gia chữa cháy rất đông, thiệt hại của vụ cháy không lớn do khu vực cháy ở thôn Séo Mý Tỷ chủ yếu là rừng tái sinh và bãi trống, chỉ có một ít rừng già. Khu vực Ô Quý Hồ chỉ cháy rừng trúc không cháy rừng già. Theo ông Trung, nguyên nhân cháy do đốt nương là không cao, vì trong những ngày giáp Tết bà con không đi làm nương. Ông Trung đề nghị cần điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy bởi đây là vụ cháy lớn đang được dư luận cả nước quan tâm. “Tôi nghi ngờ con số 700 ha rừng bị cháy. Bởi vì con số 700 ha là con số ước mà Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh đưa ra. Vừa qua, chúng ta có tổ chức điều tra cụ thể nhưng không lẽ lại vừa khớp đến thế?”, ông Phạm Duy Hạnh, Giám đốc Sở NN&PTNT đưa ra ý kiến tại cuộc họp. Ông Hạnh cho rằng phải điều tra thật cụ thể con số chính xác để còn phục vụ công tác khôi phục rừng sau cháy. Ngoài ra, cần xây dựng dự án phát triển dưới tán rừng ngoài gỗ. Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Phạm Văn Cường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhận định, về công tác chỉ đạo ban đầu khi xảy ra cháy còn lúng túng, sự phối hợp giữa các lực lượng chưa nhịp nhàng, một số điểm cháy nắm thông tin chưa chính xác và kịp thời để tổ chức chữa cháy đạt hiệu quả. Ông Phạm Văn Cường cũng đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra nhanh chóng điều tra làm rõ nguyên nhân cháy. Trong thời gian này, chưa cho phép khách du lịch lên vườn quốc gia Hoàng Liên để tham quan, du lịch. UBND tỉnh giao cho Vườn quốc gia phối hợp với các đơn vị chức năng lập kế hoạch trồng lại 300 ha diện tích có khả năng trồng rừng. Trước mắt trồng ngay 150 ha cây lâm nghiệp tại hai xã Tả Van và Bản Hồ để phủ xanh đất trống do cháy. Khu vực điểm cao 2400m vùng giáp ranh với Lai Châu sẽ tiến hành khoanh nuôi tái sinh để phục hồi rừng đa dạng sinh học. Vào thời điểm này nghiêm cấm đốt nương gây nguy cơ cháy rừng Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra 15 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại là 15,25 ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 5,65 ha, rừng trồng là 9,6 ha. Đặc biệt, vụ cháy lớn xảy ra ở Vườn quốc gia Hoàng Liên vào dịp Tết Canh Dần, diện tích bị thiệt hại lên đến cả nghìn ha. Trao đổi với phóng viên Văn Hóa về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do người dân đốt nương, làm rẫy. Thêm vào đó là mùa khô, nắng nóng kéo dài, 5 tháng không có mưa to. Chỉ cần một mồi lửa nhỏ như tàn thuốc hay mồi lửa bay vào khu vực có lớp thực bì khô cũng rất dễ xảy ra cháy. Nhất là khu vực Séo Mý Tỷ, Tả Trung Hồ, Dền Thàng... có gió mạnh, thường là cấp 6, cấp 7, khi xảy ra cháy sẽ lây lan nhanh, công tác ứng cứu chữa cháy gặp nhiều khó khăn do địa hình núi cao, trên 2.000m, lực lượng chữa cháy đến nơi mất thời gian, không có nguồn nước để chữa cháy. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác khi đốt nương, làm rẫy. Trước khi đốt nương phải báo cáo với trạm kiểm lâm để có thể giám sát. Phát đường băng cản lửa có khoảng cách an toàn, tránh việc gió mạnh sẽ làm lây lan lửa vào khu vực dễ cháy. Vào thời điểm này, nguy cơ cháy rừng đang ở cấp V, tuyệt đối không được đốt nương, làm rẫy. Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng chống cháy rừng. Tạ Đình Dũng

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/dulich/24181.vho