Thông tin tội phạm: Từ quốc tế đến trong nước

Thực tế, nhiều thập niên qua trên thế giới có rất nhiều nghiên cứu về tội phạm và truyền thông; nạn nhân trong tin tức; tội phạm, truyền thông và luật pháp...

Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao về vụ sát hại tài xế Grab ở Hà Nội, đến lúc này cảnh sát đã bắt giữ được 2 nghi phạm

Nhà nghiên cứu tội phạm người Anh Yvonne Jewkes trong cuốn “Media&Crime” cho rằng, một điểm đặc biệt của tin tức về tội phạm chính là tình trạng bạo lực được xem như một giá trị của tin tức. Bất kỳ loại tội phạm nào cũng có thể được nâng lên tầm tin tức giật gân nếu có bạo lực đi kèm với nó...

Tội phạm luôn là chủ đề “hot”

Yvonne Jewkes cũng cho rằng, có một thực tế không thể bác bỏ đó là xã hội đã trở nên bạo lực hơn kể từ khi xuất hiện ngành truyền thông hiện đại. Sự xuất hiện và phát triển của phim ảnh, truyền hình, và sau đó là công nghệ máy tính đã làm gia tăng những nỗi lo trong công chúng, tuy nhiên có thực tế là rất ít loại hình tội phạm trở thành hiện tượng phổ biến cho dù giới truyền thông có phản ánh nhiều hay liên tục.

Đối với nhiều nhà nghiên cứu, việc xã hội ngày càng xảy ra nhiều loại tội phạm - đặc biệt là tội phạm bạo lực - kể từ khi xuất hiện phim ảnh và truyền hình là “lẽ thường tình”, điều này dẫn đến niềm tin dai dẳng cho rằng, hai hiện tượng - truyền thông và tội phạm - được liên kết “một cách tự nhiên” với nhau.

Theo Sarah E.H.Moore trong cuốn “Crime and the Media” cho biết, trong một nghiên cứu ban đầu và có sức ảnh hưởng về tin tức tội phạm ở Hoa Kỳ, Graber (1980) đã phát hiện ra rằng, ít nhất 25% tin tức tập trung vào tội phạm. Số lượng tin tức về tội phạm trên báo chí đã tăng lên trong vòng 25 năm qua - ít nhất là trong các quốc gia phát triển kinh tế.

Nghiên cứu của Ditton và Duffy (1983) cho thấy, 6,5% báo chí Anh thường xuyên đưa tin về tội phạm vào đầu những năm 1980. Nghiên cứu tiếp theo của Williams và Dickinson (1993) về 10 tờ báo hàng đầu của Anh vào cuối những năm 1980 đã chứng minh mức tăng lên 12.7% - đó là một con số tăng gần gấp đôi.

Reiner, Livingstone và Allen (2003) sau khi nghiên cứu hành vi phạm tội trong The Times và Mirror từ năm 1945 đến 1991 đã củng cố ý kiến cho rằng đã có sự tăng trưởng trong giai đoạn này và báo cáo rằng, vào đầu những năm 1990, phạm vi tin tức liên quan đến tội phạm đã lên đến 21% nội dung báo chí.

Schlesinger và Tumber(1994) đã đưa ra một quan sát tương tự nghiên cứu của họ dựa trên các cuộc phỏng vấn với các nhà báo và biên tập viên ở Anh và kết luận rằng, kể từ những năm 1970, tội phạm đã trở thành một chủ đề tin tức phổ biến hơn bao giờ hết.

Kênh CNN (Mỹ) đưa tin về vụ xả súng tại New York ngày 22/7/2019

Câu chuyện tại Mỹ

Một xu hướng tương tự cũng xảy ra ở Hoa Kỳ. Robert McChesney (1999), là một ví dụ, ông đã phát hiện sự gia tăng rõ rệt hơn trong việc phát sóng trên truyền hình của Mỹ về các tin tức tội phạm. Ông cho biết, từ năm 1990 đến năm 1996 số lượng các tin tức về tội phạm trên các chương trình truyền hình tăng gấp 3 lần.

Trung tâm Truyền thông và Các sự kiện cộng đồng (CMPA) - một tổ chức thực hiện nghiên cứu về công tác truyền thông ở Hoa Kỳ nhận thấy rằng, trong thập niên 1990 tội phạm là “chủ đề lớn nhất của thập kỷ”, trong khi đó tin tức về kinh tế ở vị trí thứ hai (CMPA tháng 7/tháng 8 năm 1997).

Cũng tại Mỹ, từ những năm 1980 - 1990 đã có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa truyền thông và tội phạm, ảnh hưởng của truyền thông đến tội phạm và nạn nhân. Phần lớn các nghiên cứu này cho biết các giá trị tin tức ở Mỹ và sự thiên vị của các chuyên mục trong việc thông tin tội phạm và hình phạt, sự tác động của tin tức tội phạm đối với tâm lý công chúng. Đáng chú ý, có một số nghiên cứu về phương tiện truyền thông sử dụng hình ảnh nạn nhân để tăng khả năng tiếp thị của sản phẩm tin tức.

Trong bài báo “Violance, Media Effects, and Criminology” của tác giả Nickie Phillips đăng tải trên Tạp chí Oxford Research Encyclopedia, Criminology and Criminal Justice (oxfordre.com/criminology) xuất bản tháng 7/2017, tác giả cho biết, việc tranh luận xung quanh sự tác động của truyền thông đối với bạo lực và tình hình tội phạm trong xã hội đã nổ ra trong nhiều thập kỷ và không có dấu hiệu giảm. Trong những năm qua, nghiên cứu mục tiêu quan tâm của công chúng từ phim ảnh đến truyền hình rồi các loại trò chơi điện tử luôn có một câu hỏi luôn xuyên suốt đó là mối quan hệ giữa truyền thông và khán giả là gì: Cảm xúc, thái độ hay hành vi?

Hai hiện tượng - truyền thông và tội phạm - được liên kết “một cách tự nhiên” với nhau

Tác động của truyền thông

Thực tế đã có những nghiên cứu chứng minh tác dụng thuyết phục của truyền thông trong quảng cáo đối với cảm xúc và hành vi của mỗi con người. Nhiều nhà nghiên cứu về tội phạm học đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa bạo lực được phản án trên các phương tiện truyền thông và bạo lực trong đời thực.

Một câu hỏi luôn được đặt ra bạo lực được phản ánh trên truyền thông có gây ra sự hiếu chiến hoặc bạo lực trong thực tế hay không? Dường như một số nhà nghiên cứu đồng thuận rằng, tiếp xúc với bạo lực được phản ánh trên các phương tiện truyền thông sẽ tác động đến sự hiếu chiến, hung hãn của một số công chúng. Nghiên cứu trong tương lai sẽ tiếp tục khám phá những cách thay đổi công nghệ, bao gồm sử dụng phương tiện truyền thông xã hội ngày càng tăng, tác động đến sự hiểu biết và nhận thức của chúng ta đối với tội phạm cũng như hành vi phạm tội.

Trong một bài giảng của Vivien Carli thuộc International Centre for Prevention of Crime, Canada có nhan đề “The Media, Crime Prevention and Urban Safety: A Brief Discussion on Media Influence and Areas for Further Exploration, tác giả nhận định truyền thông về tội phạm có 2 mặt: Tiêu cực đó là làm công chúng sợ tội phạm, sợ bạo lực thậm chí làm cản trở đến những chính sách phòng ngừa tội phạm.

“Thông thường tin tức về tội phạm trên báo chí giống như thông tin của cảnh sát cung cấp bao gồm thông tin về người phạm tội, nơi phạm tội và nạn nhân mà ít dành cho bối cảnh xảy ra hành vi phạm tội. Việc các phương tiện truyền thông phân tích và đánh giá về xu hướng tội phạm và kết quả của việc thực hiện các chính sách công ở cấp địa phương có thể cản trở hiệu quả và thành công trong việc phòng ngừa tội phạm”.

Ở mặt tích cực, tác giả cho rằng khi các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh tin tức tội phạm có thể giúp công chúng nhận thức rõ thủ đoạn của tội phạm và có ý thức phòng ngừa tội phạm, chính quyền có thể đưa ra những chính sách để kiềm chế, đấu tranh, phòng, chống làm giảm tội phạm: “Vai trò của phương tiện truyền thông trong phòng, chống tội phạm có thể khuyến khích các chính sách phù hợp cũng như sáng kiến của chính phủ để phân bổ nguồn lực cho địa phương hoặc các cơ quan phòng, chống tội phạm để thực hiện các chiến lược phòng ngừa. Đồng thời các phương tiện truyền thông cũng có vai trò tích cực trong việc khuyến khích trách nhiệm giải trình của những cơ quan, những người ra quyết định kiểm soát việc ban hành và thực thi các chính sách công. Các phương tiện truyền thông có thể giúp thúc đẩy một nền báo chí dân sự nhằm cung cấp thông tin đáng tin cậy và tham gia vào các sáng kiến tích cực phòng, chống tội phạm”.

Bạo lực được phản ánh trên truyền thông có gây ra sự hiếu chiến hoặc bạo lực trong thực tế hay không?

Tóm lại, qua nghiên cứu về thông tin tội phạm, một số ảnh hưởng của thông tin tội phạm đối với công chúng có thể thấy rằng, thông tin về tội phạm và mối liên hệ giữa truyền thông và tội phạm đã được nghiên cứu từ lâu trong đó các nhà nghiên cứu đã tập trung lý giải về tin tức tội phạm, nạn nhân, đánh giá tác động, ảnh hưởng của một số loại thông tin tội phạm trên các phương tiện truyền thông đối với xã hội. Trên cơ sở những nghiên cứu này mà báo chí truyền thông nước ngoài có những điều chỉnh phù hợp khi đưa tin về tội phạm.

Nghiên cứu về truyền thông và tội phạm, thông tin tội phạm, ảnh hưởng của thông tin tội phạm trên báo chí Việt Nam đối với công chúng gần như không có, mặc dù hệ thống báo chí từ sau khi đất nước mở cửa đã đề cập thông tin tội phạm theo cấp độ tăng dần nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu ở trong nước chủ yếu tập trung về lĩnh vực tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, cá biệt gần đây có một số công trình luận văn, một số nhà khoa học, nhà báo có những nghiên cứu, đề cập công tác tuyên truyền phòng ngừa một số loại tội phạm đã được phản ánh trên báo chí; hiệu quả một số chuyên đề, chuyên mục chuyên biệt trên báo chí về an ninh trật tự.

Ngoài ra, một số báo, tạp chí, báo điện tử cũng có những bài viết đề cập những khía cạnh khác nhau của thông tin tội phạm, đánh giá công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm... Tuy nhiên, về mặt học thuật các nghiên cứu này chưa đề cập thông tin tội phạm, sự ảnh hưởng của thông tin tội phạm trên báo chí đối với công chúng và do đó cũng chưa đưa ra được giải pháp, kiến nghị cụ thể, sát thực nhằm góp phần nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng thông tin tội phạm trên báo chí. Như vậy, có thể nói đây vẫn là một khoảng trống về mặt lý luận cần phải được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.

Từ việc nghiên cứu một số tài liệu, công trình khoa học của nước ngoài, tác giả cho rằng, cần thiết phải có nghiên cứu khoa học để đưa ra cái nhìn toàn cảnh về thông tin tội phạm, ảnh hưởng của thông tin tội phạm trên báo chí đối với công chúng ở Việt Nam hiện nay, để từ đó có cái nhìn bao quát về ảnh hưởng của thông tin tội phạm, nhằm chỉ ra những bất cập, tồn tại cũng như hiệu quả của việc phản ánh thông tin tội phạm trên báo chí để từ đó làm cơ sở cho những giải pháp thấu đáo, hợp lý trong công tác tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm đến đông đảo công chúng hiện nay và trong tương lai./.

NCS Nguyễn Đăng Khang

Tài liệu tham khảo

1. Yvonne Jewkes; Media & Crime (2004), Cromwell Press Ltd, Trowbridge, Wiltshire, Great Britain.
2. Crime and the Media (2014); Palgrave Macmillan, London.
3. Surette, R., Media, Crime, and Criminal Justice (2015), Stanford, Connecticut Cengage Learning

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/thong-tin-toi-pham-tu-quoc-te-den-trong-nuoc-n15933.html