Thông tư về hàng sản xuất tại Việt Nam: Không phải công cụ để thanh, kiểm tra doanh nghiệp

Trưởng ban soạn thảo Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam khẳng định, khi Thông tư có hiệu lực sẽ không được phép làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Cùng với đó, Thông tư không phải công cụ để các cơ quan ban hành dùng để tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động doanh nghiệp mà nên được sử dụng làm căn cứ khi có sự việc cần phân xử.

Thông tin trên vừa được ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ tại chương trình Cà phê doanh nhân HUBA lần thứ 47 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức tại TP.HCM.

Baodautu.vn trích lược nội dung chia sẻ của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh:

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương (Ảnh: Hồng Phúc)

Từ 7-10 năm trước, việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam hay không chưa phải là chủ đề được quan tâm bởi thẳng thắn có thể nói rằng, uy tín hàng hóa Việt Nam chưa cao.

Khi đó, việc ghi trên nhãn, mặt hàng này được sản xuất tại Việt Nam không mang lại giá trị gia tăng nào trong tiếp thị, thậm chí còn phản tác dụng.

Khi nói đây là hàng Việt Nam, thông thường kèm thêm một cụm từ nhằm thể hiện rằng, đây là hàng Việt Nam tốt. Ví dụ như sơ mi Việt Nam xuất khẩu hay Hội hàng Việt Nam chất lượng cao,…

Thời gian gần đây, 5 năm trở lại đây, thực tiễn đã khác hẳn. Có một sự thay đổi chóng mặt đối với chất lượng, mẫu mã đẹp hơn, đa dạng chủng loại,… của các mặt hàng do Việt Nam sản xuất. Và việc dán nhãn sản xuất tại Việt Nam dường như mang lại giá trị tiếp thị tốt hơn.

Tôi không nói tất cả, nhưng có những ngành hàng của Việt Nam có sản phẩm chất lượng nên có những người dán nhãn sản xuất tại Việt Nam để dễ bán hơn.

Khi người tiêu dùng có lòng tin với sản phẩm Việt Nam, xuất hiện một vài vụ việc như đầu tiên là Khaisilk dán nhãn khăn lụa sản xuất tại Việt Nam nhưng thực tế, không phải như vậy.

Với tư cách là người tiêu dùng, ta được quyền thông tin 1 cách trung thực về sản phẩm ta mua. Với tư cách người sản xuất, hàng có chất lượng cũng không muốn bị ai giả mạo.

Gần đây xuất hiện một vụ việc nkhác (Asanzo-PV) đã phát sinh ra một nhu cầu phân định, như thế nào là hàng hóa của Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam.

Có những vụ việc rõ như Khaisilk khi ông Hoàng Khải, chủ công ty thừa nhận ngay từ đầu là mua lụa nước ngoài về rồi thay nhãn mác thì không cần phải phân định thêm.

Còn có những câu chuyện không đơn giản như thế. Có một phần giá trị của Việt Nam trong sản phẩm đó thật, thì trong trường hợp đó, giá trị của Việt Nam lớn đến bao nhiêu thì công nhận sản phẩm đó sản xuất tại Việt Nam?

Không để doanh nghiệp bị oan cũng như không để người tiêu dùng nhận được thông tin không chính xác. Từ đó, xuất hiện nhu cầu cần có văn bản cấp Nhà nước quy định, như thế nào được xem là hàng Việt Nam và hàng xuất xứ tại Việt Nam?

Ngay từ khi xảy ra vụ việc Khải silk, Bộ Công thương nhận thấy, dường như có khoảng trống nhất định, không phải cán bộ không mẫn cán vì nhiều năm trước không có nhu cầu phân định này.

Đầu năm 2018, Bộ Công thương suy nghĩ nên có văn bản quy định để khi có bất kỳ chuyện gì xảy ra như câu chuyện xảy ra gần đây (Asanzo-PV), chúng ta sẽ có căn cứ phân xử đúng sai, trong khi hiện nay không có văn bản quy định về việc này.

Ví dụ, tôi có thể sản xuất một chiếc ghế với gỗ nguyên liệu nhập khẩu, nhưng có người nói không công nhận sản phẩm Việt Nam vì 100% nguyên liệu là gỗ nhập khẩu.

Tôi lại không đồng ý, bởi trong sản phẩm này có đóng góp của người lao động Việt Nam, doanh nghiệp thiết kế mẫu mã, khấu hao máy móc,…Khi đó, ai sẽ là người đứng ra phân xử?

Khi nảy sinh ý tưởng soạn thảo văn bản quy định về việc này, nhưng thực tế không đơn giản chút nào.

Bộ Công thương xin ý kiến các Bộ khác, xin phép cho Bộ Công thương với tư cách là đơn vị phụ trách thị trường trong nước xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhưng ý kiến thu về rằng, đây không phải việc của Bộ Công thương.

Các ý kiến đó lập luận theo ý rằng, vật liệu xây dựng nên để Bộ Xây dựng quy định, nông sản nên để bộ Nông nghiệp quy định hay dược phẩm thì để Bộ Y tế quy định chứ các anh biết gì về dược phẩm, nông sản, vật liệu xây dựng mà quy định?

Câu chuyện ai làm cũng là vấn đề lớn, nếu không phải chức năng của Bộ Công thương mà Bộ đứng ra xây dựng thì chưa chắc người ta đã đồng ý.

Theo sau đó là văn bản sẽ theo hình thức Thông tư, Nghị định hay Luật?

Bộ Công thương phải báo cáo Chính phủ, cứ để Bộ ban hành một văn bản rồi lấy ý kiến các bên, trong quá trình tham khảo ý kiến có gì bất hợp lý thì tiếp tục hoàn thiện. Đến giờ, Bộ đã nhận được ủng hộ của các Bộ, ngành.

Chúng tôi khẳng định, Dự thảo Thông tư này có tác động rất rộng, đến tất cả mọi người.

Dự thảo có nhiều mục tiêu: thứ nhất, bảo vệ uy tín cho hàng Việt Nam; thứ hai, bảo vệ quyền được thông tin chính xác cho người tiêu dùng; thứ ba, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và cuối cùng là giảm hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Dự thảo sẽ tác động rất rộng, không chỉ doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa mà cả những đơn vị tham gia vào khâu lưu thông cũng bị tác động.

Một tiểu thương bán chiếc áo sơ mi dán nhãn hàng Việt Nam tại chợ Bến Thành. Dù tiểu thương nói với cơ quan kiểm tra rằng, họ chỉ mua hàng từ nhà máy sản xuất nhưng họ lại là người tham gia vào quá trình lưu thông, tiếp xúc với khách hàng.

Người bán hàng phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mà mình bán cũng như dán nhãn.

Do tác động rộng nên dự thảo sẽ được xin ý kiến tất cả doanh nghiệp, người dân cũng như cơ quan quản lý và chỉ khi nhận được sự đồng thuận rất lớn từ xã hội, lúc đó dự thảo mới đưa vào thực tiễn.

Bộ Công thương cũng đưa ra quan điểm, trong quá trình thực hiện Thông tư đề cao tính tự giác của các doanh nghiệp, để chi phí tuân thủ ở mức thấp nhất hoặc bằng 0 là tốt nhất.

Bởi, yêu cầu ghi nhãn hay nơi xuất xứ hiện đã áp dụng (theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP –PV) nên nếu nói Thông tư này làm phát sinh chi phí là không được. Thông tư này chỉ giúp ghi thông tin xuất xứ chính xác hơn, chứ không tạo thêm chi phí.

Một vấn đề nữa cần lưu ý là Nhà nước không đứng ra cấp giấy chứng nhận.

Có người nói, để thực thi Thông tư này nghiêm túc thì sản phẩm nào cũng phải mang đến cơ quan Nhà nước và chỉ khi được xem xét đồng ý thì khi đó doanh nghiệp mới được phép dán nhãn xuất xứ tại Việt Nam. Chúng tôi không đồng ý.

Thủ tục như vậy sẽ “đẻ” thêm thủ tục hành chính mới, làm doanh nghiệp phát sinh chi phí.

Doanh nghiệp tự giác, tự nghiên cứu thông tư và tự gắn nhãn mác lên sản phẩm theo sự hiểu biết của họ về hướng dẫn trong Thông tư.

Trong quá trình hoàn thiện Thông tư, ban soạn thảo sẽ bổ sung thêm một ý rằng, Thông tư này không nên được coi là công cụ để căn cứ vào đó mà thanh, kiểm tra doanh nghiệp. Đó là quan điểm cá nhân tôi, người chủ trì Ban soạn thảo.

Thông tư chỉ sử dụng khi có ai đó nghi vấn một doanh nghiệp dán nhãn sản xuất không đúng tại Việt Nam.

Thông tư chỉ đóng góp vào vai trò phân xử khi có chuyện xảy ra chứ không nên sử dụng để vào kiểm tra, kiểm soát doanh nghiệp.

Quan điểm xây dựng, soạn thảo Thông tư này của Bộ Công thương rất rõ ràng là, không được phép làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Và Thông tư nên được sử dụng như căn cứ để khi có sự việc nào đó cần phân xử, không phải công cụ để tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động doanh nghiệp.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thong-tu-ve-hang-san-xuat-tai-viet-nam-khong-phai-cong-cu-de-thanh-kiem-tra-doanh-nghiep-d107700.html