Thông xe kỹ thuật hai dự án BOT kết nối Hà Nội đi Tây Bắc

Sáng 10/10, Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình và UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức lễ thông xe tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình (thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT) và Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì nối QL32 với QL32C theo hình thức BOT. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã tới dự và phát lệnh thông xe.

Dự án BOT Hòa Lạc-Hòa Bình dài khoảng gần 26Km đã chính thức được thông xe, giúp khoảng cách và thời gian đi lại từ Hà Nội đến Hòa Bình tiết kiệm tới 1 giờ đồng hồ.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc công trình hoàn thành và đưa vào khai thác đúng dịp Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô không những góp phần phát triển kinh tế của khu vực Tây Bắc còn nhiều khó khăn mà còn có ý nghĩa đảm bảo an ninh quốc phòng - an ninh”.

Để công trình phát huy hiệu quả, an toàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các nhà đầu tư tiếp tục hoàn thiện công trình theo đúng hồ sơ thiết kế cũng như thực hiện các công tác sau đầu tư. Bộ trưởng cũng đề nghị TP. Hà Nội các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình khai thác công trình cũng như thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nhân dân các địa phương có dự án đi qua ủng hộ, để công trình được khai thác một cách an toàn, hiệu quả.

Cũng tại buổi lễ, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, UBND các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ đã cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GTVT, đặc biệt là của cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể để các công trình sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Lãnh đạo các địa phương hứa sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư trong quá trình vận hành công trình, cũng như tuyên truyền với nhân dân để người dân hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của công trình góp phần khai thác công trình hiệu quả, an toàn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và các đại biểu cắt băng thông xe tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình

Tuyến đường mới Hòa Lạc - Hòa Bình được nhận định sẽ giúp hành trình từ Hà Nội tới Hòa Bình rút ngắn khoảng 20km so với tuyến Quốc lộ 6 hiện nay. Đoạn tuyến này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m và có vận tốc tối đa 80km/giờ. Dự án có tổng mức đầu tư 2.723 tỷ đồng, do liên danh Tổng công ty 36 - Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội - Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT. Để hoàn vốn cho nhà đầu tư, theo phương án tài chính, dự án sẽ đặt 2 trạm thu phí trên mỗi tuyến đường: Tuyến QL6 đặt tại Km 42+730, tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình đặt tại Km 17+100. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến của dự án khoảng 27 năm 6 tháng 9 ngày. Dự kiến, dự án có thể bắt đầu thu phí từ ngày 1.1.2019.

Nếu lái xe con đi từ Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội) theo đường Đại Lộ Thăng Long - Hòa Lạc - TP Hòa Bình sẽ giảm được 20km, rút ngắn 40 phút so với đi trên QL6.

Đối với dự án xây dựng cầu Việt Trì – Ba Vì (cầu Văn Lang), sau khi đưa vào khai thác sẽ góp phần kết nối hoàn thiện mạng lưới giao thông trong vùng, mở ra cửa ngõ phía Nam của TP Việt Trì để kết nối giao thông thông suốt, thuận giữa TP Việt Trì và khu vực phía Tây thành phố Hà Nội và rút ngắn khoảng cách từ TP Việt Trì với Ba Vì. Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch dịch vụ, giao lưu trao đổi hàng hóa trong khu vực nói riêng cũng như trong tỉnh Phú Thọ với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận nói chung.

Cầu Văn Lang bắc qua sông Hồng và đường dẫn hai đầu cầu xây dựng trên địa phận huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội và thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Điểm đầu Dự án (phía Hà Nội) kết nối với QL32 tại lý trình Km59+500 thuộc địa phận xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội giao với đường đê Hữu Hồng tại lý trình Km10+800 và vượt sông Hồng tại vị trí cách ngã ba sông Hồng với sông Lô khoảng 2,5 km về phía Thượng lưu sông Hồng, cuối cùng tuyến giao với QL32C tại lý trình Km3+100 thuộc địa phận phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tổng chiều dài cầu và đoạn tuyến chính đường hai đầu cầu khoảng 9,46km. Trong đó: Chiều dài đường dẫn phía Phú Thọ khoảng 0,36km, chiều dài cầu vượt sông khoảng 1,557km, chiều dài đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54km.

Cầu Văn Lang có tổng chiều dài và đoạn tuyến chính đường hai đầu cầu khoảng 9,46 km.

Cầu Văn Lang được thiết kế vĩnh cửu bằng BTCT và BTCT DƯL (tuổi thọ 100 năm). Tải trọng thiết kế hoạt tải HL-93, bề rộng cầu 12m (bao gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,5m mỗi làn; 2 làn xe hỗn hợp rộng 2m mỗi làn; gờ lan can 2 bên là 2x0,5m=1,0m). Phần đường dẫn hai đầu cầu rộng 12m đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế=80Km/h, kết cấu mặt đường bê tông nhựa cấp cao A1. Tổng mức đầu tư Dự án :1.462,851 tỷ đồng.

Về công tác thu phí hoàn vốn dự án, đại diện nhà đầu tư cho biết, sẽ tiến hành thu phí để hoàn vốn dự án từ ngày 1/12/2018; mức phí đối với loại xe nhóm 1 - xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn (thấp nhất) là 35.000 đồng/lượt/xe. Mức thu cao nhất đối với xe nhóm 5 (xe tải trên 18 tấn và container 40 feet) là 185.000 đồng/lượt/xe.

Lê Minh

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/thong-xe-ky-thuat-hai-du-an-bot-ket-noi-ha-noi-di-tay-bac-d66646.html