Ths.Bs Huỳnh Minh Nhật: Người bị bệnh tim mạch hãy ăn nhiều mỡ cá, quả bơ

Ths.Bs Huỳnh Minh Nhật - Khoa Hồi sức Tim mạch bệnh viện quận Thủ Đức (TP HCM) cho biết chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị bệnh tim mạch.

Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay. Khi bị các vấn đề về tim mạch, mạch máu bị xơ vữa và tắc nghẽn khiến quá trình tuần hoàn máu không cung cấp đủ oxy cho não bộ và các cơ quan khác trong cơ thể. Từ đó, các các cơ quan khác bị hoạt động "trì trệ", phá hủy từng bộ phận dẫn đến tử vong.

Một khi đã bị bệnh tim mạch thì không thể chữa khỏi hoàn toàn. Bác sĩ Huỳnh Minh Nhật cho biết: "Với các bệnh truyền nhiễm, sau khi điều trị, bệnh nhân sẽ mệt mỏi và dần dần phục hồi.

Riêng với bệnh tim, sau khi đã cố gắng dùng các biện pháp cứu chữa, bệnh nhân thường khỏe lại, nhìn có vẻ bình thường nhưng khả năng tiên lượng về tim mạch rất xấu. Do trái tim đã bị "tổn thương" nên bệnh nhân có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Phòng ngừa bệnh tim mạch luôn là vấn đề mà chúng ta phải đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, những bệnh nhân có nguy cơ mắc tim mạch càng phải có chế độ ăn uống kiêng khem và sinh hoạt điều độ để đảm bảo trái tim khỏe mạnh."

Ths.Bs Huỳnh Minh Nhật, Khoa Hồi sức Tim mạch bệnh viện quận Thủ Đức. Ảnh: Trăm Nguyễn

Ths.Bs Huỳnh Minh Nhật, Khoa Hồi sức Tim mạch bệnh viện quận Thủ Đức. Ảnh: Trăm Nguyễn

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao

Bác sĩ Nhật cũng thông tin thêm, nguyên nhân mắc bệnh tim mạch thường là thức ăn nhanh, sử sụng chất có cồn, các chất kích thích và lối sống ít vận động.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao còn là người đã có tiền sử bệnh sau đây:

Người bị tiểu đường:

Bệnh tiểu đường có đặc điểm là tình trạng mức đường huyết tăng cao, về lâu dài sẽ làm tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Một tổn thương quan trọng mà tiểu đường gây ra đó là biến chứng ở mạch máu lớn (xơ vữa động mạch).

Xơ vữa động mạch để lại hậu quả là tổn thương mạch máu não, động mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,... Như vậy, tiểu đường gây ra các biến chứng tim mạch rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến tính mạng.

Tiểu đường gây ra các biến chứng tim mạch rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến tính mạng - Ảnh minh họa: Internet

Người bị tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một trong những căn bệnh không lây nhiễm phổ biến. Tuy nhiên, lâu dài tăng huyết áp sẽ dẫn đến nhiều hiểm họa bao gồm: Đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim. Đồng thời, một nghiên cứu chỉ ra rằng, suy tim là một trong những hệ lụy báo động của tăng huyết áp.

Tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch có mối quan hệ mật thiết. Do đó, khi kiểm soát và điều trị hiệu quả tăng huyết áp sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh suy tim.

Khi kiểm soát và điều trị hiệu quả tăng huyết áp sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh suy tim - Ảnh minh họa: Internet

Người có mỡ trong máu cao

Hiện nay, thức ăn nhanh và thực phẩm đóng hộp là nguyên nhân gây ra bệnh mỡ máu cao. Đồng thời, chế độ ăn nhiều thịt và hải sản giàu đạm (tôm, ghẹ, mực,...), chất béo động vật, uống nhiều bia rượu và các chất kích thích dẫn đến chứng rối loạn mỡ máu.

Mỡ máu cao là nguyên nhân hàng đầu và lớn nhất gây ra bệnh mạch vành, đột quỵ, đột tử và các bệnh nguy hiểm khác.

Người bị gout

Một trong những bệnh về xương khớp khá phổ biến là gout. Hiện nay, tình trạng bệnh gout mỗi ngày một gia tăng và gặp nhiều ở người trẻ.

Biến chứng mà gout thường gây ra là các bệnh về tim mạch. Bác sĩ Huỳnh Minh nhật cho biết: "Các tinh thể muối urat là nguyên nhân gây ra viêm màng trong cơ tim, làm cản trở quá trình lưu thông máu. Đây là lý do người bị gout lâu dài dễ bị nhồi máu cơ tim".

Biến chứng mà gout thường gây ra là các bệnh về tim mạch - Ảnh minh họa: Internet

Lời khuyên dinh dưỡng dành cho người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Trao đổi với Báo Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Huỳnh Minh Nhật chia sẻ: "Có 2 trường hợp: Đối tượng thứ nhất là bệnh nhân chỉ có yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, gout với trái tim hoàn toàn khỏe mạnh thì mục tiêu là điều trị các yếu tố nguy cơ. Việc điều trị các yếu tố nguy cơ sẽ giúp người bệnh duy trì được trái tim khỏe mạnh.

Đối tượng thứ 2 là bệnh nhân đã từng bị nhồi máu cơ tim, đã bị suy tim thì phải theo phác đồ điều trị của bác sĩ để kéo dài thời gian tiến triển suy tim và không phải nhập viện.

Ở trường hợp thứ 1, bệnh nhân chỉ có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch (tăng huyết áp, mỡ máu,…) và có trái tim khỏe mạnh nên được khuyến khích ăn theo chế độ DASH".

Theo đó, ăn theo chế độ DASH như sau:

Trái cây và rau, củ, quả

Rau củ quả là thực phẩm hàng đầu được khuyên dùng cho bệnh nhân có nguy cơ hoặc đã mắc bệnh tim mạch. Nhờ giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất, rau củ quả giúp cơ thể nâng cao hệ miễn dịch, cải thiện tuần hoàn máu, ổn định đường huyết,... từ đó, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Người bệnh nên ăn nhiều bơ, hành tây, nghệ tươi, 3 loại rau, củ, quả này giúp làm giảm cholesterol và triglyceride toàn phần.

"Người bệnh nên ăn nhiều bơ, đây là thực phẩm rất tốt cho bệnh tim mạch. Trong quả bơ chứa nhiều acid không bão hòa đơn và acid không bão hòa đa, giúp làm giảm các cholesterol xấu và thúc đẩy cholesterol tốt trong máu, từ đó làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch", bác sĩ Nhật khuyên.

Trong quả bơ chứa nhiều acid không bão hòa đơn và acid không bão hòa đa, giúp làm giảm các cholesterol xấu, thúc đẩy cholesterol tốt trong máu - Ảnh minh họa: Internet

Giảm lượng chất béo bão hòa, tăng lượng chất béo không bão hòa

Có hai loại cholesterol chính là loại “tốt” và loại “xấu”. Trong đó, cholesterol "xấu" gây ra mảng xơ vữa động mạch dần dần làm hẹp hoặc tắc mạch máu hoặc có thể vỡ ra đột ngột dẫn đến nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

Cholesterol "tốt" giúp làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các biến cố trầm trọng khác.

"Người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch nên điều chỉnh chế độ ăn sao cho: Giảm lượng chất béo bão hòa, tăng lượng chất béo không bão hòa. Thực phẩm chứa chất béo bão hòa là: mỡ động vật, bơ, bò, heo gà,…; thực phẩm chứa chất béo không bão hòa là mỡ cá, dầu thực vật, quả bơ. Đồng thời, nên sử dụng thực phẩm ít chất béo như: sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt, cá tươi, dầu thực vật.

Người bệnh phải tránh xa mỡ động vật, tuy nhiên, nên ăn nhiều mỡ cá. Vì mỡ cá giàu chất béo không bão hòa giúp hạ cholesterol trong máu, ngăn ngừa chứng nghẽn mạch máu và đột quỵ" - Bác sĩ Huỳnh Minh Nhật thông tin thêm.

Người bệnh nên ăn nhiều mỡ cá. Vì mỡ cá giàu chất béo không bão hòa giúp hạ cholesterol trong máu, ngăn ngừa chứng nghẽn mạch máu và đột quỵ (Bác sĩ Huỳnh Minh Nhật) - Ảnh minh họa: Internet

Giảm lượng muối ăn hàng ngày

Giảm lượng muối ăn hàng ngày đồng nghĩa với việc hạn chế ăn thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp. Đồng thời, bạn cũng phải giảm lượng muối trong bữa ăn hàng ngày.

"Liều lượng muối tốt nhất cho bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tim mạch là 2/3 muỗng cà phê mỗi ngày. Đặc biệt, không nên dùng các món ăn kèm với nước chấm.

Đồng thời, bệnh nhân không nên thức khuya, dậy sớm và phải luyện tập thể dục điều độ. Về chế độ luyện tập, bệnh nhân nên tập thể dục 3 lần/tuần. Bệnh nhân nên tập các hoạt động nhẹ nhàng (đi bộ, yoga) ít nhất 30 phút, sao cho đổ mồ hôi. Tránh những môn đối kháng, đấm bốc, tennis" - bác sĩ Huỳnh Minh Nhật cho biết.

Trăm Nguyễn

Nguồn PNSK: https://phunusuckhoe.vn/thsbs-huynh-minh-nhat-nguoi-bi-benh-tim-mach-hay-an-nhieu-mo-ca-qua-bo-c25a302541.html