THS.LS LÊ LÂM: MONG CHỜ GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT THÁO GỠ KHÓ KHĂN VỀ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của 04 Bộ trưởng đã kết thúc thành công theo chương trình làm việc. Đánh giá cao những nội dung thiết thực tại phiên chất vấn và trên cơ sở thực tiễn giải quyết các vụ việc, ThS.LS Lê Lâm cho rằng, cần những giải pháp quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát và chặt phá rừng.

Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, tập trung, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 này. Quan tâm và theo dõi phiên chất vấn, ThS.LS Lê Lâm, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội cho rằng, những nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn rất thiết thực, sát thực tiễn, được cử tri và Nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực của Tư lệnh ngành dân tộc, ThS.LS Lê Lâm nhấn mạnh, cần những giải pháp quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát và chặt phá rừng.

.

ThS.LS Lê Lâm, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội

ThS.LS Lê Lâm, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội

Phóng viên: Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn 04 Bộ trưởng tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, bà có đánh giá như thế nào về kết quả đạt được của nội dung nghị sự này?

ThS.LS Lê Lâm: Đánh giá về phiên chất vấn này, tôi sẽ nhìn nhận trên hai khía cạnh về nội dung và hình thức.

Về hình thức, phiên chất vấn được bố cục khá hài hòa về thời lượng tham gia của 04 Bộ trưởng. Đặc biệt, trong suốt quá trình tường thuật trực tiếp, chất lượng đường truyền, âm thanh, hình ảnh đều ổn định. Điều này thể hiện sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan, đơn vị của Kỳ họp. Việc tường thuật trực tiếp này giúp cử tri và Nhân dân có thể theo dõi khá tốt nội dung của phiên họp, phần nào cũng thể hiện sự công khai, minh bạch trong việc cung cấp thông tin tới cử tri.

Về nội dung, tôi cho rằng những vấn đề cũng như các Bộ trưởng được đưa vào phiên chất vấn lần này chắc chắn là đã có sự nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp. Cụ thể như các vấn đề về khoa học công nghệ, thực sự hiện nay đang tồn tại khá vấn đề nhiều nổi cộm, người dân và doanh nghiệp rất bức xúc, quan ngại về tình trạng xử lý và giải quyết đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tồn đọng, chậm trễ và kéo dài, đặc biệt là đối với đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cũng như kiểu dáng công nghiệp.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Hay như đối với lĩnh vực dân tộc, tình trạng khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát và chặt phá rừng đã tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp quyết liệt….

Theo tôi, các câu hỏi mà nhiều đại biểu Quốc hội cùng đưa ra, cùng quan tâm thể hiện sự phản ánh sát thực tế đời sống của người dân, doanh nghiệp. Điều đó chứng tỏ các đại biểu Quốc hội đã lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân và có những giám sát, khảo sát chất lượng. Cũng có những đối thoại, tranh luận thẳng thắn đi đến tận cùng của vấn đề.

Tôi cũng nhận thấy các Bộ trưởng, Trường ngành đều nắm tương đối chắc lĩnh vực mình phụ trách, do đó có những giải trình tương đối rõ. Tuy nhiên, đối với những câu trả lời về giải pháp mang tính chiến lược, tôi nhận thấy các giải pháp vẫn còn chung chung, chưa có những giải pháp mũi nhọn. Đa số các Bộ trưởng đều chỉ ra rằng cần đồng bộ các giải pháp, nhưng ưu tiên giải pháp nào hơn, trong thời gian nào…thì cần phải rõ ràng hơn.

Phóng viên: Đối với những nhóm vấn đề được đưa ra tại phiên chất vấn, bà đặc biệt quan tâm đến vấn đề nào?

ThS.LS Lê Lâm: Có thể thấy các vấn đề đưa ra tại phiên chất vấn đều là những vấn đề đáp ứng nhu cầu thực tiễn; những vấn đề mà có nhiều khó khăn cần tháo gỡ, cần đánh giá để hoàn thiện pháp luật. Tuy nhiên, tôi có quan tâm sâu hơn tới nhóm vấn đề về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát và chặt phá rừng thuộc lĩnh vực chất vấn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Sở dĩ tôi quan tâm sâu hơn về nội dung này vì qua thực tiễn giải quyết các vụ việc tại một số địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, cụ thể là ở Tây Nguyên tôi nhận thấy việc quản lý đất đai còn rất nhiều vướng mắc, bất cập. Theo đó, ở khu vực này, diện tích đất rừng giảm mạnh, một phần do chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất rừng sang phát triển kinh tế xã hội, nhưng phần lớn, mất rừng là do công tác quản lý lỏng lẻo, để xảy ra tình trạng hủy hoại rừng, khai thác gỗ trái phép, chiếm đất để sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, việc quản lý tài nguyên đất không tốt cũng đã tạo ra những xung đột: Xung đột giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo cho sự phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Xung đột giữa lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau, nhất là giữa nhóm có quyền lực với các nhóm yếu thế khác. Xung đột giữa kinh tế thị trường với các điều kiện về sinh tồn, không gian văn hóa truyền thống ... Những xung đột này có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có vai trò của thể chế, chính sách về quản lý sử dụng đất, với những quyết sách chỉ mang tính tình thế, không giải quyết được một cách căn bản, lâu dài, đối với việc sử dụng đất nhằm đảm bảo tính bền vững về nhiều mặt.

Các đại biểu tại phiên chất vấn

Tại nghị trường Quốc hội cũng đã có nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Theo đó, các đại biểu cũng chỉ rõ, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng du canh, du cư tự phát, chặt phá rừng, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, chúng ta có Nghị quyết số 88/2019/QH14 yêu cầu đến năm 2025 là phải giải quyết căn cơ tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.

Một số đại biểu cũng bày tỏ tâm tư khi các địa phương chưa có đủ cơ sở triển khai thực hiện các hoạt động về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất thuộc các dự án thành phần của các Chương trình mục tiêu quốc gia và chưa giải ngân được trong nguồn vốn của năm 2022 và năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Từ thực tiễn nghiên cứu pháp luật của cá nhân và theo dõi những ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tôi cho rằng việc thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa hoặc chưa có nhiều hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất là mục tiêu rất quan trọng. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm, thực hiện tốt được việc này sẽ mang đến hiệu quả là giải quyết đất ở cho hơn 17.400 hộ, giải quyết trực tiếp đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ, giải quyết sinh kế cho 271.800 hộ, cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do, hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số dân đã di cư tự do vào các điểm dân cư theo quy hoạch.

Phóng viên: Theo bà, những giải pháp mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đưa ra tại phiên chất vấn đã thỏa đáng chưa? Bà có kiến nghị giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn đối với lĩnh vực này?

ThS.LS Lê Lâm: Theo dõi câu trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tôi thấy Bộ trưởng có đề cập đến việc xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và trình với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1719, trong đó có đề ra các chỉ tiêu, mục tiêu rất cụ thể là đến năm 2025 thì giải quyết 60% nhu cầu đất ở cho người dân. Còn giai đoạn tiếp theo là 2026-2030 là 40%. Theo đó, giai đoạn 1 tập trung vào những vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhất và những nơi khó khăn nhất mà bà con chưa có bất cứ một chính sách nào được hỗ trợ lần nào.

Còn về giải pháp đất sản xuất, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết sẽ thống nhất giữa các bộ, ngành triển khai Nghị định 146 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Quốc hội; Nghị quyết 112 năm 2015, Nghị quyết 113 năm 2015 rà soát quỹ đất của nông, lâm trường của các địa phương để lấy quỹ đất này cấp cho người dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn

Theo tôi, các giải pháp mà Tư lệnh ngành đưa ra là đúng, tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa được triển khai hiệu quả. Dẫn đến đời sống một bộ phận nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn. Việc phục hồi sản xuất chưa bền vững, không ít hộ dân chưa được hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội do chưa đăng ký được hộ khẩu…

Cá nhân tôi cho rằng tiến độ thực hiện những giải pháp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đưa ra còn tương đối chậm. Đây là vấn đề không chỉ bà con dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên mà nhiều vùng miền núi khác đều rất mong mỏi. Do đó, cần có những giải pháp quyết liệt, cụ thể hơn và phân loại thứ tự ưu tiên của các giải pháp.

Đánh giá cao những giải pháp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, tuy nhiên tôi cho rằng để góp phần đẩy nhanh tốc độ thực hiện mục tiêu ổn định đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì cần khẩn trương triển khai thêm một số biện pháp cụ thể, sát sườn sau:

Một là, cần sắp xếp và tổ chức lại hệ thống các Công ty Lâm nghiệp, Nông nghiệp, các Nông, Lâm trường phù hợp với thực tế và các điều kiện sản xuất; rà soát lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. Quan tâm đến đời sống của người dân tộc tại chỗ, lưu ý đến sự phát triển dân số tự nhiên, sự hình thành các gia đình trẻ nhưng chỉ biết sản xuất nông nghiệp theo truyền thống. Cần có giải pháp ngăn chặn việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích đất mới được cấp theo chủ trương này. Đồng thời, có chính sách thỏa đáng đối với người dân di cư tự do.

Hai là, đối với đất nông nghiệp do các Công ty, Nông trường đang quản lý thì cần tổ chức rà soát kỹ lưỡng để xác định những diện tích đất dư thừa, chưa khai thác hết, chuyển cho người dân canh tác và giao cho địa phương quản lý.

Ba là, đối với đất Lâm nghiệp cần tổ chức lại lực lượng bảo vệ rừng nghiệp vụ hơn, có tinh thần trách nhiệm hơn, với yêu cầu nhiệm vụ là bảo vệ cây rừng đang sống hơn là nhiệm vụ đi đo đếm những cây rừng đã bị chặt hạ hoặc đã xẻ thành phách. Căn cứ vào quy hoạch 3 loại rừng đã được phê duyệt, đối với đất rừng sản xuất nhưng đang ở trong tình trạng đất trống, trảng cỏ, cây bụi... nên quy hoạch lại, giao cho người dân quản lý và sản xuất, theo hướng dẫn của ngành lâm nghiệp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76792