Thú chơi xe đạp cổ

Người Hà Nội xưa nay lúc nào cũng giữ cho mình những thú chơi. Chơi hoa. Chơi cờ. Chơi sách. Chơi chim. Chơi cây. Chơi cá… Về vùng Sấu Giá (Hoài Đức - Hà Nội) những ngày xuân này, còn thấy rộn ràng thú chơi xe đạp cổ.

Những chiếc Peugeot cũ nhưng vẫn “đẹp như mới” được nhiều người quan tâm.

1. Sấu Giá là cách gọi quen thuộc, để chỉ một vùng đất ở xứ Đoài, gồm các xã Dương Liễu, Cát Quế, Đắc Sở, Yên Sở, Minh Khai của huyện Hoài Đức bây giờ. Người Sấu Giá dù có bận mải với nhiều nghề khác nhau, nhưng vẫn hình thành được những tổ, nhóm có chung có cùng sở thích. Ví như CLB Xe đạp cổ Sấu Giá do anh Tạ Minh Khang làm chủ nhiệm. Đến nay, các thành viên trong CLB Xe đạp cổ Sấu Giá đã có bộ sưu tập gần 100 chiếc xe với nhiều “thương hiệu”, nhiều chiếc được dân chơi xe đánh giá rất quý.

Anh Khang kể, CLB Xe đạp cổ Sấu Giá được thành lập cách đây 5 năm. Khi đó 3 thành viên nòng cốt là anh Khang, ông Nguyễn Phú Thanh và ông Nguyễn Như Vĩnh. Dần dần, CLB quy tụ thêm những thành viên có cùng sở thích. Mà sở thích chơi xe đạp cũ, xe đạp cổ ở vùng Sấu Giá này, theo anh Khang, ngày một nhiều hơn. Lý giải điều này, nhiều người cho rằng, đó là thú chơi đã được “gieo mầm” từ các thế hệ đi trước.

Xưa, dù nghèo đói, dù phải trải qua chiến tranh, sơ tán, nhưng nhiều cụ vẫn giữ thú chơi xe đạp. Theo anh Khang, trước năm 1950, một số cụ người trong vùng đã sở hữu những chiếc xe đạp nhãn hiệu Peugeot, Sterling… Tất nhiên, mỗi thời cách chơi mỗi khác. Có thể trước đây, các cụ sở hữu chiếc xe còn để phục vụ việc đi lại, thậm chí vận chuyển hàng hóa. Chiếc xe đạp hồi ấy là một tài sản lớn, gắn bó với các thành viên trong gia đình.

2. Khi mà nhiều nơi nhiều vùng đang rộn ràng trong những lễ hội đầu xuân thì về vùng Sấu Giá lần này, thấy xôn xao về triển lãm xe đạp cổ được mở tại Phòng văn hóa xã Yên Sở. Đây là lần đầu tiên những thành viên của CLB Xe đạp cổ Sấu Giá tổ chức trưng bày, triển lãm sau hơn 5 năm thành lập. Và hình như, đây cũng là lần đầu tiên ở Hà Nội có cuộc triển lãm xe đạp cổ? Lâu nay, những nhóm chơi xe đạp vẫn tụ lại ở khu đền Lừ (Hoàng Mai), ở vườn hoa Lý Trọng Trọng (Ba Đình) hay một số nơi khác, nhưng quy tụ những chiếc xe đạp quý, gắn liền với những câu chuyện, những phận người rồi tổ chức trưng bày, triển lãm thì vẻ như chưa. Vì thế, những người có cùng sở thích ở Yên Sơ, Đắc Sở, Dương Liễu… thậm chí cả những người chơi xe ở những khu vực khác ngay từ mùng 6 Tết đã rủ nhau cùng tụ về Yên Sở để ngắm xe, để hàn huyên trao đổi những cái được, cái chưa; ngắm những chiếc xe cực quý mà “đội” Sấu Giá đang sở hữu.

Anh Tạ Minh Khang cho biết, lần này CLB trưng bày hơn 50 chiếc xe đạp, trong đó, chiếc cổ nhất được sản xuất năm 1930, còn chiếc “trẻ” nhất cũng xuất xưởng năm 1968. Nhiều chiếc xe được sưu tập từ trong nước, nhưng không ít chiếc xe được các thành viên CLB Xe đạp Sấu Giá mua từ nước ngoài. “Nhiều chiếc tiền vận chuyển về Việt Nam còn đắt hơn tiền mua xe” - anh Khang tiết lộ.

3. Chỉ vào 4 chiếc Peugeot dựng nghiêm ngắn ở ví trí đẹp nhất của phòng trưng bày, ông Nguyễn Nhật Cương (68 tuổi), người xã Cát Quế- một thành viên CLB tỏ ra tự hào: Trong bộ này có hai chiếc “chéo tám” của tôi, sản xuất năm 1964, và hai chiếc “rút sắt” năm 1968”. Theo ông Cương, xe Peugeo nhiều người sưu tầm, nhưng tìm được những chiếc xe nước sơn còn mới, còn sáng với nhiều “phụ kiện” đi kèm là rất khó!

Chia sẻ về quá trình chơi xe, ông Cương cho biết, mê xe từ thời thanh niên, và không ngại đi xa để tìm được những chiếc xe ưng ý. Thậm chí, ông đã đi vào TP HCM, xuống Tây Ninh, Long An, An Giang, sang tận Campuchia để tìm xe. “Một chiếc xe nhãn hiệu Mecier, người ta đưa từ Thái Lan về Sài Gòn, tôi mua được với giá 36 triệu đồng. Lúc cao điểm có trả đến 100 triệu đồng tôi cũng không bán” - ông Cương nói.

Một thành viên khác là ông Nguyễn Xuân Nông (76 tuổi), người Yên Sở, thành viên CLB xe đạp cổ Sấu Giá cho biết, mua chiếc xe Peugeot sản xuất năm 1960 từ hồi 25 tuổi, thỏa nguyện giấc mơ từ bé là có được một chiếc xe đạp. Ông giữ gìn nó đến tận bây giờ, nguyên vẹn khung, vành, ghi đông… Ông Nông rất quý chiếc xe của mình, không muốn bán đi, bởi nó giúp ông đi qua những năm tháng khó khắn, thiếu thốn…

So với những thú chơi khác, có thể chơi xe đạp cổ ít tốn kém hơn, hoặc cũng ít được đám đông ưa chuộng hơn. Bởi bây giờ người ta thích nhanh, thích những “món đồ” nhỏ gọn mà có giá trị luân chuyển cao. Nhưng về vùng Sấu Giá bây giờ, đi trên đường làng, đường đê thấy hình ảnh những người đàn ông nhẩn nha đạp xe. Một cuộc sống thong dong và bình yên đến lạ. Điều đó góp phần làm nên giá trị của cuộc sống, đồng thời cũng góp phần tạo nên nét văn hóa riêng của người Sấu Giá hôm nay.

Thư Hoàng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/thu-choi-xe-dap-co-tintuc396435